Những đặc sản nức tiếng đất Hưng Yên

Anh Thịnh
Hưng Yên – vùng đất trù phú nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng – không chỉ nổi tiếng với truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn được biết đến qua những đặc sản nổi tiếng.

Bún thang lươn Phố Hiến

Bún thang lươn là bữa sáng quen thuộc của người dân Phố Hiến, niềm tự hào của mỗi người con Hưng Yên khi nhắc tới quê hương mình.

Bun-Thang-Hung-Yen-01

Bún thang lươn có hương vị độc đáo tạo thành từ hơn 20 loại nguyên liệu khác nhau. Cách chế biến rất cầu kỳ, gồm nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người nấu phải kiên trì và khéo léo.

Trước tiên, bún phải là bún rối, sợi nhỏ, trước khi cho vào bát sẽ được trần qua nước sôi để bún mềm hơn. Giò lụa được thái sợi, ăn giòn nhưng đảm bảo không hàn the, thơm mùi lá chuối; tiếp đến là trứng gà ta, người đầu bếp phải nhanh tay tráng thật mỏng, sau đó đem thái chỉ. Thịt ba chỉ thái hình con trì và chiên giòn thơm vàng béo ngậy.

Lươn là điểm nhấn tạo nên sự độc đáo riêng của bát bún thang lươn Phố Hiến, vì vậy người nấu phải cẩn thận lựa chọn lươn đồng tươi ngon, để lươn không bị mất máu, thịt ngọt và ngon hơn thì phải thui qua rồi mới mổ. Sau đó đem luộc, gỡ lấy thịt, ướp với nghệ và gia vị rồi mới phi hành và xào lươn hoặc cắt miếng rồi đem chiên giòn.

Bún thang lươn Phố Hiến có hương vị ngon đậm đà là bởi nước dùng có vị ngọt của xương ống và cua đồng, tôm he, sá sùng. Cua đồng để nguyên con nướng qua cho dậy mùi thơm rồi mới bỏ vào nồi nước dùng để ninh.

Một điều thú vị khác tạo nên hương vị đặc trưng của bún thang lươn Phố Hiến đó là khi thưởng thức bún thang, đừng quên bỏ vào một ít mắm tôm, ăn kèm rau sống gồm hoa chuối thái mỏng, ngổ, xà lách, rau mùi, kinh giới, tía tô... để cảm nhận trọn vẹn hương vị nhất.

Nhãn lồng

Hưng Yên được ví như “thủ đô” của cây nhãn và nhãn lồng Hưng Yên được xem là “vua” của loài nhãn. Về Hưng Yên vào mùa nhãn, đâu đâu cũng thấy nhãn, nhãn trên cây, nhãn trong những sọt hàng hay trên những chiếc xe, nhãn trong nhà, ngoài chợ.

nhan-long--01

Hưng Yên hiện có trên 4,8 nghìn ha trồng nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng trên 4,2 nghìn ha, tập trung nhiều tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên và Ân Thi.

Nhãn Hưng Yên gồm 3 trà chính là trà sớm, trà chính vụ và trà muộn, gồm các giống chất lượng cao như: Nhãn Hương Chi, nhãn cùi, nhãn đường phèn, nhãn Miền Thiết, nhãn T6...

Trong đó, các giống nhãn chín sớm và chính vụ được trồng chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Tiên Lữ, Kim Động. Nhãn chín muộn chủ yếu được trồng ở huyện Khoái Châu.

Những năm gần đây, nhãn Hưng Yên có sức hấp dẫn với người tiêu dùng bằng chất lượng thơm ngon và ngày một “sạch” hơn nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy định sản xuất theo quy trình VietGap

Đồng thời, chính quyền tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ các địa phương thâm canh, phát triển, xây dựng thương hiệu để mở rộng đầu ra cho quả nhãn, hướng tới các thị trường nước ngoài.

Nghệ Chí Tân

Khoái Châu, mảnh đất nằm bên bờ sông Hồng quanh năm phù sa màu mỡ, rất thích hợp cho cây nghệ phát triển. Theo Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, tại huyện Khoái Châu cây nghệ đã được canh tác từ lâu đời, chủ yếu là nghệ vàng, ruột củ nghệ có màu vàng cam, hàm lượng Curcumin cao.

Trong đó, xã Chí Tân là vùng trồng nghệ lớn nhất, diện tích trồng nghệ xã Chí Tân đạt trên 131,7 ha, chủ yếu là giống nghệ vàng, một phần nghệ đen và nghệ đỏ, khá nhiều hộ gia đình trồng và chăm sóc nghệ theo quy trình Việt GAP. Bình quân mỗi ha trồng nghệ cho thu hoạch trung bình khoảng 27 tấn. Giá trị trên mỗi ha ước đạt 400 - 540 triệu đồng.

1

Hiện nay, cây nghệ được coi là cây trọng điểm để phát triển kinh tế địa phương và luôn gắn bó với đời sống của người dân nơi đây.

Ngày 25/12/2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã công nhận làng nghề sản xuất và chế biến nghệ Chí Tân đạt tiêu chí công nhận làng nghề năm 2019 theo Quyết định số 2862/QĐ-UBND. Từ năm 2019, nghệ Chí Tân - Khoái Châu được cấp giấy chứng nhận OCOP, khẳng định thương hiệu nghệ nổi tiếng.

Theo viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam: "nghệ Chí Tân có hàm lượng Nano curcumin cao hơn nhiều lần so với các vùng thổ nhưỡng khác" hoạt chất curcumin được các nhà khoa học đánh giá là một trong những chất phòng chống ung thư cao nhất đến thời điểm hiện tại.

Ngày nay, củ nghệ tươi còn được chiết xuất thành nhiều sản phẩm cao cấp đó là tinh bột nghệ, nano curcumin, sữa nghệ, kem dưỡng da,...

Đặc biệt, trong tinh bột nghệ đỏ có chứa một loạt các hoạt chất chống oxy hóa, kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, ngăn ngừa và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, chống viêm…

Tương Bần

Nói về đặc sản Hưng Yên không thể không nhắc đến tương Bần sản xuất tại thị trấn Bần yên Nhân , huyện Mỹ Hào. Tương ở đây sánh vàng, thơm ngậy, hạt đỗ được xay nhỏ, nước tương màu cánh gián. Làm tương gồm các công đoạn chính là cho xôi lên mốc, ngả tương và ủ.

ban-yen-nhan-01

Công đoạn đầu tiên là chọn gạo để tiến hành làm mốc. Gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng, hạt mẩy to, không gãy, độ trắng vừa phải khi làm chỉ xát qua gạo, giữ lại mày cám để tương thêm ngọt.

Người làng gọi đây là xát trượt. Sau đó gạo đã xát được hấp thành xôi. Chờ đến lúc nguội thì xới ra nia (sàng) để chuẩn bị cho công đoạn ủ mốc. Theo cách làm truyền thống của cha ông, xôi phải được ủ kín bằng lá nhãn vì lá nhãn có khả năng giữ nhiệt tốt.

Ủ mốc là một trong những yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp đến chất lượng của cả mẻ tương. Nếu mốc bị nhớt, chua thiu, quá ẩm, bị nhiễm các mốc đen và các loại mốc khác thì tương sau khi ngả sẽ bị chua, màu sắc xấu và mất đi vị ngọt béo. Vì vậy, khi nia xôi mốc trắng, người ta dùng tay bóp tơi hạt xôi để hạt nào cũng được dính mốc. Sau đó mới phủ vải, lá nhãn và chờ mốc mọc lại.

Với đậu nành, cần vo sạch đến khi nào nước trong, đồng thời bỏ các hạt hư, lép. Khi rang phải dùng chảo đế dày và đảo liền tay để hạn chế tình trạng cháy của đậu nành. Đậu nành chín đều được người làm tương giã nhuyễn.

Công đoạn cuối cùng cũng không kém phần quan trọng đó là bước ngả và ủ tương. Khi ngả tương cần chú ý đến tỉ lệ giữa muối, nước, mốc tương để ra thành phẩm ngon, ngọt, thơm, đậm đà.

Đặc biệt, làm tương cần nhất là phải “được nắng”, nếu không tương sẽ bị khú, tức là không đạt mùi vị. Người làng Bần thường làm tương từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch hàng năm vì đây là thời gian miền Bắc đón nắng nhiều nhất. Đồng thời, vào mỗi sáng cần phải khuấy tương.

Để cho ra một mẻ tương ngon, không khú, ngả vừa đủ dùng đòi hỏi người làm tương Bần phải có kinh nghiệm lâu năm, có sự kiên trì và nhẫn nại. Vì vậy, với người dân nơi đây, tương Bần không chỉ là một thứ nước chấm mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính