Báo Điện tử Gia đình Mới

Vụ nữ điều dưỡng ép tim cứu du khách bị ngừng tim: Bác sĩ chia sẻ kỹ năng sơ cứu cơ bản ai cũng cần biết

Trong các tai nạn thường gặp, nếu nạn nhân được sơ cứu đúng có thể giữ được tính mạng, giúp cho các tổn thương không tiến triển nặng hơn.

“Thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống”

Mới đây, một du khách người Ấn Độ đột ngột ngã gục trong nhà hàng ở Đà Nẵng và đã được nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ (Trung tâm cấp cứu A9, BV Bạch Mai) cấp cứu tại chỗ kịp thời. Tình huống sơ cứu ngoài cộng đồng này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và cộng đồng mạng xã hội.

Nhưng đây chỉ là một số ít các trường hợp may mắn khi gặp nạn ngoài cộng đồng nhưng vô tình gặp được người có chuyên môn y tế trợ giúp. Còn phần nhiều các trường hợp gặp nạn ngoài cộng đồng, người sơ cứu ban đầu là người dân, người thân, bạn bè… và nếu không nắm vững kiến thức sơ cứu có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng, phản tác dụng.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai

Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, có rất nhiều trường hợp bệnh nhân được mọi người giúp đỡ nhưng sơ cứu sai cách, gây ra những tổn thương đáng tiếc cho người bị nạn, đặc biệt là các trường hợp tai nạn có chấn thương đốt sống cổ. Nếu bệnh nhân không được cố định đốt sống cổ đúng cách thì tổn thương có thể trở nên nặng nề hơn.

Điển hình là trường hợp một bệnh nhân ở Hải Phòng bị tai nạn giao thông gãy đốt sống cổ, người sơ cứu lập tức bế nạn nhân đến bệnh viện thay vì để nằm thẳng tại chỗ. Hậu quả là khi tới bệnh viện, cột sống cổ của bệnh nhân đã bị vỡ ra và cứa vào tủy, gây tổn thương nghiêm trọng. Nạn nhân bị liệt từ cổ trở xuống và không có khả năng hồi phục.

"Đây là một trường hợp rất đáng tiếc. Nếu như bệnh nhân này được sơ cứu đúng cách sẽ không xảy ra trình trạng bị liệt như vậy", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Một trường hợp khác là một ông bố ở Nam Định, cho tay vào miệng con khi con bị co giật, với mục đích để con không cắn phải lưỡi. Nhưng, ông bố đã bị con cắn sâu vào tay, gây tổn thương và bị nhiễm trùng lên tận cổ tay và suýt phải tháo khớp.

Hay như vụ nhân viên bảo vệ ngân hàng ở Đà Nẵng bị 2 tên cướp đâm, nếu được sơ cứu tốt hơn, có thể ông đã không chết…

Rồi như vụ tai nạn giao thông ở Kon Tum khiến nhiều người tử vong, 24 người tham gia cấp cứu, trong đó có 17 nhân viên y tế. Nhóm người tham gia cấp cứu nhiệt tình nhưng lại quên bảo vệ an toàn cho bản thân nên đã bị phơi nhiễm HIV do trong số các nạn nhân có người nhiễm HIV.

Đây là những câu chuyện đau lòng mà bác sĩ Ngô Đức Hùng chia sẻ để mọi người hiểu được việc sơ cứu đúng cách trước khi đến bệnh viện là hết sức quan trọng và người dân cần được trang bị các kiến thức về sơ cứu.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng nhấn mạnh, khi tham gia sơ cấp cứu trong mọi tình huống, hãy chú ý đến tính an toàn, đúng đắn và pháp lý

Bác sĩ Ngô Đức Hùng nhấn mạnh, khi tham gia sơ cấp cứu trong mọi tình huống, hãy chú ý đến tính an toàn, đúng đắn và pháp lý

Bác sĩ Hùng nhấn mạnh, khi tham gia sơ cấp cứu trong mọi tình huống, hãy chú ý đến tính an toàn, đúng đắn và pháp lý. Sau cùng mới là vấn đề đạo đức. Nguyên tắc quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho mình trước, bởi “thời gian là vàng nhưng an toàn là mạng sống”.

Mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Bởi vậy, theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, nguyên tắc chung của sơ cấp cứu phải là:

  • An toàn
  • Không di chuyển nạn nhân khi chưa đánh giá ban đầu
  • Bình tĩnh và luôn cần sự trợ giúp
  • Hành động thống nhất
  • Đề phòng lây nhiễm: Đeo găng tay hoặc sử dụng túi nilon khi tiếp xúc với vết thương; Rửa tay trước và sau khi sơ cứu; Xử lý các vật dụng sau khi sơ cứu

Việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước:

  • Đánh giá hiện trường;
  • Đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân;
  • Gọi trợ giúp (113,114,115) rồi mới sơ cứu và vận chuyển.

Bác sĩ Hùng cũng lưu ý, khi gọi cho số máy khẩn cấp, cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, rồi thông báo về loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng; số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân; tình trạng nguy hiểm tại hiện trường như có chất cháy, nổ, khí độc hay không và nói rõ địa điểm xảy ra tai nạn. Vừa cấp cứu vừa gọi người tới hỗ trợ.

Đặc biệt, trong các vụ nạn lao động hay tai nạn giao thông, phải luôn chú ý tới cột sống cổ. Khi di chuyển các nạn nhân tai nạn giao thông, mọi người cần cố định phần cổ của bệnh nhân bằng nẹp y tế chuyên dụng. Trong trường hợp không có nẹp y tế có thể dùng mảnh gỗ hoặc đặt 2 viên gạch ở 2 bên cổ của bệnh nhân, trước khi nhân viên y tế đến.

Các bước hồi sinh tim phổi cơ bản cho nạn nhân

Hồi sinh tim phổi cơ bản là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân, cần được thực hiện ngay lập tức bởi người chứng kiến, nhằm duy trì tuần hoàn và oxy cho não và các cơ quan khác cho đến khi hồi sức tim phổi nâng cao hoặc các can thiệp khác có thể được tiến hành bởi đội cấp cứu ngoại viện và nhân viên y tế được đào tạo.

Cần thực hiện đánh giá hiện trường, đánh giá tình trạng bệnh nhân trước khi sơ cứu

Cần thực hiện đánh giá hiện trường, đánh giá tình trạng bệnh nhân trước khi sơ cứu

Để hỗ trợ cấp cứu cho người không may gặp nạn, cần tuân thủ theo các bước: Đánh giá hiện trường - Đánh giá ban đầu - Gọi trợ giúp - Thực hiện sơ cứu và vận chuyển.

Đối với từng trường hợp có cách cấp cứu cơ bản khác nhau:

- Đối với nạn nhân vẫn còn ý thức, tỉnh táo: chúng ta cần đưa về tư thế khiến người bị nạn cảm thấy dễ chịu nhất để hồi phục.

- Đối với nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và mạch: chúng ta cần đưa về tư thế nằm nghiêng an toàn nếu như không có chấn thương về cột sống, nhằm bảo vệ nhịp thở.

- Đối với nạn nhân đã bất tỉnh, ngừng thở, mạch mất: chúng ta cần nắm rõ, thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản.

Đầu tiên cần gọi cấp cứu và đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa. Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Tần số sẽ là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.

Hồi sinh tim phổi cơ bản là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân

Hồi sinh tim phổi cơ bản là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân

Bác sĩ lưu ý thêm, khi sơ cấp cứu cần chú ý kiểm soát đường thở của người bệnh bằng cách tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi… hay không. Nếu có, cần làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.

Ngoài ra, song song với việc sơ cấp cứu, cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có một mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO