“Để trẻ em Việt Nam không còn bị đuối nước”, bố mẹ nên học phòng chống đuối nước cùng con.
Gia Đình Mới giới thiệu series bài viết về Phòng, chống đuối nước do TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi, người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay viết.
Từ 4 nguyên nhân gây ra đuối nước cho trẻ nhỏ (hình trên), có thể thấy “Để trẻ em Việt Nam không còn bị đuối nước”, bố mẹ nên học phòng chống đuối nước cùng con. Đó là vì:
Một Biết Đuối nước - Tại sao?
Hai Biết Đuối nước Nơi Nào xảy ra
Ba, Bốn Biết Nước, Biết Ta
Năm là Biết cách Thở ra, Thở vào
Sáu Biết Lặn / Nổi lên cao
Bẩy Biết Chuyển động thế nào cho xinh
Tám Bơi kiểu Dịch cân kinh
Chín Biết cứu bạn, cứu mình thoát nguy
Mười, Nhấn tim, thổi ngạt học đi
Phòng chống đuối nước có gì khó đâu!
Trong 10 mục trên, nếu chưa thể học mục 6 (in đậm), lặn thụt dầu, thả nổi và mục 8 (in đậm), bơi tự cứu Dịch cân kinh (vì cần tới phuy nước 200 – 250 lít hay bể bơi mini) thì 8 mục còn lại cũng đủ giúp trẻ nhỏ nhận biết và đánh giá được nguy cơ sông nước để ứng xử phù hợp, đảm bảo an toàn cho bản thân.
Học phòng chống đuối nước
Để thấy nguy tránh ngay
Chứ đừng dại thử sức
Hà Bá tóm có ngày!
Người ta bảo "học đi đôi với hành", nhưng phải hiểu "hành" ở đây là biết nguy để tránh chứ không phải là lao đầu vào thử.
Đọc tới đây, bố mẹ có thể nói, tôi rất muốn dạy con nhưng biết tìm tài liệu, hướng dẫn ở đâu... Ở thời buổi thông tin bùng nổ này thì sợ nhất là chuyện bố mẹ chỉ thích nhờ/thuê người khác dạy con hộ mình, chứ đã muốn dạy thì gi gỉ gì gi cái gì cũng có.
Phòng chống đuối nước dễ mà
Cái gì không biết thì tra Gú-Gờ
Dạy trẻ học hát, đọc thơ
Trò chơi, trắc nghiệm, thời giờ trôi veo.
Đơn giản hơn cả là bố mẹ truy cập vào trang www.eboi.vn tìm bài viết "10 Biết trong phòng chống đuối nước". Toàn bộ những gì bố mẹ cần được tóm gọn trong 4 hợp phần:
Gói nội dung trên rất đa dạng nên cả nhà cứ học từ từ. Bố mẹ hãy bám theo khung cơ bản (10 Biết) để chọn ra những câu hỏi, trò chơi… tiêu biểu nhất để học trước. Phần trắc nghiệm online là phần rất hay, nó giúp định lượng kiến thức phòng chống đuối nước đảm bảo an toàn cho mình. Cả nhà nên cùng làm, cùng bàn bạc xem sai đúng ở đâu.
Mỗi gia đình 3 hay 4 người (2 bố mẹ với 1 hoặc 2 con, chưa tính tới ông bà nội ngoại) là đã có thể tạo thành một “lớp học” mà ở đó ai cũng là giáo viên và ai cũng là học trò.
“Lớp học” có thể bắt đầu bất chợt lúc nào tùy cơ hội, tình huống. Ví dụ, bố nghe thấy đài báo đưa tin về tai nạn đuối nước ở đâu đó, bố có thể hỏi mẹ và con rằng, do đâu mà người ta bị đuối nước nhỉ…
Câu trả lời có thể là không biết bơi, là bị chuột rút, bị rơi vào vòng xoáy… Cả nhà sẽ cùng bàn bạc cho tới khi có đáp án đúng. Cả gia đình có thể trao đổi về dòng cuốn xa bờ, cách phát hiện nó và cách đối phó khi bị nó cuốn ra xa bờ hay về việc nhận diện Mặt nước hở nguy hiểm…
Để khỏi bị nhàm chán, cách học nên luôn thay đổi, lúc thì chơi một trò chơi, lúc học một bài thơ, bài hát có sẵn trong hợp phần, lúc giải câu đố… Bố mẹ lưu ý là một lần học không nên kéo quá dài làm trẻ nhanh chán rồi thành sợ học.
Dạy kỹ năng cho trẻ tốt nhất là thông qua trò chơi, hỏi đáp, thơ ca… và nếu có thêm phần thưởng cho những ai học tốt làm tốt nữa thì càng vui và hiệu quả.
Nội dung khung, tài liệu, phương pháp tổ chức, thực hiện liên quan đã có, giờ là lúc bố mẹ hãy chung tay hành động để trẻ em Việt Nam có cơ hội thoát đuối nước.
TS Phạm Anh Tuấn
Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi