lam-cha-me-nhan-co-kho-khong 1-3
lam-cha-me-nhan-co-kho-khong 2-1

Tạp chí điện tử Gia Đình Mới đã có cuộc trò chuyện với ông bố 4 con – Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang (Co-Founder MDmedical) để biết được cách mà vợ chồng anh đang nuôi dạy các con của mình, làm sao cho bố mẹ đỡ vất vả mà vẫn có những trải nghiệm làm bố mẹ vui vẻ, hạnh phúc.

lam-cha-me-nhan-co-kho-khong (10)
lam-cha-me-nhan-co-kho-khong (3-1)

PV: Nhiều người cho rằng, nuôi con nhỏ nhàn tênh là một khái niệm gần như “không tưởng” với nhiều mẹ bỉm sữa. Theo anh, làm mẹ có thể nhàn không?

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang: Tôi cho rằng người mẹ hoàn toàn có thể nhàn nếu người mẹ trang bị tốt các kiến thức, kỹ năng về làm vợ, làm mẹ trước khi kết hôn. Một người mẹ có trí tuệ, có sự hiểu biết đúng, lựa chọn đúng thì sẽ nuôi dạy được những đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển toàn diện.

PV: Trong hành trình chăm sóc, nuôi dạy các con của mình, vợ chồng anh có bí quyết gì để bản thân mình được nhàn hơn?

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang: Trong quá trình cùng vợ chăm sóc, nuôi dưỡng các con của mình, tôi nhận ra rằng, người mẹ trước khi muốn nuôi dạy tốt con thì phải hiểu vai trò của người mẹ là gì?

Người bố khi tham gia vào quá trình nuôi dạy con cũng cần phải hiểu vai trò của mình là gì? Phải hiểu đúng vai trò của người bố, người mẹ thì mới có cách chăm sóc, nuôi dạy con đúng.

lam-cha-me-nhan-co-kho-khong (4)

Có một bài học mà tất cả các ông bố, bà mẹ đều phải học, dù người đó có đang là chuyên gia hay là người rất tài giỏi. Đó là học cách làm cha, làm mẹ, học cách xây dựng hạnh phúc gia đình và học cách cùng con phát triển mỗi ngày. Những điều này không chỉ là học từ sách vở mà có thể học bằng nhiều cách như từ người thân, bạn bè..., đặc biệt là học từ chính các con của mình.

Thời điểm sinh con gái đầu lòng, vợ chồng tôi đều rất bỡ ngỡ với vai trò mới (vai trò làm bố, làm mẹ). Bản thân tôi từ khi sinh ra mới chỉ đóng vai làm con, đi học đóng vai làm trò…, tôi chưa bao giờ được huấn luyện, được đào tạo các kỹ năng về làm chồng, làm cha.

Vì vậy mà giống như rất nhiều những người đàn ông khác, với vai mới là làm chồng, làm bố tôi đã rất căng thẳng, rất stress. Vợ tôi cũng bị stress như tôi, vì cô ấy cũng chưa được học tập, nghiên cứu sâu về vai trò làm vợ, làm mẹ.

PV: Quá trình học làm bố mẹ của vợ chồng anh đã diễn ra như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang: Việc làm bố, làm mẹ theo kiểu bản năng đã khiến chúng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn trong việc chăm sóc, nuôi dạy con. Như với bé đầu tiên, giai đoạn con tập ăn, gia đình tôi đã xảy ra mâu thuẫn.

Vợ tôi không thích món ăn nào đó thì cô ấy cũng không nấu món đó cho con ăn vì vợ cho rằng con không thích món đó giống mẹ. Nhưng tôi thì khác, tôi chọn cách cho con trải nghiệm. Tôi nói với vợ mình rằng “đấy là em không thích món ăn đó nhưng con hoàn toàn có thể được trải nghiệm món ăn đó và tự đưa ra quyết định là thích hay không”.

Hay như việc nuôi động vật, con tôi thích chó, thích mèo, nhưng vợ tôi không thích nên con không có cơ hội để chạm vào chó, mèo. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi rất thoải mái, cởi mở trong việc con nuôi và chơi với động vật.

Trong quá trình cùng vợ chăm sóc các con, đồng hành cùng con, tôi cũng nhận thấy mình là người kiểm soát cảm xúc tốt hơn vợ nên tôi không quát mắng con. Còn vợ tôi, cô ấy kiểm soát cảm xúc kém hơn nên dễ nổi nóng với con và làm cho con sợ. Đó là một số những mâu thuẫn xảy ra giữa vợ chồng tôi trong việc nuôi dạy con cái.

Khi mâu thuẫn xảy ra, tôi thường không tranh luận gay gắt với vợ, tôi chọn cách bình tâm lại để tìm cách tháo gỡ. Và tôi nhận ra rằng, sự nghiệp quan trọng nhất của mình là với các con, là gia đình. Khi nhận ra điều đó, tôi đã đi học các kỹ năng: thế nào là một ông bố, thế nào là một ông chồng, thế nào là một người con… Sau khi được học, tôi đã vỡ òa ra rất nhiều điều.

Đến bây giờ, dù vẫn chưa thể hoàn thiện hết các kỹ năng, vẫn còn phải học hỏi nhiều, nhưng tôi đã tự tin, chủ động hơn rất nhiều trong hành trình bên con, nuôi dạy và chăm sóc các con.

Đặc biệt, thành công nhất là tôi là đã rủ được vợ cùng đi học cách nuôi dạy con cái, học cách trở thành cha mẹ tỉnh thức phải như thế nào. Việc tìm ra được tiếng nói chung trong hành trình nuôi dạy con đã giúp chúng tôi giảm bớt những căng thăng không đáng có.

Khóa học đó còn giúp vợ chồng tôi thay đổi rất nhiều về quan điểm nuôi dạy con; thay đổi về góc nhìn giúp vợ chồng tôi tự nhìn ra được những vấn đề của nhau và cùng nhau điều chỉnh, giải quyết những vấn đề đó. Từ đó giúp chúng tôi hiểu đúng vai trò của mình, không còn nhiều mâu thuẫn như trước nữa.

PV: Đó là những điều anh học được từ khóa học, còn từ chính các con mình thì sao, anh đã học được điều gì?

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang: Con cái chính là những người thầy trong cuộc sống giúp tôi học được rất nhiều điều. Hàng ngày nhìn con, quan sát con, thấy con có những hành động như này, thái độ thế kia và cái nào khiến tôi khó chịu, bức xúc thì cái đó chính là vấn đề của tôi, chứ không phải vấn đề của con.

Việc tự xác định được vấn đề thiếu sót của mình rất khó, nhưng may mắn là con mình chính là người thầy ở bên cạnh chỉ ra cho mình những thiếu sót đó.

Hành vi của con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Khi mình thấy con bừa bộn thì mình phải tự xem lại bản thân xem mình có bừa bộn không? Thấy con không gấp quần áo mà vứt bừa vào tủ, khi lấy quần áo thì bới tung hết lên, ra vào không đóng cửa, không tắt điện… thì phải nhìn lại xem mình có những hành động như vậy không? Và muốn nhắc nhở con, dạy con thì bản thân người bố, người mẹ phải thay đổi những thiếu sót đó, hoàn thiện mình hơn để con noi gương.

lam-cha-me-nhan-co-kho-khong (5)

Nhờ nhận thức được những điều đó mà tôi cảm thấy tự tin hơn, bình an hơn trong việc chăm sóc con, để các con được đứng đúng vai của các con trong gia đình.

lam-cha-me-nhan-co-kho-khong (6-1)

PV: Nhiều người cho rằng, thời kỳ nuôi con nhỏ, vai trò của người bố chưa được tận dụng tối đa tại gia đình. Còn bản thân anh thì sao, anh có giúp được nhiều cho vợ trong giai đoạn này?

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang: Như tôi đã chia sẻ trước đó, thời gian đầu mới “lên chức” bố, tôi rất bỡ ngỡ và vụng về nên hầu như không giúp được gì cho vợ. Hơn nữa, trong giai đoạn con còn nhỏ, vai trò của người bố trong giai đoạn này rất ít, vì em bé không cần.

Người bố đâu thể thay mẹ cho con bú (nếu con bú mẹ trực tiếp). Người bố cũng thường vụng về trong việc thay bỉm cho con, vệ sinh cho con. Thậm chí, nếu ban ngày người bố đi làm về mệt thì buổi đêm cũng không phụ giúp được nhiều cho người mẹ.

Nhưng, sau khi học về cách làm chồng, làm cha, tôi đã thay đổi bản thân rất nhiều. Tôi hiểu ra rằng, khi sinh con ra thì cả 2 đều phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi nấng, yêu thương, đó không phải là việc của riêng người mẹ. Vì vậy, tôi đã sắp xếp công việc để ở bên vợ, con nhiều hơn, giúp vợ những việc nhỏ như chơi với con, cho con ăn, bế con, vệ sinh thay bỉm cho con, thường xuyên nói lời yêu thương, an ủi vợ…

Tôi cũng đã rất cố gắng để chăm sóc vợ con nhưng nhiều lúc cũng không làm đúng ý vợ được. Đôi khi vợ nổi giận, kêu than vì phải chịu rất nhiều áp lực lúc chăm con. Những lúc như vậy tôi cũng chỉ biết cảm thông với vợ, động viên vợ và sắp xếp thời gian để ở bên vợ con nhiều hơn. Những việc tôi làm được không nhiều, nhưng cũng hy vọng giúp vợ tôi giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi.

PV: Anh đánh giá thế nào về sự thay đổi trong cách nuôi con xưa và nay? Sự thay đổi này có giúp cha mẹ nhàn hơn trong quá trình chăm sóc con cái?

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang: Vai trò của người mẹ, người bố ngày nay đã khác rất nhiều so với ngày xưa. Với môi trường tự nhiên đang thay đổi thì chúng ta cũng cần thay đổi để thích nghi, không nhất thiết phải bám chặt lấy kiểu cũ và cũng không nhất thiết phải điều chỉnh toàn bộ sang kiểu mới. Cái gì hợp lý nó sẽ tồn tại. Vậy nên, để nhàn hơn trong hành trình nuôi dạy con thì phải làm cha mẹ tỉnh thức, có trí tuệ, dành thời gian cho con.

Gia đình tôi chọn cách sống cân bằng, áp dụng cả phương pháp truyền thống và hiện đại trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc các con. Như thời điểm con ăn sữa mẹ, với 2 bé đầu sinh thường, vợ tôi cho con ăn theo kiểu truyền thống là bé bú mẹ trực tiếp.

Cách cho con ăn truyền thống này tôi thấy việc chăm sóc con không quá áp lực, vì khi con đói là có thể ngay lập tức bú mẹ, ăn no rồi chơi, ngủ. Nhưng đến bé thứ 3, vợ tôi sinh mổ nên ảnh hưởng đến việc tiết sữa, bị tắc tia sữa nên đau rất nhiều.

Để cải thiện tình trạng này, vợ tôi học theo cách của các bà mẹ hiện đại là hút sữa ra cho con bú bình. Tôi không biết vợ mình có thấy nhàn hơn khi cho con ăn theo cách này không, nhưng tôi thì thấy vợ không nhàn chút nào. Đủ các công đoạn, nào là hút sữa, bảo quản sữa, hâm sữa, cho con ăn, vệ sinh bình sữa… rất vất vả đối với người mẹ.

Nhìn vợ ngồi ngủ gật hút sữa tôi rất thương, nhưng cũng không thể giúp gì được nhiều ngoài việc chơi với con, cầm bình cho con ăn, vệ sinh cho con, để vợ gác chân cho đỡ mỏi, nói và làm những hành động quan tâm, chăm sóc…

Hay như thời điểm con ăn dặm, chúng tôi cũng hướng tới tỷ lệ cân bằng. Bố mẹ trang bị đầy đủ kiến thức về ăn dặm, cân bằng dinh dưỡng cho con theo khoa học hiện đại, nhưng lại chọn phương pháp ăn truyền thống, tự nhiên để con được trải nghiệm.

Tôi quan niệm, không có đúng sai khi chọn phương pháp ăn cho con, mà là sự phù hợp đối với mỗi đứa trẻ. Quan trọng nhất là tâm lý, cảm xúc của người cho ăn, vì vậy đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ. Cha mẹ hãy cố gắng cho con nhiều trải nghiệm tốt nhất trong giai đoạn ăn dặm vì giai đoạn này hình thành nên tính cách của con rất lớn.

PV: Đối mặt với những khủng hoảng của con, anh làm gì để giúp con vượt qua?

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang: Cách của tôi rất đơn giản và tôi thấy lần nào làm cũng hiệu quả. Tôi thường nói với con 4 câu: Bố xin lỗi con! Con hãy tha lỗi cho bố nhé! Bố cảm ơn con! Bố yêu con! Hoặc một cách khác là không làm gì cả, để con tự vượt qua những cảm xúc của mình.

Là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta không chỉ dừng lại ở việc sinh con và nuôi con khôn lớn, mà điều quan trọng hơn hết đó là dạy những đứa trẻ nên người. Con cái chúng ta cũng giống như cái cây vậy, khi nhỏ chúng cần chúng ta chăm sóc và yêu thương, đến khi lớn chúng sẽ tự sống tốt được và cho trái ngọt của riêng chúng. Để lớn mạnh cây cần được vun trồng và yêu thương từ lúc nhỏ.

Vì vậy, hãy dành thời gian bên con để tương tác, yêu thương và giúp trẻ phát triển tốt nhất. Cha mẹ có thể làm việc cả đời, nhưng con cái chỉ bé bỏng một thời mà thôi.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Empty
Linh Ly

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính