Cái nôi nuôi dưỡng con cháu trưởng thành
Trong căn nhà nhỏ ở Tân Xuân 1 (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vợ chồng ông Tộc bố trí một chiếc phản làm bằng gỗ rất rộng đặt ở phòng khách. Đây vừa là chỗ để các cháu ngồi chơi, vừa là chỗ để đại gia đình ngồi ăn cơm.
“Tôi phải tìm mua một chiếc phản rộng như vậy mới đủ chỗ ngồi cho 14 thành viên trong đại gia đình mình, gồm 2 vợ chồng tôi, 6 người con và 6 người cháu” – ông Tộc vui vẻ khoe.
Khi nói về đại gia đình của mình, ông hồ hởi nói: “căn nhà rộng gần 70m2 này của vợ chồng tôi giống như chiếc nôi nuôi dưỡng con cháu trưởng thành. Lúc đầu, khi các con tôi mới lập gia đình, tất cả đều ở chung với bố mẹ trong căn nhà nhỏ này. Các con dâu của tôi đều sinh con và nuôi các cháu ở đây. Gia đình 3 thế hệ cùng chung sống rất vui vẻ, hòa thuận. Người già như chúng tôi quan niệm, gia đình đông con nhiều cháu là có phúc. Vậy nên, gia đình ba thế hệ mà ở được với nhau thì quá sướng, được sống cùng các con cháu như vậy là điều vợ chồng tôi thích nhất. Ông bà vẫn còn khỏe mạnh thì có thể hỗ trợ các con chăm sóc cháu, dạy dỗ, đưa đón các cháu đi học để bố mẹ chúng yên tâm công tác, làm việc”.
Để duy trì được đại gia đình 3 thế hệ luôn vui vẻ, hòa thuận như vậy, ông Tộc cho rằng đó là nếp nhà, là truyền thống gia đình và vợ chồng ông bà luôn nhắc nhở con cháu của mình phải duy trì để giữ nề nếp văn hóa gia đình.
Tuy nhiên, sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại kéo theo không ít những thay đổi trong lối sống của người Hà Nội. Điều đó cũng giúp vợ chồng ông Tộc nhận ra rằng, việc giữ gìn truyền thống gia đình phải hài hòa với nhịp sống mới. Tùy theo gia cảnh của mỗi gia đình mà nếp nhà được gìn giữ khác nhau một cách phù hợp, không áp đặt khuôn mẫu.
Chính vì vậy mà khi các con đã vững vàng về kinh tế, các cháu cũng trưởng thành hơn thì vợ chồng ông Tộc đã cho các con tiền mua nhà để xây dựng gia đình nhỏ của mình.
“Vợ chồng già chúng tôi thích ở nhà đất, trong căn nhà nhỏ mà hai vợ chồng đã tích cóp xây dựng được. Nhưng nhà thì nhỏ mà các cháu thì ngày càng lớn hơn, thêm vào đó là giới trẻ bây giờ lại thích ở chung cư với đầy đủ tiện ích. Vậy nên, chúng tôi đã hỗ trợ các con mua chung cư để chúng được sống theo sở thích của mình. Còn ngôi nhà này ông bà ở và là nơi sum họp của đại gia đình những ngày cuối tuần, lễ tết...” – cụ ông Lê Hữu Tộc chia sẻ.
Mặc dù các con của ông đã có nhà riêng, nhưng nhà riêng lại ở gần nhà ông bà nên các con, các cháu vẫn thường xuyên về nhà ăn cơm và ngủ lại. Chính vì vậy mà ông Tộc vẫn bố trí phòng cho các con, các cháu ở trên tầng 2, tầng 3 để con cháu có thể về nhà bất cứ lúc nào. Cả đại gia đình vẫn sống chung vui vẻ, hòa thuận như vậy.
Bí quyết riêng giữ gìn tổ ẩm
Nhiều người thường hỏi ông Tộc về bí quyết để ông bà giữ được gia đình nhiều thế hệ sống yên ấm, hạnh phúc như vậy. Cụ ông ngoài thất thập thẳng thắn chia sẻ rằng, mình không có bí quyết gì cả. Đó đều là tấm lòng, lương tâm của ông bà, yêu thương con cháu, đối xử với con cháu bằng tình yêu thương chân thật nhất.
“Chúng tôi yêu thương con dâu, con rể như con gái, con trai của mình. Các cháu nội, ngoại, trai, gái đều được đối xử công bằng, yêu thương như nhau” – ông Tộc chia sẻ.
Nếp nhà, truyền thống gia đình được gia đình ông xây dựng bao đời nay. Khi sinh các con ra, ông bà luôn chú tâm dạy dỗ các con về văn hóa gia đình, cách ứng xử với người lớn tuổi, với họ hàng, hàng xóm.
Không chỉ dạy dỗ các con khi còn nhỏ, mà khi đến tuổi lấy vợ, lấy chồng, vợ chồng ông Tộc vẫn luôn định hướng, tư vấn đầy đủ mọi vấn đề cho các con hiểu và nắm được.
Chính vì vậy mà nhà có 3 người con (2 trai, 1 gái), cứ theo đúng thứ tự cách nhau 1 năm ông lại cưới, gả cho 1 người con. Và trong vòng 3 năm liên tiếp, ông đã hoàn thành việc dựng vợ gả chồng cho các con.
Không ít họ hàng, hàng xóm trêu ông bà có sự tính toán khéo léo trong việc dựng vợ gả chồng cho các con. Nhưng ông Tộc tự thấy rằng, mình không tính toán gì hết. Chỉ là từ lúc các con có bạn trai, bạn gái là ông có chú tâm hơn trong việc tâm sự, làm bạn cùng con.
“Tôi không bắt ép, bắt buộc các con mình cái gì. Tôi chỉ nói chuyện với các con mình như 2 người bạn để các con tự nhận ra cái gì là phải, cái gì là trái. Khi các con đến tuổi lập gia đình tôi thường tâm sự với các con về chuyện yêu đương, lấy vợ lấy chồng là thế nào, xây dựng tổ ấm mới là thế nào… Đặc biệt, một điều tôi luôn dặn các con mình là đã chọn yêu người ta, lấy người ta thì phải yêu thật lòng, phải chung thủy trọn đời. Nhà mình sống là phải có hậu…”.
Có lẽ do tư tưởng tiến bộ trong cách dạy dỗ con, do văn hóa gia đình được rèn giũa từ bé, nếp nhà, lối sống của gia đình đã ăn sâu vào các con của ông nên quá trình các con trưởng thành, chọn lựa đối tượng đi đến kết hôn đã không làm vợ chồng ông Tộc thất vọng.
Đến nay, việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu cũng được ông bà rất chú trọng. Ngoài thời gian đi học thì các cháu thường sang ở với ông bà và sẽ được ông bà dạy cách nói năng, chào hỏi cho lễ phép, ứng xử hàng ngày, kính trên nhường dưới, hiếu thuận với ông bà bố mẹ…
“Vợ chồng tôi chú trọng dạy con cháu về đạo đức, nếp làm người, nề nếp gia đình. Vậy nên tôi không ép buộc các cháu của mình phải học thật giỏi, tôi chỉ quan tâm đến đạo đức, nhân cách của các cháu, học dốt cũng được nhưng phải ngoan.
Đặc biệt, tôi luôn dạy con cháu rằng, con người “nhất thanh nhì sắc”, tức là con người phải có tiếng nói. Đơn giản nhất với một đứa trẻ, tôi dạy các cháu đi đâu phải biết chào hỏi mọi người, nhất là những người lớn tuổi. Mà đã chào thì phải chào thật to để người được chào nghe thấy thì mới có giá trị.
Trẻ con ham đọc sách là rất tốt nhưng cũng nên khuyến khích chúng đi chơi để giao tiếp với mọi người, học làm người từ cuộc sống ngoài đời, học ông bà cha mẹ từ lời ăn tiếng nói, cách đối xử với mọi người xung quanh và nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe” – ông Tộc chia sẻ về cách dạy dỗ các cháu mình.
Những cách dạy con, dạy cháu của vợ chồng ông Tộc không chỉ là “bí quyết” để giữ lửa hạnh phúc trong gia đình ông bà mấy chục năm qua, mà còn là kinh nghiệm hay để các gia đình khác học hỏi nhằm giữ gìn nếp nhà, gia phong, giúp con cháu hiểu rằng, con người sống ở đời không chỉ vì cá nhân mình mà còn vì người khác, không chỉ làm tốt chức phận với gia đình mà còn làm tốt chức phận với tổ tiên ông bà và chức phận với cộng đồng, xã hội.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Mô hình gia đình truyền thống ở Hà Nội: "Ba thế hệ mà ở được với nhau thì quá sướng" tại chuyên mục Hôn nhân - Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].