Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình (Bài 1): Gia đình Hà Nội đang có nhiều biến đổi

Hà Nội luôn chú trọng xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Nhưng thực tế còn tồn tại không ít vấn đề tiêu cực trong văn hóa ứng xử, trong nền nếp gia đình. Điều đó đòi hỏi thành phố cần nỗ lực hơn nữa để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Thủ đô.

Gia đình Hà Nội đang có những biến đổi sâu sắc

Người Hà Nội từ xưa đã chung sống thành gia đình. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hết sức bền chặt, tình sâu nghĩa nặng. Nhưng hiện nay, dưới tác động nền kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Hà Nội đang có những biến đổi.

Theo GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, ngay trong cấu trúc của gia đình đã có những thay đổi, ngày càng ít đi những gia đình nhiều thế hệ kiểu “tam đại, tứ đại đồng đường”. Quy mô gia đình thu hẹp với mô hình hai thế hệ và ít con.

Ngày càng ít đi những gia đình nhiều thế hệ kiểu “tam đại, tứ đại đồng đường

Ngày càng ít đi những gia đình nhiều thế hệ kiểu “tam đại, tứ đại đồng đường" ở Hà Nội

Cùng với đó là lối sống công nghiệp với các điều kiện về thu nhập, chi tiêu đắt đỏ, nhà cửa khó khăn với các nhóm nghèo, ý thức về tự do cá nhân khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không thật gắn kết như trước.

Mặc dù các giá trị, chuẩn mực đã được đề ra nhưng còn chung chung chưa cụ thể và chưa có nguyên tắc. Trong khi chúng ta còn đang lúng túng định hình những giá trị mới cho gia đình thì những mặt tiêu cực của xã hội đã tràn vào gia đình như tệ nạn ma túy, bài bạc, rượu chè, bạo lực, buôn người, nạo thai bé gái, lối sống quá coi trọng đồng tiền, đề cao lợi ích cá nhân ngày càng thịnh hành.

Ngoài ra, đạo đức gia đình đang có những biểu hiện suy giảm đã tác động mạnh tới các giá trị truyền thống trong gia đình như hiếu lễ, lòng nhân ái, vị tha, sự đồng cảm, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau… Đặc biệt, bạo lực gia đình và nạn xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái đang là mối lo lắng lớn cho toàn xã hội.

Tất cả những điều đó đang tàn phá mạnh mẽ đời sống kinh tế và đời sống văn hóa, tinh thần của các gia đình. Các mối quan hệ đạo đức truyền thống trong gia đình như kính trên nhường dưới, hiếu thảo, thủy chung... đã và đang bị xem nhẹ. Do đó, chúng ta cần giữ gìn các giá trị truyền thống của gia đình Hà Nội.

Làm gì để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình?

GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, hiện nay, việc phát huy những tinh hoa văn hóa của gia đình truyền thống cũng đồng nghĩa với việc phải loại bỏ những yếu tố lỗi thời không còn phù hợp với xã hội văn minh, điển hình là thói gia trưởng và thái độ trọng nam khinh nữ.

Cùng với đó là phải tìm những biện pháp để các gia đình, nhất là các gia đình trẻ ngày nay có thời gian chăm lo, giáo dục con cái nhiều hơn.

Các gia đình cần dành thời gian chăm lo, giáo dục con trẻ và chăm sóc người cao tuổi. Ảnh minh họa

Các gia đình cần dành thời gian chăm lo, giáo dục con trẻ và chăm sóc người cao tuổi. Ảnh minh họa

Đồng thời, khi xây dựng gia đình văn hóa, vấn đề chăm sóc người cao tuổi cần là một trong những nội dung quan trọng vì chính nó đã đề cao chữ hiếu, một giá trị cốt lõi của gia đình truyền thống. Cần thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng người cao tuổi, tìm mọi cách làm vơi bớt sự cô đơn, nỗi đau bệnh tật ở người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia vào các hoạt động gia đình và xã hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Hiện, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở Hà Nội vừa được thực hiện theo các quy định chung, vừa gắn với quá trình triển khai xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Điều này được thể hiện rõ trong Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Chương trình xác định rõ, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó, nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những giá trị cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.

Ngoài ra, tại Mục 4 Chỉ thị 30-CT/TU năm 2024 có nếu rõ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau: Xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý...; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.

Nếu chúng ta thực hiện tốt các chính sách này thì sẽ đưa gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Hà Nội nói riêng sẽ phát triển hoàn hảo để xứng đáng là nơi nuôi dạy và phát triển con người.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” đã tổ chức Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh-Thực trạng và giải pháp”.

Trong khuôn khổ tọa đàm, Ban tổ chức đã nhận được 42 báo cáo, tham luận của các nhà khoa học thuộc các cơ quan ở Trung ương và thành phố Hà Nội, cơ quan quản lý với nhiều ý kiến, đề xuất quan trọng trong xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Thủ đô hiện nay.

Các nhà khoa học đề nghị thành phố xây dựng dự thảo Bộ quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong gia đình (trong đó cần đưa ra cụ thể những điều nên làm và không nên làm trong từng mối quan hệ trong gia đình) để làm cơ sở khuyến khích, động viên người dân thực hiện nhằm xây dựng Thủ đô văn minh.

Kết luận hội nghị, PGS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chăm lo xây dựng, phát triển con người Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến 3 đối tượng: Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở có tâm, có tầm, biết trọng văn hóa và thật sự là những tấm gương văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, sáng tạo văn hóa có đức, có tài, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát huy giá trị tinh hoa, nhân bản, khai sáng của văn hóa Hà Nội; xây dựng thế hệ trẻ thật sự trở thành những chủ nhân của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại...

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính