Củng cố thêm chất lượng của phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Cuối năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2023/NĐ-CP quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu".
Về khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Nghị định nêu rõ, để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn như:
- Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương;
- Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.
Tại mỗi khung tiêu chuẩn nói trên, Nghị định cũng đã cụ thể hóa các tiêu chí để giúp cho các gia đình và xã hội dễ dàng nắm rõ.
Cụ thể, tại khung tiêu chuẩn “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng”, Nghị định có quy định cụ thể các tiêu chí gồm:
+ Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
+ Thực hiện tốt chính sách dân số, hôn nhân và gia đình
+ Thực hiện tốt các mục tiêu về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình/bạo lực trên cơ sở giới
+ Hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước/các loại hình tương tự hợp vệ sinh
+ Tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn
Như vậy có thể thấy, thực hiện tốt Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình là một tiêu chí quan trọng để được xét tặng gia đình văn hóa.
Lồng ghép sáng tạo trong hoạt động xét tặng danh hiệu văn hóa
Hà Nội là một trong số 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ VHTT&DL lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Trong quá trình triển khai, nhiều địa phương của Hà Nội đã thực hiện lồng ghép sáng tạo với hoạt động xét tặng các danh hiệu văn hóa.
Phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội - một trong những địa phương đầu tiên được Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội chọn làm điểm, đã triển khai thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình tại tổ dân phố số 4 và 12. Trong quá trình thực hiện đã có 300 gia đình ký cam kết thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình theo 4 nhóm đối tượng: Ứng xử giữa vợ chồng; cha mẹ với con cái; ông, bà với cháu và anh, chị, em.
Sau hai năm làm điểm thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình, UBND phường Khương Trung tiếp tục triển khai thực hiện theo Kế hoạch từng năm. Đặc biệt, phường Khương Trung đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội phường tiếp tục triển khai tới các Chi bộ, các tổ dân phố, các chi hội đoàn thể khu dân cư về thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" trên địa bàn, gắn với thực hiện nhiệm vụ bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, các Chi bộ khu dân cư đã đưa nội dung thực hiện "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" vào Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, với nội dung kết hợp xây dựng Tổ dân phố văn hóa "Năm không" gồm: Không rác; Không có vi phạm pháp luật; Không xảy ra trường hợp cháy nổ; Không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; Không vi phạm trật tự xây dựng gắn với thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng nếp sống văn minh văn hóa từ trong gia đình đến toàn tổ dân phố.
Cùng với đó, phường Khương Trung cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện với nhiều hình thức; Tổ chức các buổi sinh hoạt bằng hình thức tọa đàm... để nêu bật tiêu chí tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ trong gia đình.
Tại quận Tây Hồ (Hà Nội), để Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình triển khai được hiệu quả, tạo sự lan tỏa, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của đông đảo gia đình, cộng đồng, xã hội, quận đã tổ chức phát động đăng ký và đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí lồng ghép với đăng ký xây dựng và bình xét gia đình văn hóa; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức; Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở, cổ động trực quan, không gian mạng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thông qua các cuộc thi, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức mới thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp Nhân dân, các gia đình, thành viên trong gia đình; Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí.
Đặc biệt, việc thành lập mô hình “Câu lạc bộ Tiền hôn nhân” của quận đoàn Tây Hồ đã cho thấy sự quan tâm của quận đến đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh trong việc thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Qua đó, góp phần trang bị thêm những kiến thức cho đoàn viên, thanh niên trong việc xây dựng gia đình văn hóa và các vấn đề liên quan, đặc biệt là trong các “Gia đình trẻ”.
Tương tự, tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), việc thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng được lồng ghép vào hoạt động xét tặng gia đình văn hóa; hoạt động sinh hoạt của các tổ chức hội, đoàn thể; phối hợp với các gia đình, dòng họ có truyền thống văn hóa, có nền nếp gia phong để tuyên truyền, là tấm gương cho các gia đình khác tham khảo và học hỏi. Cùng với đó là kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình thực hiện tốt Bộ tiêu chí; đồng thời khích lệ động viên những gia đình, cá nhân có nhiều sự đóng góp thiết thực trong công tác tuyên truyền lan tỏa thực hiện bộ tiêu chí.
Việc Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, ngành triển khai thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa đã góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình bao gồm 5 nội dung chính:
- Tiêu chí ứng xử chung (tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ);
- Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng (chung thủy, nghĩa tình);
- Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu (gương mẫu, yêu thương);
- Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà (hiếu thảo, lễ phép)
- Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em (hòa thuận, chia sẻ).
Diệu TâmBạn đang xem bài viết Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình – Tiêu chuẩn xét tặng gia đình văn hóa tại chuyên mục Hôn nhân - Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].