Các cặp đôi dành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để lên kế hoạch và tổ chức đám cưới. Nhưng khi tất cả những hào nhoáng qua đi, bạn và chồng mình sẽ phải đối mặt với thực tế cuộc sống.
Sau một đám cưới được lên kế hoạch cẩn thận, nỗ lực để duy trì cuộc hôn nhân bền vững của cặp đôi bắt đầu.
Hôn nhân là một bước ngoặt lớn trong đời và đi cùng với niềm hạnh phúc được “về chung một nhà” là những thách thức mới.
Dưới đây là những vấn đề và mâu thuẫn chung mà các cặp đôi mới cưới thường gặp phải cùng cách giải quyết.
Cảm xúc hụt hẫng hậu đám cưới
Trong nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần sau đám cưới, một số cặp đôi có thể cảm thấy chán nản hoặc thậm chí là buồn bã.
TS Howard Forman, phó giáo sư tâm lý học của Đại học Y Albert Einstein cho biết: “Các cặp đôi dành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để lên kế hoạch và tổ chức đám cưới. Nhưng khi tất cả những hào nhoáng qua đi, bạn và chồng mình sẽ phải đối mặt với thực tế cuộc sống”.
Ông khuyến cáo các cặp đôi hãy cố gắng chia sẻ với nhau những niềm vui nho nhỏ và các sự việc xảy ra hàng ngày. Cuộc sống hàng ngày của mỗi cặp vợ chồng được tạo nên từ những sự việc nhỏ nhặt, vì thế tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ bé vụn vặt sẽ làm hai bạn gắn bó hơn về lâu về dài.
Thiếu thời gian dành cho bản thân
Sau khi kết hôn, nhiều cô gái ít giao lưu bạn bè, cũng như ít chia sẻ với ai khác ngoài chồng mình.
Tuy nhiên, đừng chỉ biết đến chồng mà bỏ quên những mối quan hệ bạn bè khác.
Dù bạn đang bước vào một giai đoạn mới mẻ và tuyệt vời trong cuộc đời, theo nhiều khía cạnh, bạn vẫn là chính mình.
Hãy duy trì những tình bạn đã từng nâng đỡ và làm bạn hạnh phúc trước khi bạn lập gia đình, có như vậy bạn mới không cảm thấy cô đơn hoặc “tù túng” khi kết hôn.
Không được lòng các thành viên trong gia đình
Trong hôn nhân, bạn không thể tránh khỏi làm ai đó trong gia đình phật ý, nhất là khi bạn phải dành thời gian cho cả hai bên bố mẹ.
Bố mẹ bạn hoặc bố mẹ anh ấy có thể phật lòng vì bạn không về thăm vào những ngày lễ tết hoặc thời gian bạn đến chơi chưa đủ lâu.
Hãy cố gắng thống nhất với nhau về cách ứng xử với hai bên nội ngoại. Ngay cả khi cả hai không tìm được tiếng nói chung, trước mặt người khác, hãy ủng hộ cách giải quyết của vợ/chồng bạn thay vì chỉ trích hoặc thể hiện thái độ.
Ủng hộ nhau ở những buổi đầu hôn nhân là cách để mối quan hệ của hai bạn thêm bền vững và cho mọi người thấy bạn trân trọng vợ/chồng mình như thế nào.
Mọi người có thể thấy thất vọng một chút về những quyết định của hai bạn, nhưng họ sẽ bị ấn tượng bởi sự đồng lòng của hai người.
Không thỏa mãn chuyện chăn gối
Nhiều người cho rằng, chuyện chăn gối không còn hấp dẫn khi hai người đã kết hôn.
Đó là vì họ coi “chuyện ấy” là để có con, khiến cho chuyện vợ chồng trở thành một “công việc” hơn là một điều gì đó thú vị, đáng để mong chờ.
Đừng quên rằng tình dục là để mang lại cho hai vợ chồng niềm vui và hạnh phúc chứ không phải một thủ tục.
Hãy luôn tìm cách “giữ lửa” và làm đời sống chăn gối thêm lãng mạn.
Chỉ trích nhau
Theo TS Forman, cách bạn khởi đầu hôn nhân sẽ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của mối quan hệ về lâu dài.
Có một điều đáng lo ngại là chồng bạn cho rằng bạn đang phê bình anh ấy trong khi bạn không hề nghĩ vậy.
Tuy bạn không cố tình xúc phạm hoặc không cho rằng mình đang trách móc người kia, điều này cũng làm mối quan hệ xấu đi.
Nếu người kia cảm thấy bị chỉ trích, hãy xem lại xem bạn đã làm gì để họ nghĩ vậy, cố gắng nhìn từ góc độ của họ và nói chuyện một cách nhẹ nhàng hơn.
Các giai đoạn trong hôn nhân
1. Giai đoạn trăng mật
Đây là giai đoạn năm đầu tiên sau khi kết hôn, là lúc hai người say mê, khám phá lẫn nhau và nuôi dưỡng tình cảm vợ chồng. Hãy tận hưởng giai đoạn này vì đây là quãng thời gian tuyệt vời nhất của cuộc sống vợ chồng.
2. Giai đoạn hiện thực
Đây là lúc các cặp vợ chồng bắt đầu phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm túc. Cuộc sống lúc này sẽ xuất hiện nhiều gam màu (tối) chứ không chỉ là màu hồng. Bạn sẽ nhận ra những điều khác về bạn đời và có được cái nhìn nhất định về cuộc sống tương lai. Đây là lúc giữa hai người bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn nho nhỏ.
3. Giai đoạn điều chỉnh
Sang giai đoạn thứ ba này, sự quan tâm vợ chồng dành cho nhau và cho chính mối quan hệ của họ bắt đầu giảm bớt. Để người kia cảm thấy vui vẻ và giữ hòa khí gia đình, bạn sẽ phải nhượng bộ và điều chỉnh bản thân dù không mong muốn.
4. Giai đoạn nổi loạn
Đây là một trong những giai đoạn căng thẳng và đáng sợ nhất của hôn nhân. Dường như lúc nào giữa hai bạn cũng chỉ trực xảy ra “chiến tranh”. Không cặp vợ chồng nào có thể tránh khỏi những mâu thuẫn trong giai đoạn này, nhất là trong thời hiện đại. Vì vậy, trong giai đoạn này hãy học cách tranh cãi tích cực.
5. Giai đoạn trốn chạy
Sau khoảng 4 năm chung sống bên nhau thì các cặp đôi sẽ bước sang giai đoạn này. Đây là lúc dễ xảy ra tình trạng “ông ăn chả, bà ăn nem” vì các cặp đôi dành thời gian để phát triển bản thân chứ không còn vun đắp cho mối quan hệ.
6. Giai đoạn phải đối phó
Đây là lúc các cặp đôi nhận ra “bỏ thì thương, vương thì tội” và học cách “sống chung với lũ”. Với nhiều cặp vợ chồng, đây cũng là lúc họ tìm hiểu nhau lại từ đầu và có thể cải thiện mối quan hệ.
7. Giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên
Với nhiều cặp vợ chồng, đây là một đoạn khó khăn khi họ phải đối mặt với tuổi già kề cận. Nhiều người muốn níu kéo tuổi thanh xuân, vì thế họ có những hành động tiêu cực làm ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân. Đây cũng là lúc sức khỏe và tâm sinh lý của phụ nữ thay đổi, kèm theo những thay đổi về cách sinh hoạt và ứng xử.
8. Giai đoạn hoàn thành
Đến giai đoạn này, giữa hai vợ chồng không còn xảy ra mâu thuẫn vì họ cảm thấy chẳng còn lý do gì để gây chiến. Sau nhiều năm chia sẻ bao thăng trầm cuộc sống, đây là lúc hạnh phúc hôn nhân tăng cao nhất. Hôn nhân là một món quà mà chỉ khi đi đến bước này người ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nó.