Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, sự xuất hiện của cúm A khiến nhiều mẹ lo lắng khi con mình có biểu hiện hắt hơi, chảy mũi, ho…, rằng con mình liệu có phải bị mắc cúm A hay chỉ là cảm cúm (cảm lạnh) thông thường. Để phân biệt cúm A với bệnh cảm cúm (cảm lạnh) thông thường, bác sĩ Dũng lưu ý các mẹ cần chú ý vào các triệu chứng điển hình sau:
- Triệu chứng của cúm A rầm rộ hơn rất nhiều so với cảm cúm thông thường và thường khởi phát nhanh. Ví như một người khỏe mạnh bình thường nếu mắc cúm A sẽ đột ngột sốt cao 38,5 – 39 độ C. Trong khi đó, nếu mắc cảm cúm thông thường thì chỉ sốt nhẹ, dân gian vẫn hay gọi là hơi nóng đầu. Nếu đo nhiệt độ cũng chỉ 37,5 – 38 độ C.
- Cúm A gây ra các triệu chứng ở toàn thân nên người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau cơ, đau khớp, đau mình mẩy, đau đầu… Hơn nữa, do người mắc cúm A thường bị sốt cao nên người bệnh sẽ thấy mệt mỏi rất nhiều.
- Người mắc cúm A còn có thêm các triệu chứng về hô hấp như ho nhiều, chảy nước mũi; da có thể nổi ban; có người bị tức ngực, khó thở, ăn uống kém… Các triệu chứng của cúm A rất rầm rộ, gây mệt mỏi khiến người bệnh phải nghỉ ngơi ngay lập tức. Còn những người bị cảm cúm thông thường thì có thể hơi mệt mỏi, hắt hơi, ho, chảy mũi nhưng vẫn đi làm được bình thường.
Cúm A lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ lây lan nhanh hơn. Trẻ em có nguy cơ cao bị lây bệnh do sinh hoạt ở nhà trẻ, tiếp xúc gần với bạn bị bệnh. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Khi thời tiết chuyển mùa, chú ý giữ ấm cho con đúng cách.
Nếu con bị cúm A, cha mẹ nên cho con nghỉ học để tránh lây bệnh cho trẻ khác. Khi chăm sóc con bị cúm ở nhà cần chú ý hạ sốt đúng cách cho con; cho trẻ uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả; ăn uống đảm bảo dinh dưỡng…
Khi trẻ có các dấu hiệu: Sốt cao liên tục từ 39 độ C trở lên, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, co giật, trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh, trẻ khó thở, thở nhanh thì nên đưa trẻ đi khám sớm.
Hiện nay đã có vắc-xin phòng cúm, vì vậy cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng sớm, thông thường lịch là tiêm mũi đầu, mũi 2 là tiêm cách đó một tháng thì trẻ miễn dịch với cúm hiệu quả. Hàng năm đến ngày đó lại tiêm, tiêm phòng cúm là một trong những cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh.
An AnBạn đang xem bài viết Chuyên gia chỉ cách phân biệt cúm A với cảm cúm thông thường tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].