4 cách dạy con thành đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ

Có lẽ bố mẹ nào cũng mong muốn con mình có một tinh thần mạnh mẽ để vượt qua những thử thách trong cuộc sống, kiên cường đối mặt với bất cứ điều gì xảy ra.

Nghiên cứu cho thấy những người có tinh thần mạnh mẽ có những đặc điểm và phẩm chất khiến họ có nhiều khả năng hạnh phúc và thành công, bao gồm sự tự tin, kiên trì và kiên cường.

Trẻ em và người lớn đều có thể phát triển và rèn luyện tinh thần để trở nên mạnh mẽ hơn.

Dưới đây là 4 điều bố mẹ có thể làm để nuôi dạy những đứa trẻ có tinh thần mạnh mẽ, theo các nhà tâm lý học và các chuyên gia nuôi dạy con cái.

1. Giúp trẻ tự trao quyền cho bản thân

tre manh me 7

Theo Amy Morin - nhà trị liệu tâm lý, nhà văn và người  dẫn chương trình podcast Mentally Stronger - sự tự tin và tự tạo động lực là những khía cạnh quan trọng của sức mạnh tinh thần.

Nghĩa là con bạn không nên phụ thuộc vào người khác để cảm thấy hài lòng về bản thân.

Bố mẹ có thể giúp trẻ tự tin hơn bằng cách dạy con những cụm từ lặp đi lặp lại để nhắc nhở con tự trách nhiệm về cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của mình mà không bị tác động bởi những người xung quanh.

Morin gợi ý những cụm từ ngắn gọn và dễ nhớ như:

  • "Tôi phải cố hết sức mình."
  • "Tự tin lên."
  • "Tôi đủ tốt rồi."
  • "Hôm nay tôi chọn niềm vui."

2. Cho trẻ thấy giá trị của việc vượt khó

tre manh me 10

Thật khó khăn khi phải đứng nhìn con mình thất bại trong một việc gì đó.

Tuy nhiên, bố mẹ cần cho con biết rằng, dù thành công hay thất bại thì việc đương đầu với mỗi thử thách khó khăn có thể dạy con rất nhiều điều, chẳng hạn như cách làm việc dưới áp lực.

Nhà tâm lý học Mary C. Murphy khuyên bạn nên chúc mừng khi con thể hiện lòng dũng cảm để vượt qua một thử thách khó khăn.

Hãy giúp con suy nghĩ về những gì con đã học được và cách áp dụng những bài học, kỹ năng đó trong tương lai.

Murphy khuyên bố mẹ nên kể cho con nghe chuyện của chính mình, về những lần bố mẹ đã kiên trì khi gặp khó khăn và những bài học từ sai lầm trong quá khứ.

Những câu chuyện này giúp trẻ hiểu và bình thường hóa một điều rằng hầu hết mọi thứ đáng làm thường đi kèm với một chút khó khăn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu.

3. Giữ thái độ lạc quan

tre manh me 5

Thái độ của bố mẹ có thể lan truyền sang con, đó là lý do tại sao các nhà tâm lý học trẻ em nói rằng bố mẹ phải làm gương cho con cái.

Theo nhà thần kinh học Wendy Suzuki, điều này bao gồm cả sự lạc quan - một yếu tố then chốt của sức mạnh tinh thần.

Những đứa trẻ lạc quan, tràn đầy hy vọng có cảm giác kiểm soát cuộc sống của mình tốt hơn và thường tự tin hơn khi đương đầu với những thách thức mới, nhà tâm lý học giáo dục Michele Borba cho biết.

Tính lạc quan có thể học và dạy được, vì vậy hãy nhớ rằng con bạn luôn lắng nghe và quan sát để học cách cư xử.

Khi có chuyện xảy ra, bố mẹ có thể nói: "Không sao đâu, chúng ta giải quyết được việc này".

Nếu bố mẹ nói điều này thường xuyên, con có thể thực sự lắng nghe cách bạn giải quyết vấn đề.

Và điều tuyệt vời nhất là trẻ thường sẽ bắt chước theo, từ đó biết cách tự trấn an bản thân.

4. Dạy trẻ xin lỗi đúng lúc và đúng cách

tre manh me 6

Một khía cạnh quan trọng của sức mạnh tinh thần là trí tuệ cảm xúc (EQ), trong đó có sự đồng cảm và nhận thức về bản thân.

Morin khuyên các phụ huynh nên dạy con tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác và bản thân - bao gồm việc lắng nghe quan điểm của người khác một cách tôn trọng và xin lỗi chân thành khi  làm sai điều gì đó.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con luôn luôn nên nói xin lỗi. Đừng để rơi vào cái bẫy "tự đổ lỗi độc hại", điều thường xảy ra khi những suy nghĩ tiêu cực làm mất đi sự tự tin của bạn.

Hãy nhớ rằng, người mạnh mẽ là người sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Họ xin lỗi chân thành khi hối hận về hành động của mình và cố gắng sửa đổi bất cứ khi nào có thể.

(Theo CNBC)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính