Bệnh nhân Lisa Pisano, 54 tuổi, người New Jersey (Mỹ) bị suy tim và bệnh thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo. Bà không đủ điều kiện để nhận tạng người.
"Tôi đã gần kiệt quệ rồi. Tôi không thể lên cầu thang, lái xe hay chơi với cháu. Vì vậy, khi cơ hội này đến, tôi liền bắt lấy nó" - người bệnh chia sẻ.
Đây là người thứ hai được ghép thận lợn biến đổi gene vào cơ thể khi còn sống và là người đầu tiên được ghép cả tuyến ức của lợn để chống lại sự đào thải.
Ca ghép thận diễn ra vào ngày 12/4, tám ngày sau ca đặt máy bơm tim, hay còn được gọi là thiết bị hỗ trợ tâm thất trái (LVAD), vào ngày 4/4.
Tháng trước, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston (Mỹ) đã ghép thận lợn cho nam bệnh nhân Rick Slayman, 62 tuổi, đánh dấu ca ghép thận lợn thành công đầu tiên trên thế giới đối với người sống.
>>> Xem thêm: Bệnh nhân đầu tiên được ghép thận lợn đã xuất viện
Các vấn đề về đào thải với việc ghép tạng từ động vật sang người (ghép dị loài) đã dẫn đến thất bại, phần lớn là do hệ thống miễn dịch của con người tấn công các mô lạ.
Giờ đây, các nhà khoa học đang sử dụng phương pháp biến đổi gene để tăng tương thích giữa tạng động vật với con người.
"Hệ thống miễn dịch của con người sẽ đào thải các cơ quan từ động vật, nhưng tiến sĩ Montgomery và đội ngũ đã sử dụng một quả thận lợn được biến đổi gene để tương thích hơn", Giáo sư - Tiến sĩ LaPook tại NYU Langone giải thích.
Theo Tiến sĩ Robert Montgomery, giám đốc Viện Ghép tạng NYU Langone, cho biết hiện tại tình trạng hồi phục của bệnh nhân "rất tốt". Người bệnh cũng cho biết cảm thấy tuyệt vời hơn trước đây.
Tiến sĩ Montgomery nói rằng thành công này "không chỉ là để duy trì sự sống, mà còn là đưa người bệnh trở lại cuộc sống bình thường".
Còn đối với bệnh nhân Pisano, điều này có nghĩa là được chơi với hai cháu nhỏ của bà lần đầu tiên sau nhiều năm ước ao.
Tiến sĩ LaPook nói thêm rằng quy trình này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép theo chế độ "sử dụng vì mục đích nhân đạo" (compassionate use).
"Compassionate use" là một chương trình cung cấp các phương pháp điều trị thử nghiệm cho những bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng mà không có lựa chọn điều trị nào khác.
Việc sử dụng vì mục đích nhân đạo cho phép bệnh nhân sử dụng các loại thuốc, sinh phẩm và thiết bị y tế chưa được phê duyệt
"Vì vậy, dù chưa được phê duyệt nhưng đây là một bước đột phá công nghệ tuyệt vời", TS LaPook cho biết.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Bệnh nhân đầu tiên được đặt máy bơm tim kết hợp ghép thận lợn tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].