Nhiều “Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” được thành lập
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã có nhiều hoạt động thực hiện bình đẳng giới và phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em như: tuyên truyền kiến thức phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình cho cán bộ, hội viên phụ nữ; tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình; trang bị kỹ năng xử lý tình huống, nhận diện những hành vi có nguy cơ và không an toàn đối với phụ nữ, trẻ em; thực hiện có hiệu quả Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến đến phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2017 - 2027 và Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2026”.
Trước đó, tại xã Ngũ Hiệp, Hội LHPN Thanh Trì cũng ra mắt mô hình điểm “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”. Mô hình đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội phụ nữ vào việc đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường.
Tiếp nối thành công đó, tháng 7/2024, Hội LHPN huyện Thanh Trì phối hợp với UBND xã Thanh Liệt ra mắt mô hình “Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại thôn Nội và Tổ dân phố số 1, xã Thanh Liệt.
Theo bà Phạm Nguyên Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì, mô hình Thôn, Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gồm: Ban chỉ đạo mô hình có 3 thành viên, tổ tư vấn chuyên sâu có 18 thành viên và có 39 hộ gia đình tham gia. Mô hình sẽ thể hiện rõ nét trên thực tế về một môi trường sống an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em được phát triển toàn diện, không có bạo lực, không có xâm hại…
Tại quận Long Biên (Hà Nội), vào đầu tháng 6/2024, Hội LHPN quận cũng đã tổ chức ra mắt mô hình điểm “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” và tập huấn kiến thức tư vấn, tuyên truyền, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em tại phường Long Biên.
Các mô hình được thành lập giúp phụ nữ, trẻ em có một môi trường sống an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em được phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, khả năng tiếp cận tới các không gian, địa điểm an toàn, không có bạo lực, xâm hại.
Từ đó, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tăng cường sự tự tin trong quá trình tham gia hoạt động tại địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Không chỉ khu vực nội thành, mà ở các làng quê của Hà Nội, mô hình điểm “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” cũng được hình thành tại nhiều địa phương. Như tại huyện Thường Tín (Hà Nội), mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” được Hội LHPN huyện chọn làm điểm tại thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê. Mô hình gồm: Ban chỉ đạo mô hình có 10 thành viên; Tổ tư vấn chuyên sâu cho người bị bạo lực và người gây ra bạo lực tại cộng đồng có 10 thành viên tham gia; Nhóm gia đình nòng cốt ở cộng đồng trong khuôn khổ mô hình có 20 thành viên tham gia.
Tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) Hội LHPN huyện cũng mới cho ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại xã Phùng Xá. Mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em tại các khu dân cư thôn, xóm; phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; thúc đẩy bình đẳng giới…
Ý nghĩa của các mô hình an toàn cho phụ nữ, trẻ em
Theo Hội LHPN TP.Hà Nội, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều hoạt động thực hiện bình đẳng giới và phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em. Song song với việc triển khai mô hình điểm “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại khối quận, Hội LHPN thành phố còn triển khai đồng thời mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại khối huyện.
Các mô hình này được triển khai từ năm 2020, là sự thể hiện rõ nét trên thực tế về một môi trường sống an toàn, nơi phụ nữ và trẻ em được phát huy tối đa năng lực, khả năng sáng tạo, tiếp cận tới các không gian, địa điểm an toàn, không có bạo lực, xâm hại.
Với các mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” và “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN TP.Hà Nội cũng đưa ra 3 tiêu chí đánh giá như cơ sở hạ tầng; văn hóa, giáo dục, y tế; cơ chế hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Trong đó, cơ sở hạ tầng phải đảm bảo về hệ thống chiếu sáng, an ninh, không gian công cộng, cơ sở vật chất (sân chơi, nhà văn hóa…) phù hợp với nhu cầu và sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Đối với vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế thì cần thuận tiện, dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công như giáo dục, y tế, cấp nước, người dân có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau; xây dựng cảnh quan, môi trường xung quanh xanh - sạch - đẹp; xây dựng hương ước, quy ước… của thôn/xóm; thu hút phụ nữ, trẻ em tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; không xảy ra tình trạng bạo lực học đường, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em…
Còn về cơ chế hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em thì cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao và các ban, ngành, đoàn thể phối hợp triển khai tích cực hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình: Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, Câu lạc bộ Phụ nữ và pháp luật…
Đồng thời, mô hình phải đảm bảo sự chia sẻ của nam giới với phụ nữ; trẻ em trai, trẻ em gái bình đẳng cơ hội học tập, hưởng thụ các điều kiện để phát triển toàn diện; cơ chế phòng ngừa bạo lực học đường; phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
An NhiênBạn đang xem bài viết Hà Nội: Nhân rộng các mô hình an toàn cho phụ nữ, trẻ em tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].