Trẻ em cần học gì để phòng chống đuối nước?

Trong phòng chống đuối nước, việc giám sát trẻ em từ 5-6 tuổi trở lên sẽ khó hơn so với việc giám sát trẻ sơ sinh và mẫu giáo, vì thế người lớn cần chú trọng giáo dục cho trẻ khả năng nhận biết.

Để phòng, chống, tai nạn, thương tích cho trẻ, mỗi nhóm trẻ khác nhau cần được bảo vệ khác nhau. Trong phòng chống đuối nước, việc giám sát trẻ em từ 5- 6 tuổi trở lên sẽ khó hơn so với việc giám sát trẻ sơ sinh và mẫu giáo.

Vì thế người lớn cần chú trọng giáo dục, đào tạo cho trẻ khả năng nhận biết, phát đoán, định lượng nguy hiểm để các em có cách ứng xử thích hợp, đảm bảo an toàn cho mình. Những gì trẻ từ 5 – 6 tuổi trở lên cần biết là những nội dung dưới đây:  

Một Biết Đuối nước - Tại sao?

Hai Biết Đuối nước Nơi Nào xảy ra

Ba, Bốn Biết Nước, Biết Ta

Năm là Biết cách Thở ra, Thở vào

Sáu Biết Lặn / Nổi lên cao

Bẩy Biết Chuyển động thế nào cho xinh

Tám Bơi kiểu Dịch cân kinh

Chín Biết cứu bạn, cứu mình khi nguy

Mười, Nhấn tim, thổi ngạt học đi

Phòng chống đuối nước có gì khó đâu!

Một biết đuối nước tại sao?

Mạng lưới quản lý Nhà nước cần giúp các em và người dân hiểu rõ nguyên nhân của đuối nước.

Đuối nước đơn giản là đuối sức vì ngạt nước. Khi nước hay một chất lỏng nào đó (canh, cháo…) lọt vào khí quản, nó sẽ gây sặc, ngạt thở dẫn tới đuối sức. Ngạt thở lâu thì sẽ tử vong (chết đuối).

Các chuyên gia, cán bộ phòng chống đuối nước đều biết điều này, nhưng số đông người dân lại nghĩ đuối nước là do không biết bơi. Do truyền thông chưa tốt, người dân hiểu sai nên đuối nước cứ xảy ra dài dài. Để không bị đuối nước, chỉ cần không cho nước lọt vào khí quản là ổn. Có nhiều cách làm việc này, biết bơi chỉ là một cách.  

Đuối nước là tai nạn

Thầm lặng nhưng kinh hoàng

Nạn nhân bị sặc nước

Nên khó thể la làng!

Hai biết đuối nước Nơi Nào xảy ra

Khi biết nguyên nhân của đuối nước, dễ dàng nhận thấy, đuối nước có thể xảy ra ở mọi nơi chứ không phải chỉ ở mặt nước hở bên ngoài như ao, ngòi, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá, biển…

Đuối nước đã xảy ra ngay trong khuôn viên sinh sống, ở chum, vại, chậu, bể chứa nước… không được đậy kín; ở bể cá cảnh, vũng nước trong bồn cầu, máy giặt, hố đào trong vườn, hòn non bộ trước nhà…

Cứ nơi nào có nước hở ra thì ở đó có nguy cơ đuối nước đối với trẻ em. Mặt nước hở ra là mặt nước nguy hiểm.

Mặt nước hở nguy hiểm

Em có biết là chi

Là bất cứ mặt nước

Không được phủ cái gì

Mặt nước hở nguy hiểm

Cho trẻ nhỏ mọi nhà

Nước lọt vào khí quản

Đuối nước dễ xảy ra

Ba, bốn biết nước, biết ta

Người xưa dạy, biết mình, biết người trăm trận trăm thắng. Muốn phòng chống đuối nước hiệu quả, cần dạy các em hiểu về nước, biết về mình.

Nhiều người thật sai khi bảo, cứ quẳng trẻ xuống nước luyện tập, học bơi là trẻ sẽ có cảm giác nước. Cảm giác nước kiểu này không giúp trẻ lường trước được những nguy hiểm mà nước có thể gây ra.

Trẻ sẽ không biết ứng xử thế nào khi hụt chân, sa vào dòng nước xoáy, sa vào phễu rút nước, khi bị dòng cuốn ra xa bờ ở nơi tắm biển hay khi bị chuột rút, cảm lạnh bất ngờ...

Khi các em vừa không hiểu về nước, vừa không biết những khả năng và hạn chế của con người (hoạt động của mắt, mũi, tai, tim, phổi, cơ xương khớp...) thì sẽ dễ làm những điều dại dột như: nhảy từ cầu cao xuống nước, tắm ở nơi có dòng xoáy, dòng cuốn; nô đùa ở nơi có hầm hố sâu phía dưới, có cát sụt, có cá dữ, sứa độc; đi bơi khi trời giông bão, nắng to, khi vừa ăn no; nhảy xuống nước cứu bạn khi không biết bơi, không biết cách cứu…

Đuối nước xảy ra nhiều là do số đông chúng ta không hiểu về tính hai mặt (tốt và xấu) của nước, coi thường nước, không biết sử dụng khả năng mà Tạo hóa trao cho để bơi lội và vui chơi an toàn. Hãy cho trẻ học thuộc bài thơ dưới đây, giúp trẻ biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm:

Để phòng đuối nước bạn ơi,

E-Bơi xin dặn mấy lời sau đây:

*****

Chớ lên đò chở quá đầy!

Chớ đi bơi lội giữa ngày bão giông!

Trẻ nhỏ bơi, người lớn trông,

Ao, chuôm rào kín thì không việc gì.

Môi trường sông nước hiểm nguy,

Nơi ấy trẻ nhỏ chớ đi một mình.

Mặt nước bằng phẳng, lặng thinh,

Nhưng bao nguy hiểm đang rình đợi ta.

Hố sâu, đất sụp, bùn sa…

Gặp nơi như thế, sẽ là nguy thôi.

*****

Ăn no đừng tắm bạn ơi,

Dạ dày nó “kiện”, “chuột” thời “rút” gân.

Tập bơi nên chọn chỗ gần,

Nước nông, quen thuộc, khi cần kêu to.

“Qua sông thì phải luỵ đò”,

Áo phao nên mặc để cho an toàn.

Thi bơi, nhảy cắm, đùa càn,

Nơi nước sâu, xiết xin ngàn lần không.

*****

Gặp người bị nạn nơi sông,

Nếu không bơi giỏi thì không nên liều.

Nhanh chân, nhanh miệng ta kêu,

Gọi người đến cứu là điều khôn ngoan.

Vui chơi nhưng phải an toàn,

Không nhảy xuống nước khi người mồ hôi.

*****

Để phòng đuối nước bạn ơi,

E-Bơi xin dặn mấy lời như trên.

Năm là biết cách thở ra, thở vào

Ở trên cạn, lúc bình thường, ta thở ra thở vào bằng mũi, nhưng khi rơi vào nước, môi trường sống thay đổi thì cách thở cũng phải thay đổi để thích ứng.

Quy tắc đơn giản là, trên mặt nước há miệng thở vào (hoặc thở ra), dưới mặt nước thở ra bằng mũi (hoặc nín thở). Dưới nước chỉ có thể thở ra hoặc nín thở chứ không thể thở vào vì sẽ bị sặc. Cách thở này cần luyện tập nhiều lần thành kỹ năng để khi lâm sự không bị cuống.

Lúc đầu, có thể tập thở "chay" không có nước rồi với nước trong cái cốc, bát ăn cơm, chậu nhỏ, tiến tới tập thở với nước ở chậu lớn hơn, rồi ngụp đầu, lặn thụt dầu trong thùng phuy (200 – 250 lít nước), trong bể bơi mini…

Trẻ tiểu học có thể từ từ tập thở và tạo cảm giác nước như vậy. Kiểm soát được hơi thở trong môi trường nước là đã có cơ hội thoát đuối nước 70%. Chú ý, trẻ chỉ được tập thở trong nước với sự giám sát của người lớn.

Trẻ em cần học gì để phòng chống đuối nước? 0

Sáu biết lặn/nổi lên cao

Sau khi làm chủ được cách thở, tiếp tới trẻ sẽ học lặn thụt dầu và thả nổi.

Lặn thụt dầu không phải là cách mà những người biết bơi làm để di chuyển dưới mặt nước từ nơi này tới nơi khác mà chỉ là đứng thẳng người rồi chùng gối thụt sâu đầu xuống nước trong khi chân vẫn bám đáy bể.

Lặn thụt dầu giúp vượt qua nỗi sợ nước, sợ độ sâu. Tốc độ thụt xuống, đứng lên, lúc đầu nhanh sau chậm dần để trẻ cảm nhận được sức đẩy nổi của nước và rằng nước là môi trường lỏng, lùng bùng như cao su. Do lực đẩy nổi của nước và sức hút Trái đất, khi ta muốn vươn lên thì nước kéo ta xuống, khi ta muốn lặn xuống thì nước đẩy ta lên.

Đấy là lý do, tại sao người bị đuối nước cứ vùng vẫy nhấp nhô lên xuống xung quanh mặt nước cho tới khi uống no nước, chìm xuống. Nếu biết thở, biết lợi dụng lực đẩy nổi của nước thì đuối nước đã không xảy ra.

Trẻ có thể tập Lặn/Nổi ở đâu? Ở phuy nước (200 – 250 lít), ở bể bơi mini bằng plastic, ở bể bơi công cộng, ở ao hồ... Chú ý, trẻ chỉ được tập thở, lặn, nổi trong nước với sự giám sát của người lớn.

   Học sinh Vân Hà, Bắc Giang tập thở và lặn thụt dầu với phuy nước

 Học sinh Vân Hà, Bắc Giang tập thở và lặn thụt dầu với phuy nước

Những bài tập lặn thụt dầu, thả nổi kiểu trứng, thả nổi sấp... giúp giúp trẻ biết nước, có cảm giác nước tốt hơn và hình thành kỹ năng bơi lội sau này. Chú ý, trẻ chỉ được lặn / nổi kiểu này với sự giám sát của người lớn.

Bẩy biết chuyển động thế nào cho “xinh”

Bơi lội là miếng ghép của 3 kỹ năng Thở, Lặn/Nổi và Chuyển động. Chuyển động khác nhau tạo ra các kiểu bơi khác nhau.

Trẻ sơ sinh bơi kiểu bản năng với sự trợ giúp của người lớn; Trẻ mẫu giáo chỉ có thể bơi chó, lúc chìm đầu dưới nước, lúc lật nổi, nằm trên lưng để thở, hoặc trồi lên hụp xuống (bơi tự cứu); trẻ tiểu học của Việt Nam hay bơi chó, hai tay, hai chân khua khoắng liên tục để giữ đầu luôn nhô khỏi mặt nước. Từ lứa tuổi này trở đi, các em có thể bắt đầu học các kiểu bơi của người lớn như bơi ếch, sải, bướm, ngửa, lặn, rồi đứng nước,...

Bơi lội là hoạt động có chu kỳ. Biết chuyển động hợp lý trong môi trường nước, bơi sẽ ít mất sức, bơi được lâu hơn, xa hơn, nhanh hơn. Muốn bơi đẹp (xinh), cần biết 5 Đúng trong chuyển động bơi lội:  

  • Đúng hình dáng (hình dáng đường quạt tay, đạp chân, thân hình...) ,
  • Đúng thời điểm (lúc nào chân, lúc nào tay,...) ,
  • Đúng cường độ (lúc nào Cương, lúc nào Nhu...),
  • Đúng điểm đến của lực (lực tại ra được truyền dẫn tới bộ phận nào của cơ thể), và
  • Đúng nhịp sinh học (bơi thi đấu khác bơi thư giãn, bơi đường trường, bơi sinh tồn, bơi thoát đuối...).

Trong phòng chống đuối nước thì chỉ cần không quạt đạp hoảng loạn để bị mất sức là được. Bơi đơn giản sẽ giống như bò trên cạn (bơi chó) hoặc trồi lên hụp xuống và tiến tới theo kiểu Bơi tự cứu dịch cân kinh được đề cập dưới đây để thoát hiểm.

Tám (biết) bơi kiểu Dịch cân kinh

“Bơi tự cứu Dịch cân kinh”

Chỉ là giữ thẳng thân mình vẩy tay

Tập như thể dục hàng ngày

Khi rơi xuống nước bơi ngay sợ gì".

Đây là kiểu bơi trồi lên hụp xuống, lặn nổi, tiến tới theo kiểu thụt dầu, nhờ hai tay vung vẩy trong môi trường nước, y như cách tập Dịch cân kinh của các cụ ông cụ bà trên cạn, vì thế, nó được đặt tên là Bơi tự cứu Dịch cân kinh.

Kiểu bơi kiểu này dễ học, ít tốn kém, giúp thoát hiểm rất tốt trong nhiều trường tai nạn sông nước, rất dễ phổ biến trên diện rộng.

Diện tích mặt nước để tập kiểu bơi này, tính cho một đầu người không lớn, chỉ khoảng 1m – 2m2 có độ sâu 1m – 1,3m là đủ để tập. Chú ý, trẻ chỉ được học bơi kiểu này với sự giám sát của người lớn. Sau khi biết Bơi tự cứu Dịch cân kinh rồi, việc học bơi ếch sẽ rất dễ.    

Chín biết cứu bạn, cứu mình khi nguy

Trẻ cần biết rằng nhảy xuống nước cứu người bị đuối nước là việc vô cùng nguy hiểm. Chỉ sai một li thôi là bản thân người cứu cũng dễ bị thiệt mạng.

Cứu người là việc nên làm, nhưng trẻ nhỏ chỉ nên học các cách cứu người mà không phải nhảy xuống nước. Trẻ cũng cần học cách thoát khỏi tình thế hiểm nghèo như: Chuột rút, sụp hố, thụt chân, rơi vào dòng cuốn, dòng xoáy, bị dòng nước cuốn ra xa bờ khi tắm biển,...

Những kiến thức cứu người, thoát hiểm nói trên thật không dễ thực hiện, dù gì trẻ cần học để biết sự nguy hiểm của môi trường nước. Với trẻ, tốt nhất là đừng để bị cuốn vào những tình huống nguy hiểm như thế.

  Quăng dây cứu đuối

Quăng dây cứu đuối

Mười, nhấn tim, thổi ngạt học đi, phòng chống đuối nước có gì khó đâu  

Hà hơi thổi ngạt và nhấn tim ngoài lồng ngực» là kỹ năng sơ cấp cứu mà ai cũng nên học vì nó còn cần cho nhiều trường hợp tai nạn, sự cố khác.

  Học sinh Việt Yên, Bắc Giang tập Sơ cấp cứu người đuối nước

Học sinh Việt Yên, Bắc Giang tập Sơ cấp cứu người đuối nước

Trẻ sẽ học những kiến thức nói trên ở đâu?

Câu trả lời thay cho lời kết: Học ngay ở trường, trong giờ thể chất là tốt nhất. Nếu trường chưa thể dạy thì bố mẹ phải tự tìm, tự học những kiến thức này trên Internet để dạy con mình. Những kiến thức này rất đơn giản, hơn nữa có ai bảo vệ con mình tốt hơn mình đâu các bố mẹ nhỉ.

  Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. 'Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước' là mục tiêu của E-Bơi.

Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. "Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước" là mục tiêu của E-Bơi.

TS Phạm Anh Tuấn

Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính