Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình (Bài 2): Nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo

Nhằm mục đích giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Thủ đô trong tình hình mới, nhiều địa phương của Hà Nội đã đưa ra những cách làm hay, sáng tạo, khuyến khích mỗi người dân nỗ lực xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), để tích cực xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, xây dựng môi trường cảnh quan xanh- sạch – đẹp, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ứng Hòa đã triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tiêu biểu như: phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Phòng chống ma túy từ gia đình”; các cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch"... Trong đó, các cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, "Gia đình 5 có, 3 sạch" đã nhận được sự  tham gia hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên.

Mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” gồm 8 các tiêu chí cụ thể là: “Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hoá; Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”. Việc xây dựng mô hình là cách làm sáng tạo, thiết thực nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ các hộ gia đình và cán bộ hội các cấp trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Quá trình thực hiện mô hình góp phần giúp hội viên, phụ nữ các hộ gia đình, người dân và cộng đồng có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Qua đó, đã xuất hiện thêm nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa tại cộng đồng. Tiêu biểu như mô hình “Đổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện”, “Nói không với túi ni lông”, “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ”, “Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”, “Sạch đồng ruộng”, “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại các hộ gia đình nông thôn”…

Hoạt động làm sạch đường làng, ngõ xóm của phụ nữ xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa

Hoạt động làm sạch đường làng, ngõ xóm của phụ nữ xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa

Những mô hình, hoạt động thiết thực của phụ nữ huyện Ứng Hòa đã có đóng góp tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh. Cụ thể, kết quả bình xét gia đình văn hóa năm 2023 đạt 54.785/58.321 gia đình, đạt tỷ lệ 93,9%. Kết quả đăng ký gia đình văn hóa năm 2024 đạt 56.072/58.321 hộ gia đình, tỷ lệ 96%.

Và gần đây nhất, nhân kỷ niệm 23 năm Ngày Gia đình Việt Nam và Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024, UBND huyện Ứng Hòa đã trao Giấy khen cho 70 hộ gia đình Văn hóa tiêu biểu và 20 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm, Hội thi “Món ngon gia đình” với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được tổ chức đã đem lại cho các gia đình sự giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa ẩm thực, rèn luyện kỹ năng nấu nướng qua các món ăn dự thi cũng như trau dồi kiến thức về kỹ năng, văn hóa gia đình.

Hội thi "Món ngon gia đình" không chỉ là ngày hội đối với các gia đình tham dự, mà đây còn là cơ hội để các thành viên trong mỗi gia đình bày tỏ tình cảm yêu thương, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, gắn bó đối với người thân của mình. 

Hội thi “Món ngon gia đình” với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được tổ chức tại quận Bắc Từ Liêm

Hội thi “Món ngon gia đình” với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” được tổ chức tại quận Bắc Từ Liêm

Còn tại quận Ba Đình, toàn quận hiện có 53.863 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Năm 2024, quận Ba Đình cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng và lan toả ý nghĩa tích cực Ngày Gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Thủ đô như: Cuộc thi vẽ tranh “Gia đình Hà thành - Văn minh - Hạnh phúc” và cuộc thi ảnh “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” phường Ngọc Khánh; nói chuyện chuyên đề “Ngôn ngữ yêu thương - Gắn bền hạnh phúc” của phường Cống Vị; Liên đoàn Lao động quận biểu dương gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Để các hoạt động về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, các đơn vị cần đổi mới mạnh mẽ, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường. Cần nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; phê phán các hành vi lệch chuẩn, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, các giá trị văn hóa truyền thống.

Cùng với đó, cần phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng, tổ trưởng tổ dân phố trong việc tuyên truyền, phổ biến truyền cảm hứng cho các thành viên trong gia đình, xã hội về đạo đức, lối sống. Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại tác động đến gia đình.

Đồng thời, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết từ cơ sở.

Trong bối cảnh nhiều biến đổi đang tác động đến các giá trị tốt đẹp của gia đình, xác định tầm quan trọng của gia đình, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 57-KH/TU ngày 30/12/2021 thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TƯ của Ban bí thư, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 11/3/2022 thực hiện Kế hoạch số 57/KH-TU của Thành ủy, trong đó đặt ra nhiệm vụ: Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2026 cũng đặt ra chỉ tiêu đạt 86-88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”. 

Thực hiện chỉ tiêu này, Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đặt ra nhiệm vụ: Đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa; đề cao vai trò trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu niên theo phương châm kết hợp “gia đình - nhà trường - xã hội”. Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình để gìn giữ phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô từ truyền thống tới hiện đại.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính