Mô hình gia đình truyền thống ở Hà Nội: Người già, trẻ nhỏ nhận được nhiều lợi ích khi sống trong gia đình nhiều thế hệ

Người xưa có câu "trẻ cậy cha, già cậy con", là cách sống truyền thống của nhiều gia đình Việt. Sống trong một gia đình nhiều thế hệ, các thành viên trong gia đình, nhất là người già và trẻ nhỏ sẽ nhận được nhiều lợi ích.

Một “đại gia đình” là hình mẫu lý tưởng của “thời các cụ” vì nó là biểu trưng cho một gia đình nề nếp truyền thống và cũng thể hiện cái uy nghiêm của một gia đình có trên có dưới. Ngày nay, trong đời sống hiện đại của Thủ đô Hà Nội vẫn tồn tại không ít những gia đình nhiều thế hệ. Bởi họ nhận thấy nhiều lợi ích mà đại gia đình mang lại, nhất là về vấn đề bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, người cao tuổi trong gia đình. Hơn nữa, nét đẹp, nền nếp gia phong của những đại gia đình nhiều thế hệ còn góp phần tích cực vào xây dựng gia đình văn hóa, bồi đắp nét đẹp văn minh, thanh lịch của thành phố.

Theo GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, mỗi loại gia đình (gia đình hạt nhân và gia đình đa thế hệ) đều có các mặt mạnh và hạn chế riêng. Việc lựa chọn mô hình gia đình nào là quyền của mỗi người và tùy thuộc hoàn cảnh của họ.

Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy  là sau khi con cái rời đi, người già chẳng khác gì bị bỏ rơi trong ngôi nhà quen thuộc của mình. Họ luôn phải sống thiếu thốn tình cảm gia đình. Trong khi đó, ở các gia đình con cái, cặp vợ chồng trẻ phải tất bật kiếm sống tối ngày, không có thời gian quan tâm đến con cái. Kể cả ở những gia đình có điều kiện thuê người giúp việc, thuê người đưa đón con hay thuê gia sư kèm con thì những dịch vụ xã hội đó cũng không thể so sánh được với sự quan tâm, chăm sóc sâu sắc của tình thân.

Người già và trẻ nhỏ được chăm sóc tốt hơn trong gia đình nhiều thế hệ. Ảnh minh họa

Người già và trẻ nhỏ được chăm sóc tốt hơn trong gia đình nhiều thế hệ. Ảnh minh họa

GS Lê Thị Quý chia sẻ thêm, việc lớn lên trong những gia đình nhiều thế hệ thường rất có lợi cho trẻ nhỏ. Chính bầu không khí yêu thương quấn quýt, an toàn và ấm áp trong gia đình giúp trẻ em phát triển nhân cách hài hòa. Bởi vì, gia đình cũng giống như một xã hội thu nhỏ và đứa trẻ sẽ được tiếp xúc với xã hội đầu tiên chính là gia đình mình. Khi ở cùng ông bà, trẻ nhỏ không những được chỉ dạy, uốn nắn tính nết, lòng hiếu thảo ngay từ bé mà còn được biết đến nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc qua ông bà mình. Đó là những điều mà có lẽ trẻ sẽ rất khó tìm thấy khi cha mẹ bận rộn.

Ngoài ra, khi sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ em sẽ không cảm thấy bị bỏ quên và dễ dàng xây dựng mối quan hệ với tất cả mọi người. Trong một gia đình nhiều thế hệ, trẻ em nhận được hỗ trợ rất lớn từ những người lớn tuổi.

Còn đối với người già, khi sống chung cùng con cháu trong gia đình nhiều thế hệ, người già sẽ không rơi vào trạng thái bị bỏ rơi, trầm cảm, cô đơn hay buồn tủi. Điều mà khiến cuộc sống của họ trở nên rất nặng nề và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Đồng quan điểm đó, ThS.BS Trịnh Thị Huyền Trang, Phó trưởng khoa Lão khoa, BV ĐK Đống Đa cũng chia sẻ, người cao tuổi, kể cả những người khỏe mạnh đều có nguy cơ về sức khỏe như có thể xảy ra đột quỵ bất ngờ, hoặc đôi khi là bị té ngã. Người già sống một mình sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Một trong những bất lợi của người già khi sống xa con cháu, sống một mình là rủi ro gặp phải chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày như té ngã, điện giật, va chạm vào đồ vật, bỏng… Ngay cả những người cao tuổi khỏe mạnh cũng rất dễ gặp phải tai nạn, ốm đau đột ngột do trái gió trở trời. Nhưng nếu ở gần con cháu, người thân thì những rủi ro trên có thể được khắc phục hoặc có thể được trợ giúp, cấp cứu kịp thời. Vậy nên, để an toàn, người cao tuổi nên sống cùng người thân, không nên sống một mình, xa lánh gia đình hay cộng đồng.

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy, truyền thống người cao tuổi sống chung với con cháu trong gia đình nhiều thế hệ ở Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì nhưng đã có những thay đổi. Việc chăm sóc người cao tuổi đang chuyển dần từ chăm sóc trực tiếp sang chăm sóc gián tiếp, từ chăm sóc vật chất sang chăm sóc tình cảm, tinh thần. Nhờ kết hợp tốt mọi mối quan hệ, biết thông cảm và hiểu tâm lý của nhau mà các thành viên trong gia đình có thể sống chung hòa bình, con cái kính trọng bố mẹ, bố mẹ yêu thương con cái. Mọi người là chỗ dựa cho nhau và đây chính là yếu tố tâm lý giúp người già sống vui sống khỏe, tăng tuổi thọ và tự hào về con cái.

GS Quý cũng cho rằng, nếu các thành viên trong gia đình biết học cách sống chung, cách ứng xử, tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau thì việc nhiều thế hệ con, cháu cùng chung sống dưới một mái nhà sẽ hết sức tuyệt vời. Khi đó, tất cả mọi người đều sẽ cảm nhận được không khí ấm áp của gia đình, không ai bị bỏ rơi hay thiếu hụt tình cảm. Những thành viên trong gia đình đó cũng sẽ biết yêu thương, chia sẻ, bao dung với mọi người hơn.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính