Tích tụ quá nhiều axit uric có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như bệnh gút (gout) và sỏi thận.
Duy trì nồng độ axit uric tối ưu rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể.
Dưới đây là 5 cách hiệu quả tại nhà giúp bạn giảm nồng độ axit uric một cách tự nhiên.
Axit uric là gì và vai trò của nó trong cơ thể người?
Axit uric là một sản phẩm phụ của quá trình tiêu hóa thực phẩm giàu purin.
Purin là chất tự nhiên có trong một số loại thực phẩm nhất định, cũng được hình thành và phân giải bên trong cơ thể.
Thông thường, cơ thể lọc axit uric qua thận và bài tiết ra ngoài qua nước tiểu.
Tuy nhiên, nếu lượng purin nạp vào cơ thể quá nhiều hoặc nếu cơ thể không thể loại bỏ axit uric hiệu quả, nó có thể tích tụ trong máu, dẫn đến các vấn đề sức khỏe.
Khi nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao, sẽ dẫn đến tình trạng được gọi là tăng axit uric máu (hyperuricemia).
Mức axit uric cao có thể khiến các tinh thể urat hình thành trong các khớp, dẫn đến bệnh gút.
Tăng axit uric máu cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ sỏi thận, bệnh thận, huyết áp cao, bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa và một số bệnh viêm nhiễm như bệnh vẩy nến.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, nồng độ axit uric bình thường là 3,4 - 7 miligam trên decilit (mg/dL) đối với nam giới và 2,4 - 6 mg/dL đối với nữ giới, tuy nhiên nó có thể dao động trong khoảng 3,5 đến 7,2 mg/dL.
Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn duy trì nồng độ axit uric:
1. Tiêu thụ thực phẩm ít purin
Thực phẩm giàu purin có thể làm nồng độ axit uric tăng cao hơn.
Áp dụng chế độ ăn ít purin có thể giúp giảm đáng kể lượng axit uric trong cơ thể.
Dưới đây là một số thực phẩm ít purin nên đưa vào chế độ ăn uống của bạn:
- Trái cây: Hầu hết các loại trái cây đều ít purin và có thể ăn thoải mái.
- Rau: Bổ sung nhiều rau xanh như ớt chuông, dưa chuột, cà rốt và rau lá xanh trong chế độ ăn uống của bạn.
- Sữa ít béo: Sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo như sữa tươi, sữa chua và phô mai.
2. Tránh đồ uống có đường
Đồ uống có đường như nước ngọt có gas và nước ép trái cây có thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể.
Siro ngô hàm lượng đường fructose cao (high fructose corn syrup - HFCS) là chất tạo ngọt phổ biến trong nhiều loại đồ uống có đường, có liên quan đến việc làm tăng nồng độ axit uric.
Thay vào đó, hãy uống nước, trà thảo mộc và nước ép trái cây tươi để giúp giảm axit uric.
3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Thừa cân có thể dẫn đến tăng nồng độ axit uric trong cơ thể.
Các tế bào mỡ sản sinh ra nhiều axit uric hơn so với các tế bào cơ. Bên cạnh đó, thừa cân khiến thận khó lọc axit uric hiệu quả hơn.
Giảm cân có thể giúp giảm đáng kể nồng độ axit uric. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để tạo ra một kế hoạch giảm cân lành mạnh phù hợp với nhu cầu của cơ thể bạn.
4. Tăng cường bổ sung chất xơ
Chế độ ăn giàu chất xơ có lợi cho những người có nồng độ axit uric cao. Chất xơ giúp hấp thụ và loại bỏ lượng axit uric dư thừa khỏi máu.
Dưới đây là cách bạn có thể tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống:
- Ăn nhiều trái cây và rau quả: Bổ sung nhiều loại trái cây và rau quả trong các bữa ăn hàng ngày.
- Chọn ngũ cốc nguyên cám: Sử dụng các loại ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, bánh mì nguyên cám và đại mạch.
- Đậu: Bổ sung các loại đậu như đậu lăng, đậu đen và đậu gà vào chế độ ăn uống của bạn.
- Các loại hạt: Ăn vặt các loại hạt như hạnh nhân, hạt chia và hạt lanh để tăng thêm chất xơ.
5. Cân bằng nồng độ insulin
Nồng độ insulin trong cơ thể cao có thể dẫn đến tăng sản xuất axit uric. Bạn cần đi khám bác sĩ để kiểm tra nồng độ insulin.
Nếu nồng độ insulin cao, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống và dùng thuốc để giúp cân bằng.
Duy trì mức insulin khỏe mạnh có thể hỗ trợ giảm nồng độ axit uric và ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe liên quan.
(Theo Times of India)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 cách hiệu quả giúp giảm nồng độ axit uric, ngăn ngừa bệnh gút, sỏi thận tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].