Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được triển khai tại Hà Nội giúp nâng cao nhận thức và hành động của người dân với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Công tác gia đình được coi trọng

Luôn coi trọng công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu của thời đại, UBND TP.Hà Nội đã đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới là nội dung quan trọng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.

Hà Nội luôn coi trọng công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình. Ảnh minh họa

Hà Nội luôn coi trọng công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình. Ảnh minh họa

Đặc biệt, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ VHTT&DL lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Năm 2019, TP.Hà Nội chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để triển khai thực hiện.

Năm 2021, TP.Hà Nội chọn thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất.

Tại các địa bàn dân cư thực hiện thí điểm, ngoài việc triển khai Bộ Tiêu chí tới tất cả các hộ gia đình thông qua Hội nghị để tuyên truyền, vận động, ký kết thực hiện bộ tiêu chí. Cán bộ tổ dân phố đến từng gia đình phát tài liệu, hướng dẫn nội dung, nói rõ yêu cầu để gia đình thông suốt và nhất trí ký cam kết thực hiện điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Qua thời gian thí điểm và nhân rộng từ năm 2022, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được triển khai tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong xây dựng hạnh phúc gia đình. Tại Hội nghị “Cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” diễn ra vào cuối năm 2023 tại Hà Nội đã cho thấy những chuyển biến rõ rệt trong đời sống gia đình tính từ thời điểm thí điểm Bộ Tiêu chí năm 2019.

Theo thống kê, năm 2022, 88% gia đình Thủ đô đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (tăng 0,5% so với năm 2019), có 63% Làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019), 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019). Việc thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn TP.Hà Nội cũng đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ảnh minh họa

Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình góp phần nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ảnh minh họa

Nhiều cách làm và kinh nghiệm hay trong thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình

Đáng chú ý, trong số những điển hình về phát huy các giá trị đạo đức, lối sống để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có gia đình ông Nguyễn Văn Đức ở phường Bồ Đề, quận Long Biên “nổi tiếng” bởi nề nếp gia phong. Gia đình ông với 12 người, 3 thế hệ, trong đó có 8 người trong một mái nhà tại phường Bồ Đề chung sống hạnh phúc nhiều năm qua nhờ phương châm người lớn phải gương mẫu.

Ông Đức chia sẻ, sự yêu thương, đoàn kết trong đình là vô cùng cùng cần thiết. Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được gia đình ông thực hiện bắt đầu từ những câu chuyện nhỏ với con trẻ, tiếp đến là những bữa cơm, khi có cả cả người lớn tề tựu, các hoạt động tập trung dịp lễ, Tết, kỷ niệm, sinh nhật... đều được ông lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia.

Hoặc như lúc xem thời sự, đọc báo thấy những sự việc có liên quan đến nội dung này, gia đình ông cũng sôi nổi bàn luận, đưa ra quan điểm, cái nhìn nhất định, từ đó rút kinh nghiệm, nhắc nhở con cháu cùng thực hiện, để từng bước điều chỉnh thái độ, cách ứng xử hài hòa và đúng mực hơn…

Gia đình ông Nguyễn Trà (ở phường Phương Liên, quận Đống Đa) cũng là gia đình điển hình trong thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Gia đình ông Trà là tấm gương tiêu biểu hiện nay của dòng họ hiếu học danh tiếng đã có bề dày 600 năm sống tại Thủ đô. Ông Nguyễn Trà là anh cả trong gia đình 10 anh, chị, em và cũng là “đầu tàu” gương mẫu về tinh thần hiếu học cho các em, các con, cháu, chắt noi theo. Trên 90 tuổi nhưng ông Nguyễn Trà vẫn miệt mài với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài cho thế hệ tương lai.

Hay như gia đình của cụ Nguyễn Thị Chắt ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội) có 4 thế hệ, với hàng chục thành viên sống trong một mái nhà. Để duy trì được hạnh phúc gia đình thì mỗi thành viên trong gia đình đều vừa nghĩ đến hạnh phúc cá nhân, vừa nghĩ đến quyền lợi của những người xung quanh, nghĩ đến gìn giữ hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, những yếu tố gốc của văn hóa gia đình Việt Nam được phát huy tối đa. Đó là đạo lý về hiếu thảo, kinh trên nhường dưới, là người đi trước làm gương để người sau tin tưởng, tôn trọng… Gia đình cụ luôn giáo dục các cháu từ lúc nhỏ ý thức giữ gìn nếp sống gia đình mà ông bà, cha mẹ đã dựng xây nhiều thế hệ đến nay.

Những tâm gương điển hình nói trên về mẫu mực, văn hóa ứng xử trong gia đình đã đem lại những kết quả tốt đẹp, nhiều chuyển biến đáng kể trong đời sống gia đình và xã hội.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, các giá trị gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức. Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình chính là tấm khiên bảo vệ gia đình khỏi những tác động tiêu cực. Nó giúp mỗi thành viên trong gia đình nhận thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của mình, nhận thức rõ về giá trị của gia đình trong cuộc sống, từ đó cùng nhau xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội, khi mỗi gia đình đều vững mạnh thì xã hội mới có thể phát triển bền vững. Vì vậy, việc áp dụng và tuân thủ Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, không chỉ giúp gia đình trở nên hòa thuận, hạnh phúc mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, giúp giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Thủ đô.

Diệu Tâm

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính