Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình: Kế thừa những nét đẹp văn hóa của dân tộc

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được giới chuyên môn đánh giá là có nội dung sát thực với yêu cầu của đời sống, kế thừa được những nét đẹp văn hóa của dân tộc như “kính trên nhường dưới”, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “anh em như thể chân tay”…

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc…

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc, năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Theo giới chuyên môn nhận định, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã nói lên mong ước của xã hội, của các nhà quản lý về một gia đình mà ở đó anh em hòa thuận, vợ chồng yêu thương nhau.

Bên cạnh đó, những nội dung của Bộ tiêu chí khá sát thực với yêu cầu của đời sống và đây là lần đầu tiên những tiêu chí cơ bản mà một gia đình cần có được chỉ ra bằng văn bản.

Ngoài ra, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình còn kế thừa được những nét đẹp văn hóa của dân tộc như “kính trên nhường dưới”, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “anh em như thể chân tay”...

Tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Ảnh minh họa

Tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Ảnh minh họa

Cụ thể, tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó các nguyên tắc được thực hiện như sau:

- Thực hiện nguyên tắc “Tôn trọng”: Các thành viên trong gia đình cần đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

- Thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng”: Các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

- Thực hiện các nguyên tắc “Yêu thương” và “Chia sẻ”: Các thành viên trong gia đình cần có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau, cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. 

Các thành viên thuộc nhóm vợ chồng; ông bà, cha mẹ và con, cháu; anh, chị, em trong gia đình ngoài thực hiện tiêu chí ứng xử chung đã nêu ở trên còn có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí cụ thể được quy định tại Bộ Tiêu chí này như sau:

- Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Là chung thủy, nghĩa tình, vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau.

- Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Là gương mẫu, yêu thương. Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu; quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân. Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.

- Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Là hiếu thảo, lễ phép. Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình. Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính. Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.

- Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em trong gia đình: Là hòa thuận, chia sẻ. Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều hay, lẽ phải; Anh chị bao dung đối với em, em kính trọng anh chị và cùng chia sẻ với nhau công việc chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.

Các thành viên trong gia đình cần có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau. Ảnh minh họa

Các thành viên trong gia đình cần có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau. Ảnh minh họa

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được triển khai tại Hà Nội thế nào?

Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, UBND TP. Hà Nội đã có kế hoạch về việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố đến năm 2025.

Theo đó, Hà Nội đặt ra các mục tiêu triển khai nội dung Bộ Tiêu chí đến mọi gia đình và các thành viên gia đình trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2025, đạt 70% gia đình đăng ký thực hiện Bộ Tiêu chí và 80% gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền lồng ghép nội dung Bộ Tiêu chí vào Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các cuộc vận động khác.

Phát huy giá trị tốt đẹp trong các mối quan hệ cơ bản của gia đình và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030.

TP.Hà Nội xác định 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện Bộ tiêu chí, trong đó tổ chức các hoạt động như tiếp nhận, phân phối tài liệu tuyên truyền và tham gia các buổi tập huấn kỹ năng triển khai thực hiện Bộ tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Đưa các nội dung Bộ tiêu chí trong các hoạt động tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các địa phương; Lồng ghép nội dung triển khai Bộ tiêu chí trong chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị. 

UBND TP.Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan, không gian mạng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thông qua các cuộc thi, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức mới thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp Nhân dân, các gia đình, thành viên trong gia đình. Đồng thời, tập trung tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11). 

Cùng với việc tổ chức phát động đăng ký và đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí, Thành phố cũng tổ chức biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Bộ tiêu chí, các gia đình tiêu biểu, gương điển hình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh, chị, em đoàn kết thương yêu nhau. 

Ngoài ra, Thành phố đề nghị các cơ quan chức năng cũng  tiến hành kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Bộ tiêu chí theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác gia đình. Tổng kết, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giai đoạn 2022-2025.

Diệu Tâm/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính