Báo Điện tử Gia đình Mới

Nghiên cứu mới: Bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ nữ tử vong ít hơn bác sĩ nam

Một nghiên cứu mới cho thấy bệnh nhân có tỷ lệ tử vong và tái nhập viện thấp hơn khi được các bác sĩ nữ điều trị, trong đó bệnh nhân nữ giới được hưởng lợi nhiều hơn so với nam giới.

Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nữ khi được bác sĩ nữ điều trị là 8,15%, trong khi đó với bác sĩ nam là 8,38% - một sự khác biệt đáng kể về mặt lâm sàng.

Mặc dù sự khác biệt ở bệnh nhân nam nhỏ hơn, song người bệnh điều trị bởi bác sĩ nữ vẫn có tỷ lệ tử vong thấp hơn, cụ thể là 10,15% - so với bác sĩ nam là 10,23%.

Ảnh minh họa bởi AI.

Ảnh minh họa bởi AI.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện điều tương tự đối với tỷ lệ tái nhập viện.

Tiến sĩ Yusuke Tsugawa, giáo sư y khoa lâm sàng  tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California tại Los Angeles, tác giả chính của nghiên cứu cho biết, kết quả điều trị của bệnh nhân không nên khác biệt giữa bác sĩ nam và nữ nếu có cùng cách khám chữa bệnh.

"Những phát hiện của chúng tôi cho thấy các bác sĩ nam và nữ khám chữa bệnh khác nhau và những khác biệt này có tác động đáng kể đến kết quả sức khỏe của bệnh nhân", Tiến sĩ Tsugawa nói.

"Nghiên cứu sâu hơn về các cơ chế cơ bản liên quan đến giới tính của bác sĩ với kết quả điều trị của bệnh nhân và tại sao lợi ích khi được điều trị bởi bác sĩ nữ lại lớn hơn đối với bệnh nhân nữ có thể cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân nói chung."

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu bảo hiểm sức khỏe từ năm 2016 - 2019 của khoảng 458.100 bệnh nhân nữ và gần 319.800 bệnh nhân nam.

Trong số đó, 142.500 bệnh nhân nữ và 97.500 bệnh nhân nam - tương đương khoảng 31% cho cả hai nhóm - được bác sĩ nữ điều trị. Tiêu chí chính là tỷ lệ tử vong trong 30 ngày kể từ ngày nhập viện và tỷ lệ tái nhập viện trong 30 ngày kể từ ngày xuất viện.

Các nhà nghiên cứu nhận định, một số yếu tố có thể dẫn đến những khác biệt này.

Thứ nhất, các bác sĩ nam có thể đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của bệnh ở bệnh nhân nữ - các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng các bác sĩ nam đánh giá thấp mức độ đau, các triệu chứng về đường tiêu hóa, tim mạch và nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân nữ - điều này có thể dẫn đến việc chăm sóc chậm trễ hoặc không đầy đủ.

Ngoài ra, các bác sĩ nữ có thể giao tiếp với bệnh nhân nữ tốt hơn, nên bệnh nhân có thể cung cấp thông tin quan trọng giúp chẩn đoán và điều trị tốt hơn.

Cuối cùng, bệnh nhân nữ có thể cảm thấy thoải mái hơn khi thăm khám vùng nhạy cảm và trao đổi thông tin chi tiết với bác sĩ nữ.

kham benh

Tuy nhiên, theo TS Tsugawa, cần nghiên cứu thêm về cách thức và lý do tại sao có sự khác nhau trong khám chữa bệnh giữa các bác sĩ nam và nữ, và tác động của nó đến việc chăm sóc bệnh nhân

"Hiểu rõ hơn về chủ đề này có thể giúp tăng hiệu quả chăm sóc bệnh nhân", ông cho hay.

Tiến sĩ cũng nói thêm rằng cần phải xóa bỏ khoảng cách lương theo giới tính giữa các bác sĩ nam và nữ.

"Cần lưu ý rằng các bác sĩ nữ cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, do đó, từ góc độ xã hội, việc có nhiều bác sĩ nữ hơn sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine.

Xem toàn bộ nghiên cứu tại đây: https://www.acpjournals.org/doi/10.7326/M23-3163

(Theo Medical Xpress)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO