Mô hình gia đình truyền thống ở Hà Nội: Gia đình nhiều thế hệ đang được ‘chuộng’ trở lại

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, mô hình gia đình nhiều thế hệ đang được ưa chuộng trở lại. Vì sao ngày nay nhiều người trẻ dần chọn sống theo gia đình đa thế hệ?

Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị Trần Thảo My (30 tuổi, quê ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) quyết định mua nhà ở quận Long Biên, Hà Nội để tiện cho công việc. Khi có nhà mới, vợ chồng chị ngỏ ý muốn đón bố mẹ chồng lên ở cùng nhưng ông bà từ chối vì muốn các con được tự do, hơn nữa ông bà đang sống quen ở quê nên không muốn ra phố.

Đến khi chị sinh con gái đầu lòng, vợ chồng chị thuyết phục mãi ông bà mới chịu rời quê lên phố ở với các con và cháu. Đến nay, sau 6 năm ở cùng ông bà, chị nhận thấy, có ông bà chăm sóc, đưa đón cháu đi học khiến vợ chồng chị rất yên tâm, nhất là những hôm hai vợ chồng đều phải tăng ca về muộn.

“Công việc của 2 vợ chồng tôi đều bận nên các con ở với ông bà là nhiều. Nhìn các con được ông bà chăm sóc chu đáo, luôn hoạt bát, thích múa hát, chào hỏi mọi người, vợ chồng tôi nhận thấy việc đón ông bà ra ở cùng là rất đúng. Hơn nữa, chồng tôi là con một, nên việc ông bà ra thành phố sống cùng cũng giúp chồng tôi bớt lo lắng khi để ông bà lủi thủi ở quê” – chị My chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hoa (36 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) cũng nhận thấy cuộc sống giữa 3 thế hệ trong gia đình mình rất vui vẻ, hòa thuận. Chị tự nhận thấy, bà nội chăm sóc các con của mình còn khéo hơn chị chăm con. “Tôi thấy mình may mắn vì có bà nội ở cùng, không thì tôi cũng không biết phải xoay xở ra sao với bộn bề công việc” – chị Hoa vui vẻ nói.

Mô hình gia đình đa thế hệ đang dần phổ biến hơn đối với người trẻ ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Mô hình gia đình đa thế hệ đang dần phổ biến hơn đối với người trẻ ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Ngày nay, mô hình gia đình đa thế hệ đang dần phổ biến hơn đối với người trẻ ở Hà Nội, bởi họ nhận thấy mô hình này mang lại nhiều lợi ích thiết thực giữa cuộc sống ngày càng bộn bề, nhiều thử thách.

Có thể thấy, trong gia đình nhiều thế hệ, mỗi thành viên phát huy đúng vai trò và trách nhiệm của mình đã có thể giúp giải quyết các khó khăn của mỗi thế hệ như: Con cái có cơ hội chăm sóc bố mẹ về già; ông bà sống vui khỏe với con cháu, đồng thời giúp các con chăm sóc, dạy dỗ các cháu; các cháu nhỏ nhận được sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương từ người thân ruột thịt thay vì chơi cùng người giúp việc, tivi, điện thoại… Từ đó, mỗi thành viên, đặc biệt là người trẻ có thêm nhiều thời gian để yêu thương bản thân.

Theo GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, những năm gần đây, mô hình gia đình có nhiều thế hệ chung sống đang dần được ưa chuộng ở Hà Nội. Mặc dù xuất hiện những vấn đề mới liên quan tới việc thực hiện các chức năng của gia đình như mức chi tiêu trong các gia đình mở rộng (gia đình nhiều thế hệ) cũng nhiều hơn gia đình hạt nhân vì có đông thành viên hơn nhưng việc sống chung cũng có nhiều lợi ích rõ ràng.

Cụ thể như, một mặt điều kiện nhà ở của nhiều gia đình khá hơn trước. Nhà rộng, nhiều tầng tạo điều kiện tự do thông thoáng cho các cặp đôi. Mặt khác, các thành viên có điều kiện quan tâm, săn sóc nhau nhiều hơn và tình cảm gắn bó hơn.

Thêm nữa, cha, mẹ không chỉ chăm lo cho con mà còn quan tâm, chăm sóc ông bà (chính bố, mẹ mình) và ngược lại họ nhận được sự chia sẻ thiết thực của ông bà trong việc chăm sóc các cháu.

Trẻ sống cùng ông bà sẽ được dạy dỗ và chăm sóc da dạng hơn. Ảnh minh họa

Trẻ sống cùng ông bà sẽ được dạy dỗ và chăm sóc da dạng hơn. Ảnh minh họa

Tại những gia đình nhiều thế hệ, trẻ em không những nhận được sự nuôi dưỡng, giáo dục, uốn nắn từ phía cha mẹ mà còn từ phía ông, bà. Những đứa trẻ này may mắn nhận được sự giáo dục và nuôi dưỡng đa dạng và chu đáo hơn nên hình thành nhân cách tốt hơn, tránh được bệnh chậm nói hay tự kỷ.

Còn đối với người già, đặc biệt là người có lương hưu hoặc tiền tiết kiệm cũng không cần dựa vào con cháu về kinh tế, thậm chí còn bao bọc con cháu. Trong gia đình mở rộng, việc người già sống chung cùng con cháu mình không những làm cho họ cảm thấy thoải mái về mặt tinh thần khi họ thấy mình còn có ích cho con cháu mà họ còn được con, cháu luôn thăm nom động viên.

Điều quan trọng nữa là, khi sống trong gia đình nhiều thế hệ, người già gần gũi với con cháu hơn và an tâm hơn về sức khỏe và sự trưởng thành của con cháu. Tình cảm ấm áp từ gia đình khiến người già sống thọ hơn và hăng hái tham gia các công việc của xã hội tùy theo sức lực và khả năng của mình. Bởi vậy mô hình gia đình mở rộng (gia đình nhiều thế hệ) cho đến nay vẫn là hình thức sống được đa số người già và cả con cháu họ ưa thích.

Và giữa cuộc sống hiện đại đầy khó khăn và thử thách, gia đình luôn đóng vai trò quan trọng để xây dựng nhân cách, tri thức, mang tới tình tình yêu thương và là điểm tựa vững chắc cho người trẻ.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính