Nhà sử học Dương Trung Quốc: Làng nghề là một phần của văn hóa dân tộc

Khánh Linh
Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định, làng nghề là một phần của văn hóa dân tộc. Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề là nhiệm vụ khó khăn cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Song song với sự phát triển đất nước trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì gìn giữ và bảo tồn phát triển các làng nghề là nhiệm vụ khó khăn cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa và nay, đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc.

1/ Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà sử học có chia sẻ một chút về sự ra đời của các làng nghề trong lịch sử Việt Nam?

Nói đến làng nghề phải thấy rằng các nhà quản lý đã dùng từ chuẩn mực là từ làng và từ nghề. 

Làng là đơn vị hành chính, kết cấu không gian sinh tồn của một cộng đồng, cụ thể ở đây là một dân tộc trong một không gian nhất định, có một hệ sinh thái tự nhiên nhất định, một nền văn minh để tồn tại nhất định. Mỗi làng lại có một đặc trưng khác nhau. Miền núi khác, miền xuôi khác.

Hàng ngày năm nay, từ thời Bắc Thuộc, kháng chiến chống Pháp, cách mạng tháng 8 cho đến ngày nay, làng xã luôn là tế bào sống gìn giữ bản sắc người Việt Nam, là nơi giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Không chỉ vậy làng còn là bến đỗ an toàn, bảo hiểm xã hội của con người từ những thời kỳ chiến tranh cho đến khi phải trải qua thách thức lớn là đại dịch Covid 19.

Và bản thân làng nghề cũng là một phần của văn hóa dân tộc, bản địa. Bên cạnh nền nông nghiệp sản xuất ra đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm quan trọng của con người, làng nghề bắt đầu những nghề nghiệp để đáp ứng những nhu cầu về công cụ để sống và kiếm sống như đồ gốm, đồ đồng, đồ gỗ… để đóng cái giường, cái bàn, làm cái nồi, cái niêu. 

Làng nghề được bắt đầu từ chính người dân trong làng nhưng đòi hỏi nhiều yếu tố khác không chỉ là con người. Trong đó có một số yếu tố mà trong một làng không đáp ứng được như nguyên liệu, nhân liệu và tay nghề nữa.

Chính vì vậy nó sẽ có sự giao lưu giữa làng nọ và làng kia. Sự giao lưu này mạnh mẽ nhất ở những làng có các lợi thế về: Giao thông, nguyên liệu và nghề. 

Trong một không gian nhất định mà người ta có thể giao lưu và đáp ứng lẫn cho nhau những nhu cầu để sản xuất, sinh sống thì thị tứ xuất hiện. Tứ tức là nơi giao nhau mà giao thông thuận lợi nhất, đặc biệt là là sông.

Người ta có câu nhất cận thị, nhị cận giang để chỉ đặc điểm giao thông đó. Chính vì vậy ở những nơi người ta có thể giao lưu cho nhau được thuận lợi nhất thì nó tạo thành những cái chợ và xuất hiện cả những làng buôn. 

Và lâu dần theo thời gian, các làng nghề cung cấp sản phẩm chuyên biệt cho làng mình, làng khác trở thành là một phần của kinh tế bản địa và là một phần kinh tế các khu vực.

2/ Thưa nhà Sử học, nguồn gốc của làng nghề là như vậy nhưng bắt đầu từ khi nào làng nghề bắt đầu phát triển. Quá trình phát triển đó thì các làng nghề đóng vai trò như thế nào trong việc giữ gìn văn hoá truyền thống, phát triển đất nước trong suốt chiều dài lịch sử?

Thời phong kiến phương bắc, sự xuất hiện những người Trung Hoa, đóng vai trò của những người đi buôn bán, thương mại thì các sản phẩm trong làng được giao lưu rộng hơn. Và giao lưu quốc tế chủ yếu thời kỳ mà bắt đầu Việt Nam mở cửa Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, tiêu biểu là Phố Hiến, Hội An. 

Thông qua việc trao đổi đó, những sản phẩm bản địa, sản phẩm có thể là những loại chế biến của hệ sinh thái ví dụ như gạo, đường được tới những địa phương khác. Chính vì vậy dần dần tầng lớp thương nhân xuất hiện, chủ yếu là người Trung Hoa và một bộ phận người Việt Nam.

Đến khi Pháp xâm lược Việt Nam, Việt Nam bắt đầu được tiếp cận với phương Tây. Phương Tây chiếm đóng nước ta có nhiều mục đích, lớn nhất là mục đích kinh tế, họ vơ vét ở thuộc địa những gì có lợi cho họ. 

Và trong khi vơ vét của một xã hội truyền thống và nền kinh tế phát triển như thế, người phương Tây rất quan tâm đến những mặt hàng có thể xuất khẩu. Bên cạnh mặt hàng tự nhiên như khoáng sản, lâm sản thì họ rất cần đến những tay nghề ở địa phương, ở khắp nơi để có thể làm ra những sản vật tinh tế.

Ngoài công năng sử dụng, giá cả, người Phương Tây còn quan tâm đến yếu tố về mỹ thuật, bản địa. Khi sự phát triển của xã hội ngày càng lên, nhất là các nước tiên tiến thì họ ưu tiên yếu tố hiếm, xa là những cái tốt. 

Mặt khác, người Pháp nhận ra số lao động nông nhàn rất nhiều, người nông dân làm theo thời vụ nên có rất nhiều thời gian nhàn rỗi ở nhà. Chính vì vậy họ khai thác nguồn nhân lực địa phương bằng cách mang một số thứ hàng của các nước vào.

Ví dụ nghề thêu ren, làm mũ panama, ghế mây. Người Pháp có thể nhập được những mặt hàng của các nước xung quanh gần gũi Việt Nam như các nước Đông Nam Á. 

Ở thời điểm đó, có một tổ chức xã hội có tên là đấu xảo. Người ta gọi ngôn ngữ hiện đại là triển lãm kinh tế, mang tất cả những cái đồ thể hiện sự khéo léo, tài ba, nguồn lực của mình đến một cái nơi để chia sẻ và buôn bán.

Nhà đấu xảo đầu tiên được làm tại Việt Nam là nhà đấu xảo Hà Nội xuất hiện vào năm 1902. Bên cạnh việc tổ chức hàng tháng, hàng năm, tổ chức bằng hình thức triển lãm thì người Pháp biến thành bảo tàng. Bảo tàng bên cạnh chức năng trưng bày, chức năng sưu tập còn cả chức năng là đào tạo huấn luyện.

Việc đào tạo, huấn luyện khai thác được tối đa nguồn nhân lực nhàn rỗi của người nông dân. Và khi nguồn lực ấy được thiết lập, thị trường trong nước và thị trường quốc tế đã được thúc đẩy. Sau đó nó lại đôi khi trở thành ngành chính, nguồn lực sinh sống chính của một làng và nó đã trở thành các làng nghề. 

Làng nghề được chia làm những làng nghề khác nhau. Làng có nghề trong làng chỉ manh nha, cá nhân, có những người này kia, sửa cày, sửa bừa, đóng cái tủ, cái chạn. 

Nhưng mà khi nó đã trở thành sản xuất ra hàng hóa rồi thì thành nghề và làng nghề. Và khi hình thành những đô thị, đặc biệt là ở Việt Nam như chợ từ xưa, chứ không khi phải người Tây sang thì hàng hoá được đưa lên Đô thị, ở đây là Kinh Đô.

Ở thời điểm đó, người làng không chỉ mang gánh hàng lên mà họ còn cư ngụ tại chỗ, từ đó những phường hội, phường hội là tập trung những người sản xuất cùng một làng khi lên đô thị buôn bán.

Những người này đôi khi còn mang cả bát hương của ông Tổ Nghề, ông Thổ Công làng lên đô thị. Đó là lý do Hà Nội ngày nay có rất nhiều đình làng, nhiều đền thờ như vậy.

Đến thời đại ngày hôm nay, khi mà thế giới đã đạt đến đỉnh cao phát triển rồi, sự hội nhập, giao thông đi lại buôn bán phát triển rất nhiều thì người ta mới nhận ra một điều là bên cạnh công năng của các sản phẩm hàng hóa họ cần thứ cao hơn công năng, đó là những cái giá trị truyền thống. 

Những giá trị mà con người đưa vào trong đó mà máy móc không thể làm được. Và chính những giá trị ấy nó làm cho các làng nghề bắt đầu có được cái chỗ đứng trong đời sống. 

Rất nhiều làng nghề vẫn có chỗ đứng trong đời sống hiện đại.

Rất nhiều làng nghề vẫn có chỗ đứng trong đời sống hiện đại.

3/ Tốc độ công nghiệp hoá hiện đại hoá quá nhanh đồng thời dẫn đến sự mai một của các làng nghề truyền thống? Nhà sử học nghĩ sao về vấn đề này?

Như tôi đã nói bên cạnh công năng của các sản phẩm hóa, ngày nay thị trường cần cái cao hơn công năng tức là những cái giá trị truyền thống. Những giá trị mà con người đưa vào trong đó mà máy móc không thể làm ra được.

Chính vì vậy nếu để các làng nghề cạnh tranh với các sản phẩm mà máy móc có thể làm ra được thì sẽ rất khó và các làng nghề sẽ biến mất.

Ngày nay các làng nghề vẫn còn giới hạn những làng thuần thủ công. Tất nhiên với xu thế hiện đại, giữ được thủ công, truyền thống nhưng đồng thời phải giải quyết vấn đề môi trường, giải quyết vấn đề thị trường và giải quyết vấn đề là đời sống Đô thị hóa ở nông thôn như thế nào thì điều đó là những cái bài toán rất lớn mà hiện nay chúng ta đang đối mặt.

4/ Nhà Sử học có thể chia sẻ biện pháp để phát triển làng nghề truyền thống tại các vùng quê hiện nay?

Theo tôi ở mỗi địa phương, chúng ta cần cố gắng tìm lại những cái giá trị truyền thống còn vị thế trong đời sống hiện đại. Qua đó khích lệ, nâng cấp nó lên và tạo ra được một nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên việc khích lệ này đồng thời phải tạo ra đầu ra cho họ đầu ra cho họ. Nếu chỉ nói tới giá trị thuần túy mà nó không được thị trường hóa, nó không được đánh giá bằng giá cả thì thậm chí nó còn là sự khó khăn chứ không phải điểm mạnh.

Vậy nên nhà nước phải có một kế hoạch phát triển sản phẩm bản địa. Các sản vật địa phương, sản vật thiên nhiên phải nâng cấp lên hàng hoá, có đủ chứng nhận an toàn thực phẩm, đủ nhãn hiệu xuất xứ, địa chỉ để bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời hiện đại.

Thời buổi hiện nay phải chủ động, chủ động học hỏi bài học đi trước, họ chỏi những thất bại để tìm ra những giải pháp.

Nhà nước cũng phải đồng hành, phải nên tạo ra hành lang thuận lợi cho các làng nghề. Nhất là về mặt thương pháp và đồng thời tổ chức đầu ra cho họ bài bản, an toàn. Nếu làm được như vậy tôi chắc chắn rằng các làng nghề nó còn tồn tại bền lâu và nó vẫn mãi mãi còn giá trị trong đời sống.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính