Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Làm giàu từ nông nghiệp là con đường hiện hữu

Anh Thịnh
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long khẳng định, làm giàu từ nông nghiệp là con đường hiện hữu nhưng chưa bao giờ là dễ đi, bởi thành công còn phụ thuộc vào đam mê, quyết tâm và năng lực của người đầu tư.

Bên cạnh những lĩnh vực khoa học hay công nghệ, khởi nghiệp từ nông nghiệp và phát triển làng nghề ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Không chỉ dừng lại ở mô hình sản xuất truyền thống, nhiều người đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức kinh doanh để nâng cao giá trị sản phẩm. 

Tuy nhiên, con đường làm giàu từ nông nghiệp hay làng nghề chưa bao giờ là dễ dàng. Thành công trong lĩnh vực này không chỉ phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm mà còn đòi hỏi một chuỗi liên kết vận hành nhịp nhàng, từ sản xuất, chế biến đến phân phối và tiêu thụ.

Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long đã có những chia sẻ quý báu về những yếu tố nào quyết định sự bền vững của mô hình khởi nghiệp này.

Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long.

Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long.

PV: Thưa Giáo sư, ngày nay có thể thực sự làm giàu từ nông nghiệp và làng nghề không? Hay đó chỉ là câu chuyện hiếm hoi?

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Làm giàu từ nông nghiệp và làng nghề là điều hiện hữu. Ví dụ sản phẩm OCOP 5 sao của Hà Nội có tới 6 sản phẩm làng nghề: Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Xã Bát tràng, Gia Lâm, Hà Nội), với Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen; Hợp tác xã gốm Tân Thịnh với Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc; Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức-Chăn tơ tằm tự dệt. Ngoài ra còn vô số làng nghề khác như Làng nghề Lụa Hà Đông Vạn Phúc, Cốm làng Vòng, Bánh cuốn Thanh Trì, nón làng Chuông...

Tuy nhiên, muốn nâng tỷ trọng của sản phẩm làng nghề cần có tư duy đổi mới, kết hợp sản phẩm đặc sản với công nghiệp văn hóa (Du lịch sinh thái, du lịch đồng quê), duy trì sản phẩm truyền thống kết hợp với các công nghệ hiện đại hoặc cải tiến sản phẩm truyền thống phù hợp với đa dạng khách hàng trong khu vực và quốc tế với tư duy kinh tế văn hóa. 

Sản phẩm làng nghề OCOP là chương trình có ý nghĩa nhằm phát triển kinh tế nông thôn “Made in Việt Nam”.

PV: Làm giàu từ nông nghiệp hiện nay đã có nhiều thành công, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Theo Giáo sư, yếu tố cốt lõi nào quyết định sự thành công của một mô hình nông nghiệp hiện đại? Điều gì đang gây khó khăn cho việc xây dựng và phát triển mô hình đó?

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của một mô hình nông nghiệp hiện đại là con người. Phải có sự đam mê, lòng tin và phải trau dồi kiến thức mới, đồng thời phát huy kiến thức truyền thống với công nghệ hiện đại.

Điều đang gây khó khăn cho việc xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại là chạy theo phong trào, thấy ai trồng gì, nuôi gì đang có lãi tạm thời thì làm theo mà không dựa vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, trình độ cá nhân, cơ sở vật chất và khả năng tài chính của bản thân, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm của mô hình. 

Mô hình chỉ là thực nghiệm trên quy mô nhỏ, trong khi để xây dựng thương hiệu của sản phẩm cần hiểu rõ quy mô hàng hóa nếu ở mức công nghiệp thì có phát triển bền vững hay không?

PV: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, làm thế nào để phát triển nông nghiệp bền vững mà vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân?

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... cần phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa gắn với bảo vệ và thân thiện với môi trường. 

Trong sản xuất nông nghiệp, có ba công đoạn chính: Công nghệ trước thu hoạch (sản xuất); Công nghệ sau thu hoạch (bảo quản, chế biến) và thương mại sản phẩm. 

Khâu cốt lõi là sản xuất: phụ thuộc vào yếu tố giống cây trồng hoặc giống vật nuôi, quy trình nuôi, trồng, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến.

Ví dụ muốn vừa phát triển kinh tế nông nghiệp vừa bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH, cần tạo ra các giống cây trồng chịu hạn, chịu phèn, chịu mặn, chống chịu với các sâu bệnh hại chính, đông thời giảm lượng nước tưới, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm thuốc thú y... như vậy giảm chi phí đầu vào sẽ tăng thu nhập.

Hoặc sản xuất thuận thiên, tức là lúc nước mặn thì nuôi tôm, lúc nước ngọt thì trồng lúa như mô hình lúa-tôm ở Sóc Trăng với giống lúa cho gạo ngon nhất giới ST25 của Kỹ sư Hồ Quang Cua.

PV: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là xu hướng hiện nay, Giáo sư đánh giá như nào về sự chuyển đổi này trong nông nghiệp Việt Nam?

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở việt Nam là xu hướng tất yếu phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay.

Thực tế, có một số mô hình thành công như trồng dưa lưới, hoa phong lan, nuôi nấm ăn và nấm dược liệu, nuôi tôm, cá tra, chăn nuôi trên nền sinh học... song tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trong toàn ngành còn thấp, tốc độ phát triển chậm so với nhu cầu thị trường, nếu không có một cuộc cách mạng để thực hiện ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nông nghiệp Việt Nam sẽ tụt hậu.

PV: Có mô hình nào kết hợp giữa nông nghiệp truyền thống và công nghệ mới mà giáo sư đánh giá cao không?

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Có thể kể đến mô hình trồng nấm công nghệ cao của chị Dương Thị Thu Huệ ở xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Chị Huệ thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao với mục tiêu tăng cường hợp tác sản xuất với các doanh nghiêp có uy tín, liên kết với một số doanh nghiệp Nhật Bản, nhập dây chuyền và tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến nấm kim châm và một số loại nấm khác của Nhật Bản. 

Để vận hành được dây chuyền, công ty đã cử kỹ sư đi đào tạo tại Nhật Bản, phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực vi sinh tại Viện Di truyền (Bộ NN&PTNT), Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Hiroshima (Nhật Bản)…

Cùng sự giúp đỡ của nhiều sở, ngành, nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản đầu tiên tại Hà Nội với quy mô 3ha, công suất 500kg/ngày chính thức đi vào hoạt động, đạt sản lượng từ 1,5 tấn - 3 tấn/ngày. Sản phẩm nấm sạch cũng dễ dàng tiêu thụ, nhất là khi nhu cầu nấm ăn tăng cao trong những tháng mùa Đông. 

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của VINASEED.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của VINASEED.

Một thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mà mô hình trồng dưa lưới sử dụng công nghệ cảm biến về nhiệt độ, độ ẩm không khí, nhu cầu phân bón, chống chịu sâu bệnh hại, tưới nhỏ giọt... của Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (VINASEED) tại Lý Nhân, Hà Nam. Mô hình mang về doanh thu hàng tỷ đồng trên 1.000 m2 nhà màn. 

PV: Làm giàu trên đất quê hương là một khát vọng của nhiều người. Theo ông, điều gì là cản trở lớn nhất khiến nhiều người dân quê không thể thực hiện được ước mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình?

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Tính bảo thủ, tự ti, không tin vào chính mình, chậm đổi mới và sáng tạo. Cần có sự đam mê và hy vọng vào chính bản thân mình. 

Muốn thực hiện được ước mơ đổi đời, làm giàu trước hết cần biết đứng lên vai người khổng lồ, học hỏi những kinh nghiệm của cha ông, tiếp thu các kiến thức mới trong nước và quốc tế; tìm đến các nhà khoa học, các giống cây trồng, giống vật nuôi mới, các quy trình canh tác, nuôi trồng công nghệ cao. 

Đặc biệt là phải có tư duy quản trị nông nghiệp, vì sản phẩm có giá trị chỉ khi trên cơ sở sản xuất theo chuỗi giá trị. Tức là không chỉ quan trọng sản xuất sản phẩm thô, mà nhất thiết phải chú trọng khâu chế biến và tiếp xúc thương mại, thông qua các hợp tác xã hoặc các công ty. Nếu sản xuất theo hộ cá thể, không thể làm giàu được.

Nghề làm hương xạ thôn Cao ở Hưng Yên đã được lưu truyền hàng trăm năm và ngày càng mở rộng phát triển.

Nghề làm hương xạ thôn Cao ở Hưng Yên đã được lưu truyền hàng trăm năm và ngày càng mở rộng phát triển.

PV: Nếu một người trẻ rời xa thành phố và về khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, giáo sư sẽ đưa ra lời khuyên gì cho họ?

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Cần có tính kiên trì, nhẫn nại, vì đầu tư cho nông nghiệp không thể giàu ngay được. Cần lượng sức, xem bản thân có đam mê với nghề nông không? 

Cần nắm chắc 3 nhân tố cốt lõi: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Trước hết phải căn cứ vào điều kiện thiên nhiên của địa phương: Khí hậu thời tiết, điều kiện đất đai, nguồn nước, các giống cây trồng và vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao, khả năng thích ứng với các giống mới của khu vực và thế giới, nhất thiết phải có tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ và phát triển bền vững. 

Sản xuất gắn với chế biến sâu, tạo sản phẩm cuối cùng, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế. 

Chỉ có thể sản xuất hàng hóa và gắn với bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, an toàn thực phẩm mới phát triển nông nghiệp bền vững.

PV: Trong thời đại hội nhập và cách mạng công nghệ hiện nay, chúng ta cần làm gì để làng nghề truyền thống đứng vững, không làm mất đi bản sắc, giá trị văn hóa? 

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long: Để làng nghề truyền thống đứng vững, không làm mất bản sắc, giá trị văn hóa cần có sự kết hợp giữa thủ công và công nghệ cao. Thủ công trong việc tạo hình các họa tiết, làm nên tính độc đáo và tính thẩm mỹ cao. Trong mỗi sản phẩm , các nghệ nhân đều khéo léo chuyển tải nét văn hóa của người Việt, như hình tượng hoa sen, rồng, phượng, chim én... các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường như chăn tự nhiên do tằm dệt nên. 

Để các sản phẩm đạt đến sự hoàn mỹ, công ty sử dụng máy móc thiết bị và công nghệ  hiện đại để đánh giá và kiểm soát chất lượng hoàn hảo. Sản phẩm làng nghề cần gắn với văn hóa, du lịch và rất cần sự lan tỏa sản phẩm trên thế giới, đây cũng là tiêu chí quan trọng của sản phẩm làng nghề OCOP 5 sao

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính