Theo Hiệp hội Quản lý Nhân sự Mỹ, những nhân viên độc hại có thể khiến văn phòng trở nên ngột ngạt và khó chịu, cản trở năng suất và tinh thần làm việc, thậm chí khiến nhân viên khác nghỉ việc. Họ có thể gây rối, giả tạo hoặc đơn giản là khó hòa đồng.
Dù người ngoài có thể thấy rõ người độc hại, nhưng đôi khi có thể chính bạn lại không biết liệu mình có đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người xung quanh hay không.
Vì vậy, nếu bạn muốn nhận biết những nhân viên độc hại xung quanh mình, hoặc muốn tránh trở thành một nhân viên độc hại, hãy chú ý đến 3 dấu hiệu cảnh báo sau.
1. Nhân viên tự phụ
Tom Gimbel, CEO của công ty tuyển dụng nhân sự LaSalle Network, khuyên bạn đừng bao giờ hành động như thể mình "cao cấp" hơn đồng nghiệp hay mình sắp được thăng chức hoặc tăng lương.
Theo ông, những người hay nói 'Tôi chỉ làm đúng nhiệm vụ trong mô tả công việc (JD) của mình thôi, tôi sẽ không cố thêm, tôi sẽ không cống hiến nhiều hơn' nhưng lại mong đợi được khen thưởng không phải là kiểu nhân viên mà các sếp mong muốn.
Những người này có thể bất ngờ khi thấy đồng nghiệp vào làm sau được thăng chức trước, nhưng thời gian chỉ là một yếu tố. Việc thăng chức thường phụ thuộc nhiều hơn vào chất lượng công việc, các mối quan hệ trong doanh nghiệp, thành tích và đóng góp cho sự phát triển của công ty, Gimbel nói..
CEO này khuyên rằng, nếu bạn thấy đồng nghiệp của mình "làm nhiều việc" hơn bạn, hãy tìm một dự bạn thích hoặc những cách sáng tạo để cống hiến cho công việc nhằm duy trì tính cạnh tranh.
2. Nhân viên hay đổ lỗi
Talia Fox, CEO của công ty tư vấn điều hành KUSI Global, cho biết, ai cũng có thể mắc sai lầm, song đổ lỗi là dấu hiệu của người độc hại.
"Chịu trách nhiệm về những sai lầm của mình và có tinh thần chính trực là điều điều cực kỳ quan trọng", Fox nhận định.
Fox kể rằng cô từng giao một nhiệm vụ cho một cấp dưới và đã truyền đạt rõ ràng mong muốn của mình. Khi người này nộp lại kết quả công việc thì có một lỗi khá lớn, và người đó đã đổ lỗi cho Fox là hướng dẫn không rõ ràng.
"Chúng tôi đã trò chuyện về tác động của hành vi thao túng tinh thần đó với tôi", Fox nói. Sau đó, cấp dưới kia đã thừa nhận hành vi của mình.
Đổ lỗi và thao túng tinh thần là hành vi rất xấu. Thay vì đùn đẩy sai lầm của mình, hãy nhận lỗi và sửa chữa.
3. Nhân viên ba phải
Tỷ phú, ông trùm Shark Tank Mark Cuban cho biết một nhân viên luôn nói "vâng" với mọi lời của sếp, ngay cả khi không đồng ý, là dấu hiệu độc hại.
Thay vào đó, vị tỷ phú này muốn tìm kiếm những người không ngại lên tiếng khi bất đồng với mình.
Theo ông, việc kìm nén quan điểm, ý kiến của bản thân sẽ khiến bạn có vẻ thiếu chân thành và không đáng tin cậy. Nếu sếp bạn giống tỷ phú Cuban, họ sẽ tôn trọng bạn hơn vì đã lên tiếng về ý tưởng của mình, với các bằng chứng và nghiên cứu để làm cơ sở nếu cần.
Tỷ phú Cuban cho biết: "Tôi không cần người ba phải với tôi. Tôi cần những người dám thách thức lẽ phải thông thường và thách thức tôi, và khi họ nghĩ tôi sai, họ sẽ nói: 'Tôi nghĩ anh sai ở đây, bởi vì...'"
(Theo CNBC)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 3 kiểu nhân viên độc hại không sếp nào muốn có tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].