Năm nay đánh dấu kỷ niệm 120 năm điện ảnh Trung Quốc và kỷ niệm 130 năm điện ảnh thế giới. Thành tích ấn tượng của “Na Tra 2” mang đến niềm tin mới cho trong ngành công nghiệp điện ảnh nước này.

Người dân Trung Quốc xếp hàng vào rạp xem “Na Tra 2” tại Cám Châu, tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc. (Ảnh: People's Daily Online)
“Na Tra 2” báo hiệu một chương mới của hoạt hình Trung Quốc
Trong thế kỷ trước, hoạt hình Trung Quốc với đại diện là những tác phẩm tiêu biểu của Hãng phim hoạt hình Thượng Hải như: “Đại náo thiên cung 1961”, “Em bé nhân sâm 1961”, “Anh em Hồ lô 1987”,... đã đưa thể loại phim này của Trung Quốc lên sân khấu thế giới vào thời điểm ra mắt.

“Đại náo thiên cung 1961”.
Tuy nhiên, mô hình sáng tạo và sản xuất thời đó đã không theo kịp sự phát triển của điện ảnh hiện đại và gặp khó khăn trong việc đáp ứng kỳ vọng của khán giả, dẫn đến tình trạng trì trệ sau thời kỳ hoàng kim.
Ngày nay, với những cải cách trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, cùng với những tiến bộ về kinh tế và công nghệ, ngành công nghiệp hoạt hình nước này đã có được động lực mới với nguồn nhân tài dồi dào.
Một thế hệ mới gồm những nhà làm phim đầy nhiệt huyết, giàu sáng tạo và các hãng phim đầy tiềm năng được cộng đồng khán giả hoạt hình Trung Quốc và thế giới nồng nhiệt chào đón.
“Na Tra 2” làm nổi bật chiều sâu và sự phong phú của di sản văn hóa Trung Hoa
Bộ phim xoay quanh nhân vật đình đám Na Tra trong thần thoại Trung Quốc. Chủ đề của phim gợi nhớ đến bản phim hoạt hình “Na Tra Náo Hải” kinh điển ra mắt năm 1979. Bên cạnh đó, phim cũng lấy cảm hứng từ thời đại đồ đồng của Trung Quốc, đưa người xem trở về lịch sử với những chi tiết ẩn ý độc đáo.

"Na Tra Náo Hải 1979".
Ví dụ những chi tiết như cặp nhân vật “kết giới thú” được tạo hình giống với mặt nạ được khai quật từ từ Di chỉ Tam Tinh Đôi ở Tứ Xuyên. Chiếc Thiên Nguyên Đỉnh lộng lẫy lấy cảm hứng từ những chiếc vạc đồng của thời nhà Thương và nhà Chu Trung Quốc (năm 1600 - 256 TCN), cùng với chiếc gương đồng có hoạt tiết tinh xảo trên bàn của nhân vật Thạch Cơ Nương Nương,... đều mang hàm ý truyền tải lịch sử.

Cặp kết giới thú trong "Na Tra 2".
Cốt truyện phức tạp, phong cách thiết kế nhân vật pha lẫn giữa cái đẹp và sự quái dị, cùng với sự cân bằng giữa trang nghiêm và hài hước trong lối kể chuyện đều mang dấu ấn của phong cách zaju (tạp kịch - một hình thức kịch của Trung Quốc).

Thạch Cơ Nương Nương trong "Na Tra 2".
Các yếu tố trên giúp làm sống lại những truyền thống thẩm mỹ và di sản văn hoá lâu đời của Trung Quốc, kết hợp đổi mới để thu hút khán giả hiện đại. Đồng thời, “Na Tra 2” cũng phản ánh những ảnh hưởng từ hoạt hình phương Tây và anime Nhật Bản một cách tinh tế
“Na Tra 2” đánh dấu sự xuất hiện của một thế hệ nhà làm phim mới tại Trung Quốc
Thế hệ những người trẻ tuổi hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật Trung Quốc có một thế mạnh đặc biệt chính là sự hiểu biết sâu sắc hơn về xã hội, đúc kết với những kinh nghiệm từ cuộc sống cá nhân, biến chúng thành một hình thức biểu đạt nghệ thuật mới mẻ.
Nhiều khán giả trẻ thấy gần gũi và có sự đồng cảm mạnh mẽ khi xem “Na Tra 2”. Điều này chứng minh dù có mang yếu tố kỳ ảo đến đâu thì một câu chuyện thần thoại cũng phải dựa trên xã hội thực tế để có thể thực sự kết nối với khán giả.
Trong “Na Tra 2”, trận chiến giữa ‘nam chính 3 tuổi’ và loài sóc đất từng gây sốt cộng đồng mạng qua ‘meme’ hét toáng lên hài hước, là sự kết hợp của trào lưu mới với những hiệu ứng lấy cảm hứng từ tranh thủy mặc truyền thống của Trung Quốc.

“Na Tra 2” được thực hiện nhờ sự hợp tác của nhiều studio Trung Quốc. Original Force, một công ty hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất nội dung số, thậm chí đã hoãn các dự án khác để ưu tiên tham gia sản xuất.
Niềm tin rằng ‘đoàn kết là sức mạnh’ đang trở thành sự đồng thuận rộng rãi trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Những nhà sáng tạo, các studio và công ty riêng lẻ đều dần chuyển từ trạng thái ‘độc quyền’ hay ‘outsource (thuê ngoài)’ sang hợp tác, xây dựng hệ sinh thái chia sẻ tài nguyên và phát triển chung.
Quá trình sản xuất và sự thành công của “Na Tra 2” là một câu chuyện đáng học hỏi. Bởi đây là minh chứng cho một đội ngũ gồm những cá nhân tài ba, rộng hơn chính là sức mạnh của tập thể ngành hoạt hình, điện ảnh và công nghệ kỹ xảo của Trung Quốc, đều là những yếu tố đang thúc đẩy sự tiến bộ văn hóa ở nước này.
Ánh DươngBạn đang xem bài viết “Na Tra 2” định hình kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc tại chuyên mục Giải trí của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
