Những kết quả đáng ghi nhận
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng kể trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số khoảng cách giới năm 2023 của Việt Nam xếp thứ 72 trong số 146 quốc gia tham gia xếp hạng, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Theo Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam năm 2021 xếp thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á; chỉ số bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vào năm 2021, đạt 0,296, xếp hạng 71 trong 170 quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục củng cố chính sách và pháp luật về bình đẳng giới, như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (2017); Chiến lược và Chương trình quốc gia về chống bạo lực giới (giai đoạn 2021-2030); Sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2022); Sửa đổi Bộ Luật Lao động (2019) và gần đây là Kế hoạch Hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Việt Nam có tỉ lệ nữ tham gia chính trị trong nhóm đứng đầu thế giới. Theo Báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỉ lệ nữ cấp ủy 3 cấp của toàn quốc nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, vượt chỉ tiêu 15%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Nữ lãnh đạo, quản lý ở bộ, ngành Trung ương và địa phương năm 2023 tăng lên so với năm 2022. Tăng nhiều nhất là nữ lãnh đạo cấp vụ: 437/1874 nữ giữ chức vụ phó cục trưởng, phó vụ trưởng và tương đương, đạt 23,3%, tăng so với năm 2022 là 364; có 77/765 nữ giữ chức vụ cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, đạt 10,06%, tăng so với năm 2022 là 72. Hiện có 8 nữ thứ trưởng và tương đương, 3 nữ bộ trưởng và tương đương, đang đảm đương các bộ, ngành rất quan trọng của Chính phủ. Đối với địa phương, 4.279 nữ chủ tịch, phó chủ tịch UBND các cấp, chiếm 13,9%, tăng so với năm 2022 là 4.243.
Với mục tiêu bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế, ngày 25-1-2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030.
Là một phần của lực lượng lao động, sự tham gia và vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế ngày càng được khẳng định có ý nghĩa quan trọng đối với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước.
Những vấn đề xã hội bất cập liên quan bình đẳng giới
Hiện nay, một số vấn đề xã hội bất cập liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới cần được giải quyết như:
Một là, Bộ luật Lao động 2019 mặc dù đã mở rộng nhưng vẫn còn những bất cập liên quan đến qui định về chính sách đối với lao động nữ. Khoảng cách giới, vấn đề giới trong lĩnh vực lao động - việc làm vẫn còn một số tồn tại như tỉ lệ tham gia lực lượng lao động (62,2% của nữ so với 74,2% của nam năm 2022) và chất lượng của lực lượng lao động nữ vẫn thấp hơn nam giới; tỉ lệ lao động làm các công việc dễ bị tổn thương nhất như “lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương” của nữ cao hơn nam (48,5% so với 40,4% năm 2022); tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức của nam cao hơn so với nữ (68,9% so với 62,3% năm 2022).
Hai là, định kiến giới về vị thế và vai trò của phụ nữ, cùng với gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc gia đình là yếu tố cản trở phụ nữ tham gia các hoạt động của các chính sách, chương trình giảm nghèo. Nguyên tắc “ưu tiên phụ nữ chưa bảo đảm cơ hội bình đẳng cho phụ nữ với vai trò “chủ thể” hoặc “thực hiện” các chính sách, chương trình giảm nghèo trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được cụ thể hóa đầy đủ trong các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Ba là, trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, số lao động nữ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nhiều hơn lao động nam; chế độ thai sản diện bao phủ thấp, chưa áp dụng cách tiếp cận xuyên suốt, hệ thống về chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con giữa nam và nữ; quy định về thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động căn cứ vào thời gian đã đóng BHXH có thể gây bất lợi cho lao động nữ vì họ có thời gian làm việc hưởng lương ngắn hơn nam giới. Về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), quy định về đối tượng tham gia BHTN bất lợi hơn cho các nhóm lao động nữ, là nhóm yếu thế nhất trong nhóm có quan hệ lao động, đồng thời chưa có chính sách BHTN tự nguyện cho lao động có việc làm phi chính thức và không có quan hệ lao động.
Bốn là, đối với lĩnh vực trợ giúp xã hội, năng lực về tư vấn, cung cấp thông tin, hỗ trợ bình đẳng giới của hệ thống các trung tâm công tác xã hội vẫn còn hạn chế; thiếu các tài liệu hướng dẫn kĩ thuật, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới. Hệ thống giám sát - đánh giá và báo cáo trong lĩnh vực trợ giúp xã hội và hệ thống chỉ tiêu thống kê về trợ giúp xã hội chưa có các chỉ tiêu được phân tách theo giới tính đầy đủ.
Năm là, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản chưa được quan tâm đúng mức. Quy định tuyển sinh theo tuyến có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận hệ thống giáo dục công lập cho con em của lao động nữ di cư. Đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức và chưa đáp ứng giới. Một số quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế đang ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ y tế của một số nhóm phụ nữ và trẻ em, như quy định đăng ký cơ sở khám, chữa bệnh theo địa chỉ hộ khẩu thường trú (theo Khoản 3, Điều 22, Luật Bảo hiểm y tế); khả năng tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước và sau sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn hạn chế; thiếu thông tin, số liệu thống kê và bằng chứng có tính đến khác biệt giới trong một số lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Sáu là, công tác thông tin, tuyên truyền bị hạn chế đối với một số nhóm phụ nữ DTTS do rào cản về ngôn ngữ và chữ viết. Năng lực phát hiện và xử lí những vấn đề về bình đẳng giới đối với các cán bộ làm công tác truyền thông không đồng đều và còn hạn chế.
Thúc đẩy bình đẳng giới lĩnh vực xã hội
Với việc tiếp nhận kinh nghiệm và thành tựu mới trong nội luật hóa các cam kết quốc tế về trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới, nhằm hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng hệ thống chính sách xã hội bao trùm và đáp ứng giới, thời gian tới cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, trong lĩnh vực lao động, việc làm cần đảm bảo người lao động có việc làm bền vững, phù hợp và có thu nhập bảo đảm tái sản xuất sức lao động và nuôi sống gia đình. Tăng cường chính sách, chương trình hỗ trợ tạo việc làm cho lao động. Hiện đại hoá kết nối cung - cầu lao động, dự báo thị trường lao động (TTLĐ) và quản lí nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu lao động, việc làm có phân tách theo giới tính.
Thứ hai, cần thay đổi cách tiếp cận về lồng ghép giới trong các chương trình, chính sách giảm nghèo, đồng thời, cụ thể hóa các cơ chế và qui định, bao gồm cả phân bổ ngân sách và nguồn lực đầy đủ để thực hiện lồng ghép giới trong thực tế.
Thứ ba, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, chú trọng sửa đổi, bổ sung chính sách BHXH tự nguyện dựa trên nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới để khuyến khích lao động nữ tham gia. Hoàn thiện cơ chế quản lí, đầu tư Quĩ bảo hiểm xã hội an toàn, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, thực hiện các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh và người lao động giảm thiểu thất nghiệp.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội (TGXH). Phát triển và đa dạng hoá các dịch vụ TGXH, xây dựng hệ thống TGXH linh hoạt, thích ứng với các rủi ro có thể xảy ra, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng là phụ nữ.
Thứ năm, bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân để bảo đảm nhóm yếu thế, trong đó có phụ nữ được thụ hưởng. Cụ thể: (i) phấn đấu đạt và duy trì lâu dài trên 95% dân số tham gia BHYT; đến năm 2030, tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 75 tuổi; tỉ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống dưới 42/100.000; tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin; tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; cơ bản chấm dứt bệnh lao; (ii) Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; tỉ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở đạt 95%, cấp trung học phổ thông và tương đương đạt 75%; 90% tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉ lệ trẻ em DTTS hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 90%; (iii) bảo đảm nhà ở có chất lượng cho tất cả người dân; tạo sự ổn định xã hội và phúc lợi nhà ở cho các tầng lớp nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30 m2 sàn/người; (iv) tăng cường hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, công nghệ số đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo và bảo vệ người dân, các nhóm yếu thế an toàn trên môi trường mạng.
Thứ sáu, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.
Ngày 25-1-2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kí Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030 với mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia và trên phạm vi quốc tế.
Tài liệu tham khảo
- Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 2023), Báo cáo “Khoảng cách Giới Toàn cầu 2023”. Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu là thước đo được sử dụng để đánh giá hiện trạng và sự phát triển của bình đẳng giới trên 4 khía cạnh chính bao gồm kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị.
- UNDP (2023), Báo cáo Phát triển Con người (HDR) toàn cầu 2021/22.
- CARE, Oxfam & SNV, 2018. Đánh giá độc lập về giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
- UN Women, 2020. Báo cáo rà soát kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020.
Lê Khánh Lương/Tạp chí Xây dựng Đảng
Bạn đang xem bài viết Thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực của xã hội tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].