Thủ tướng phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020- 2021.

Thủ tướng phê duyệt Đề án Thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai
Xem thêm

Theo đó, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ 4 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết số 33) và quy định của pháp luật.

Hội đồng quản lý bệnh viện (Hội đồng quản lý ) gồm 11 thành viên. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý. Hội đồng quản lý là cơ quan quản lý cao nhất của Bệnh viện cho tới khi Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn thành viên Hội đồng quản lý theo quy định.

Trong thời hạn 6 tháng, Hội đồng quản lý quyết nghị trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê chuẩn: Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý, Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện. Hội đồng quản lý có các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị quyết số 33 và quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.

Bệnh viện Bạch Mai được thành lập từ năm 1911 với tên ban đầu là nhà thương Cống Vọng, chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm. Năm 1935, bệnh viện được đổi tên là René Robin, trở thành cơ sở thực hành của Đại học Y khoa Đông Dương. Từ năm 1945, bệnh viện mang tên Bạch Mai. Đến năm 2016, bệnh viện có 1.900 giường.

Bệnh viện Bạch Mai gồm hai bệnh viện thành viên tại Hà Nội và thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Đơn vị này sẽ tự chủ tài chính đảm bảo công khai, minh bạch; tăng tỷ lệ trích Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ hỗ trợ người bệnh. 

Trước đó, tháng 5/2019, Chính phủ phê duyệt chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan