4 cách các trào lưu TikTok ảnh hưởng xấu đến 'túi tiền' của bạn

Bạn có bao giờ lướt xem hàng loạt video ngắn viral trên TikTok đến mức mất cả tiếng đồng hồ quý báu? Nếu có, thì bạn hẳn đã biết sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nền tảng này.

Các trào lưu trên mạng xã hội có thể tác động rất lớn đến chúng ta theo nhiều mặt, từ xu hướng ăn uống tới các đầu sách nên mua, và đặc biệt là vấn đề tiền bạc.

Chuyên gia tài chính và Ethan Keller, chủ tịch Dominion, cho biết: "Các trào lưu TikTok ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu và các quyết định tài chính, vì vậy chúng tác động đáng kể đến tình hình tài chính cá nhân."

TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác thường phô bày những lối sống hào nhoáng và thói quen chi tiêu xa xỉ, khiến người xem dễ nảy sinh mong muốn bắt chước. "Điều này có thể kích thích chi tiêu vào những mặt hàng không cần thiết, thúc đẩy văn hoá chủ nghĩa tiêu dùng và mua sắm bốc đồng", Keller nói thêm.

Vậy cụ thể thì các trào lưu TikTok ảnh hưởng đến tài chính của bạn như thế nào? Cùng lắng nghe các chuyên gia tài chính phân tích.

1. Trào lưu TikTok thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng và các quyết định tài chính sai lầm

tiktok va chu nghia tieu dung

Các trào lưu TikTok ảnh hưởng đáng kể đến hành vi tài chính cá nhân, vì chúng có tính viral và do cách chúng kích thích tâm lý và xã hội.

Dennis Shirshikov, Giám đốc phát triển tại GoSummer, cảnh báo: "Những trào lưu này thường đưa ra các giải pháp quản lý tài chính có vẻ đơn giản và dễ áp dụng, nhưng chúng có thể vừa có lợi vừa có hại, tùy thuộc vào ngữ cảnh và cách thực hiện."

"Ví dụ, trào lưu 'giả giàu' (bougie broke) phô bày những người trông có vẻ giàu sang nhưng thực tế lại đang gặp khó khăn về tài chính."

Những trào lưu này có thể gia tăng chủ nghĩa tiêu dùng và các quyết định tài chính sai lầm, vì mọi người cố gắng duy trì vẻ ngoài giàu có.

Nhà tư vấn tài chính Justin Godur, founder của Capital Max, đã gặp nhiều khách hàng rơi vào cái bẫy "giả giàu". Áp lực duy trì lối sống xa hoa trên mạng xã hội khiến họ chi tiêu quá mức, dẫn tới các khoản nợ chồng chất và làm sai lệch nhận thức về an toàn về tài chính.

2. Trào lưu TikTok quảng bá những điều không thực tiễn hoặc không bền vững

cash stuffing

Chuyên gia phân tích tài chính David L. Blain, CEO của BlueSky Wealth Advisors, đã chứng kiến nhiều trào lưu đến và đi trong suốt sự nghiệp của mình. Theo ông, các mẹo tài chính trên TikTok hiện nay rất đáng lo ngại vì chúng dù có ý tốt nhưng thường quảng bá những điều không thực tiễn hoặc không bền vững.

Ví dụ, trào lưu cash-stuffing (nhồi nhét tiền mặt) là ý tưởng rút toàn bộ tiền mặt khỏi tài khoản ngân hàng và nhồi nhét vào các phong bì để hạn chế chi tiêu.

Ông giải thích, mặc dù phương pháp này có thể hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng nó ngăn tiền sinh lãi và không phải là giải pháp thực tiễn cho dài hạn.

Godur cũng đồng ý rằng phương pháp này nghe có vẻ giống cách lập kế hoạch chi tiêu truyền thống, có thể thúc đẩy tính kỷ luật, nhưng nó thiếu tính linh hoạt và bảo mật của ngân hàng điện tử. Nếu bạn đánh mất tiền mặt hay dự trù chi phí không đủ thì kế hoạch có thể nhanh chóng bị đổ bể, dẫn tới thiếu hụt tài chính bất ngờ.

3. Trào lưu TikTok tạo ra sự chênh lệch giữa mục tiêu tài chính và hành động

Empty

Godur cũng đề cập đến trào lưu "tiết kiệm ồn ào" (loud budgeting), là xu hướng mà mọi người cởi mở thảo luận về tài chính cá nhân thay vì né tránh đề tài tiền bạc.

Tuy nhiên, việc phô trương quá mức có thể khiến mọi người đưa ra các quyết định tài chính dựa trên những gì nhận được nhiều lượt thích và chia sẻ nhất, thay vì những gì thực sự tốt nhất cho tình hình của họ. Godur cho biết: "Điều này có thể tạo ra sự không phù hợp giữa các mục tiêu tài chính và hành động, dẫn tới tăng căng thẳng về tài chính".

Giám đốc Shirshikov cũng nói thêm: "Trào lưu tiết kiệm ồn ào, bao gồm việc công khai chia sẻ quá trình lập kế hoạch chi tiêu và các mục tiêu tài chính trên mạng xã hội, có thể tạo ra trách nhiệm giải trình và sự hỗ trợ từ cộng đồng. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến lo ngại về quyền riêng tư và những so sánh không thực tế".

Godur chia sẻ, điều quan trọng là bạn cần điều chỉnh hành vi tài chính phù hợp với các mục tiêu của bản thân, thay vì chạy theo các trào lưu trên mạng xã hội. Cần nghiêm túc đánh giá các tác động lâu dài của những trào lưu này và áp dụng các chiến lược thực sự nâng cao sức khỏe tài chính.

"Hiểu được những động lực và hậu quả tiềm ẩn của các trào lưu này, chúng ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, hỗ trợ cho một tương lai tài chính lành mạnh hơn".

4. Trào lưu TikTok bình thường hoá các hành vi không phù hợp hoàn cảnh

Empty

Những thảo luận công khai về kế hoạch chi tiêu cũng có thể khiến bình thường hóa một số hành vi tài chính nhất định mà không xem xét đến hoàn cảnh của mỗi cá nhân.

Keller cho biết: "Sự bình thường hóa này có thể làm mọi người áp dụng những thói quen chi tiêu không phù hợp với các mục tiêu tài chính và sự ổn định lâu dài của bản thân". Tác động này phổ biến nhất với những người trẻ tuổi đang hướng tới độc lập về tài chính.

"Mặc dù mạng xã hội có thể cung cấp các lời khuyên và xu hướng về tài chính, nhưng điều quan trọng là bạn phải cân nhắc cẩn thận và thực hành kiến thức tài chính", Keller nói.

Blain cũng đồng ý: "Mặc dù các mẹo tài chính trên mạng xã hội có thể viral, thu hút nhiều sự chú ý, nhưng hầu hết các nhà hoạch định tài chính có bằng cấp chứng nhận sẽ không đề xuất những mẹo này."

Nền tảng của tài chính lành mạnh là chi ít hơn thu, trả hết nợ, tiết kiệm cho các mục tiêu quan trọng và đầu tư lâu dài. Những thứ này có thể không thú vị nhưng lại có hiệu quả.

Blain nói thêm: "Các mẹo vặt tài chính trên TikTok cũng giống như những chế độ ăn kiêng khắc nghiệt: rất hấp dẫn nhưng hiếm khi hiệu quả. Để có kết quả thực sự, hãy tuân theo những nguyên tắc cơ bản".

(Theo Go Banking Rates)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính