Giật mình vì 'kỷ lục' đuối nước ở Việt Nam và những nguyên nhân không ngờ

Việt Nam cũng là quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao hơn các nước khác trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Vì sao lại như vậy?

  Ông Phạm Anh Tuấn, hướng dẫn cho các thành viên của E-bơi

Ông Phạm Anh Tuấn, hướng dẫn cho các thành viên của E-bơi

Tử vong vì đuối nước chỉ sau tai nạn giao thông 

Theo Viện Chiến lược Chính sách Y tế - Bộ Y tế tai nạn đuối nước ở Việt Nam khá nghiêm trọng. Đuối nước gây tử vong cho trẻ em chỉ sau tai nạn giao thông.

Việt Nam cũng là quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước đứng hàng đầu thế giới, cao hơn các nước khác trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Thống kê hàng năm có khoảng vài ba ngàn trẻ nhỏ bị thiệt mạng vì đuối nước. 

TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi”, được Công ty TNHH Tư vấn và Truyền thông Văn hóa – Giáo dục – Môi trường Pi (Pi C&E) triển khai từ đầu năm 2006 đã có những nghiên cứu về nguyên nhân tình trạng trên. 

Theo ông Tuấn, đa số dân tình chỉ nghĩ tới học bơi để phòng đuối nước mà bỏ qua các biện pháp khác. Trong khi đó các chuyên gia phòng chống đuối nước đã chỉ ra có tới 4 nguyên nhân: sự bất cẩn của người lớn; môi trường xung quanh chưa an toàn; trẻ chưa biết bơi; trẻ thiếu kiến thức về phòng chống đuối nước…

Việc số đông hiểu sai về nguyên nhân đuối nước có thể đã hạn chế khả năng phòng chống đuối nước cho trẻ.

Thực tế chứng minh, đã có nhiều người bơi giỏi nhưng chủ quan vẫn bị chết đuối và lại có nhiều trẻ nhỏ bị đuối nước ở những chỗ rất nông không bơi được như xô, chậu, chum, vại, bể cá cảnh, máy giặt, vũng nước trong bồn cầu.

4 nguyên nhân phổ biến gây đuối nước 

Theo Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam (Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội), có 4 nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn đuối nước cho trẻ em:

Giật mình vì 'kỷ lục' đuối nước ở Việt Nam và những nguyên nhân không ngờ 1

Tuy nhiên, việc mạng lưới giải quyết vấn đề theo kiểu dàn trải hay chọn mục tiêu trọng tâm nào là việc đáng bàn. Ông Phạm Anh Tuấn phân tích các nguyên nhân: 

Sự sao nhãng bất cẩn, vô ý của người lớn:

Để giảm tác động của nguyên nhân này, việc mạng lưới đã và đang làm là nâng cao nhận thức của người dân thông qua tuyên truyền bằng báo chí, ti vi, mạng xã hội; tổ chức các sự kiện với băng rôn, biểu ngữ…; các lớp tập huấn tại trung ương và địa phương.

Hạn chế của cách này là cần có kinh phí và khó định lượng vì không biết nhận thức của người dân được nâng cao tới đâu. Nhân vật lực có thể tiêu tốn nhiều ở đây mà không đánh giá được kết quả vì nó là... Hên - Xui!       

Môi trường sống xung quanh trẻ em không an toàn:

Với một đất nước có bờ biển dài hơn 3000 km và mạng lưới sông ngòi ao hồ phủ chằng chịt ở 63 tỉnh thành phố thì việc làm cho môi trường sống của trẻ trở nên an toàn hơn là việc quá khó.

Một cái hố khô đào ở đường, ở nương rẫy hôm nay có thể trở thành hố nước gây đuối nước cho trẻ sau cơn mưa ban đêm. Tai nạn xảy ra mà không có ai phải chịu trách nhiệm quản lý trước pháp luật.

Giật mình vì 'kỷ lục' đuối nước ở Việt Nam và những nguyên nhân không ngờ 2
Có nhiều người bơi giỏi nhưng chủ quan vẫn bị chết đuối và lại có nhiều trẻ nhỏ bị đuối nước ở những chỗ rất nông không bơi được như xô, chậu, chum, vại, bể cá cảnh, máy giặt, vũng nước trong bồn cầu...
 

Làm thế nào để môi trường sống xung quanh trẻ an toàn hơn là vấn đề nan giải. Khó xác định được là cần tiêu bao nhiêu nhân vật lực vào đây và kết quả đi kèm.

Kết quả ở đây cũng là Hên - Xui! Hiện có các biện pháp là cắm biển cảnh báo, kêu gọi rào chắn nơi trông giữ trẻ nhỏ…

Do trẻ không biết bơi:

Hiện những gì mạng lưới quản lý đang làm có vẻ là tập trung vào việc xóa mù bơi cho trẻ để phòng chống đuối nước. Dạy cho trẻ biết bơi là việc có thể định lượng, là một thành tích có số liệu. Sau một mùa hè, một năm có thể biết là đã tổ chức bao lớp học bơi, có bao em đã biết bơi...

Tuy nhiên, việc dạy trẻ bơi khó khả thi trên toàn quốc vì những gì thì ai cũng đều biết cả. Chính vì thế mà mạng lưới quản lý Nhà nước đã bao năm muốn đưa bơi lội vào phổ cập trong trường học mà không thành.

Các khảo sát sơ bộ của E-Bơi cho thấy, hiện khoảng hơn 80% trẻ em Việt Nam không biết bơi. Ngoài ra, như đã nói ở bài trước, biết bơi chưa đảm bảo an toàn. Đuối nước là đuối sức vì ngạt thở chứ không phải do không biết bơi.

Trẻ thiếu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước

Có vẻ như trẻ chỉ được học các kiến thức, kỹ năng này đi kèm với các khóa học bơi do mạng lưới tổ chức vào mùa hè. Số trẻ được học bơi đã ít thì số trẻ có kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước không thể nhiều.

  Cách tập thở của E- bơi, tập thở trên cạn

Cách tập thở của E- bơi, tập thở trên cạn

Trong năm học, trẻ mẫu giáo, tiểu học không được học những kiến thức, kỹ năng này. Nếu trong trường trẻ được học bài bản về phòng chống đuối nước để có thể nhận diện nguy hiểm, biết cách ứng xử trước tai nạn sông nước thì tình hình chắc chắn sẽ khác.

Với hệ thống giáo dục sẵn có, việc giảng dạy về phòng chống đuối nước cho trẻ là hoàn toàn định lượng và khả thi. Tiếc là mạng lưới quản lý nhà nước đã coi nhẹ cách tiếp cận này.  

Những câu hỏi phổ biến về bơi 

-“Trẻ nên học kiểu bơi gì nếu học bơi là việc bắt buộc và mấy tuổi thì trẻ có thể học bơi?”

– Số đông cho rằng trẻ sẽ học hoặc bơi ếch hoặc bơi sải, bơi tiến vào bờ chứ “đứng nước” hay trồi lên hụp xuống thì không phải là bơi và chỉ trẻ 5 hoặc 6 tuổi mới đủ thể trí để học bơi ếch và sải, bé hơn thì không đủ sức và chưa biết nghe lời…

-“Trẻ đủ tuổi thì có thể học bơi ở đâu?”

– Dễ hiểu là ở bể bơi hay ở ao hồ, sông, suối…

- “Những ai có thể dạy trẻ bơi?”

– Tốt nhất là giáo viên dạy bơi thì mới đúng kỹ thuật. Những người biết bơi cũng có thể dạy được nhưng không tốt bằng giáo viên, còn bố mẹ không biết bơi, không biết dạy thì chịu. Giá như bơi lội được đưa vào phổ cập trong trường học thì tốt quá…;

-“Tại sao con anh/chị chưa biết bơi?”

– Thứ nhất bơi không phải là thứ dễ học rồi bận lắm, không đủ thời gian; Trẻ cũng phải học đủ thứ, nào học ở trường, ở nhà rồi học thêm ngoại ngữ, võ, nhạc, vẽ…;

Hơn nữa, kinh tế eo hẹp, không thể mua vé vào bể, trả công cho giáo viên; môi trường học bơi cũng chưa đảm bảo vệ sinh; trẻ con rất sợ nước; ở vùng sâu xa ăn chưa đủ thì học bơi làm sao...

-“Do đâu mà trẻ bị đuối nước?”

-Câu trả lời đúng lẽ ra phải là do trẻ bị nước hay một chất lỏng nào đó lọt vào khí quản làm sặc, ngạt thở. Ngạt thở lâu thì phổi thiếu oxy, não sẽ tê liệt, rồi tim ngừng đập… Nói ngắn gọn, “đuối nước là đuối sức vì ngạt nước” chứ không phải vì không biết bơi.

Nếu nạn nhân đuối nước không được cứu kịp thời thì sẽ tử vong, lúc này gọi là “chết đuối”. Có nhiều nạn nhân được cứu, nhưng có thể mắc nhiều di chứng ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.

Phạm Anh Tuấn, E-bơi


Nhiều cơ quan chịu trách nhiệm, trẻ em vẫn đuối nước như thường

Trong hơn chục năm làm các dự án về phòng chống đuối nước cho trẻ nhỏ, E-Bơi đã có dịp tiếp xúc, làm việc với các chuyên gia, công chức viên chức của bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh này. 

Theo TS Phạm Anh Tuấn, về lý thuyết rõ ràng là không có cá nhân hay tổ chức nào có thể chính danh và làm tốt việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước nói riêng bằng một mạng lưới quản lý Nhà nước rộng khắp từ trung ương tới địa phương có sự tham gia, phối hợp của nhiều bộ ngành, hội đoàn, tổ chức… lại được hỗ trợ của tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF… và các quỹ từ thiện nước ngoài.

Ở trung ương, mạng lưới bao gồm Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội, Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội, Bộ GD-ĐT, Bộ VHTTDL, Đoàn TNCSHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ…; ở địa phương mạng lưới có thể bao gồm HĐND các cấp, các sở ban ngành , phòng… trực thuộc tỉnh huyện xã…

  Ông Phạm Anh Tuấn dạy bơi cho các thành viên của E-bơi

Ông Phạm Anh Tuấn dạy bơi cho các thành viên của E-bơi

Mạng lưới này cũng là nơi tập hợp các chuyên gia, các cán bộ tinh hoa nhất, có kinh nghiệm nhất của đất nước trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và phòng chống đuối nước nói riêng.

Mặc dù mạng lưới nói trên đã cố gắng trong nhiều năm qua, nhưng có lẽ chưa thật hiệu quả vì số trẻ em bị đuối nước hàng năm vẫn rất cao.      

"Nhược điểm cố hữu của mạng lưới to lớn này chính là việc quan liêu, trì trệ, dập khuôn. Khó có một trường học công nào có thể tự ý dạy / thử nghiệm dạy trẻ một cách phòng chống đuối nước khác với cách đã biết, nếu các cấp quản lý cấp trên như Phòng, Sở, Bộ Giáo Dục… không giao nhiệm vụ và kinh phí liên quan", ông Phạm Anh Tuấn nhận xét. 

Cũng vì do có quá nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia, phối hợp bảo vệ và chăm sóc trẻ em nên chả có tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính khi trẻ em bị xâm hại tình dục, bị đuối nước, bị bạo hành,…

  Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. 'Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước' là mục tiêu của E-Bơi.

Năm 2017, cuốn Bơi tự cứu Dịch cân kinh của E-Bơi được Cty Sputnik phối hợp với Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách giúp người đọc vừa tự học thêm một kiểu bơi sinh tồn rất hữu ích trong phòng chống đuối nước vừa biết thêm một cách vượt qua trở ngại cho mục tiêu của mình. "Để Việt Nam không còn trẻ bị đuối nước" là mục tiêu của E-Bơi.

Tuấn Anh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính