Báo Điện tử Gia đình Mới

Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà

Thời điểm hiện nay đang có nhiều trẻ mắc cúm. Do đó, cha mẹ cần cảnh giác, theo dõi con khi con có biểu hiện của bệnh cúm và chăm sóc trẻ đúng cách.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra và rất dễ lây lan. Bệnh thường lành tính, tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách và kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc chăm sóc trẻ bị cúm tại nhà là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những hướng dẫn của bác sĩ Dũng khi chăm sóc trẻ bị cúm.

- Hạ sốt cho trẻ: Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, cha mẹ nên đo nhiệt độ ở nách cho trẻ bằng nhiệt kế điện tử. Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C thì cho trẻ nằm nghỉ ngơi nơi thoáng mát, nới rộng quần áo cho trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là nước hoa quả (nước dừa, dưa, cam…). Có thể chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được). Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, với liều 10 - 15mg/kg cân nặng. Cách 4 – 6 giờ một lần.

"Nếu chăm sóc đúng cách thì phần lớn trẻ bị cúm chỉ cần chăm sóc ở nhà là bé sẽ đỡ và khỏi bệnh mà không cần đi viện" - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói

- Vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý: Trẻ mắc cúm thường có triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, ho. Vì vậy, để giảm các triệu chứng này, cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý ngày 2 – 3 lần. Sau khi vệ sinh cho trẻ cần giặt sạch khăn đã lau dịch mũi, rửa tay trẻ và tay người chăm sóc thật kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Cha mẹ có thể cho trẻ dùng thêm thuốc ho thảo dược để giảm ho cho con.

- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Trẻ mắc cúm sẽ rất mệt nên thường lười ăn, vì vậy cha mẹ cần chế biến các món ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như: Súp, cháo, sữa… Cha mẹ nhớ động viên con ăn nhiều hoa quả và uống nhiều nước. Đối với trẻ còn bú mẹ thì tăng cường bú mẹ. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ ăn nhiều loại thực phẩm thay vì chỉ ăn 1 loại trẻ thích. Đồng thời nên chia nhỏ bữa ăn để trẻ hấp thu dễ hơn, tránh nôn trớ.

- Phòng lây nhiễm chéo: Với những gia đình có nhiều trẻ nhỏ thì cần cách ly trẻ nhiễm cúm với những trẻ khác để tránh lây nhiễm chéo. Cha mẹ cũng cần hướng dẫn trẻ cách che mũi, miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn hoặc khăn giấy. Cho trẻ đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh. Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cũng cần đeo khẩu trang để tránh nhiễm bệnh và lây nhiễm cho người khác.

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ: Cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Không khí trong nhà phải đảm bảo không có khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp, bụi mốc... Hàng ngày, cha mẹ cũng nên mở cửa nhà để không khí trong nhà được lưu thông, tốt cho hệ hô hấp của trẻ.

- Tiêm vắc-xin phòng cúm: Với các đối tượng đặc biệt như trẻ em, hệ miễn dịch còn non nớt thì cha mẹ nên tiêm phòng cúm hàng năm cho con. Tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa bệnh cho trẻ.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có những biểu hiện sau: 

+ Sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt. 

+ Trẻ bị co giật. 

+ Trẻ mệt lử, li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều. Bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh. 

+ Trẻ khó thở, thở nhanh.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO