Chuyên gia nói gì về thông tin uống trà nóng làm tăng nguy cơ gây ung thư thực quản?

Thông tin được công bố trên Tạp chí Y khoa hàng đầu Annals of Internal Medicine: uống trà rất nóng làm tăng từ 2 – 5 lần nguy cơ ung thư thực quản, xuất hiện ở những người có tiền sử uống rượu bia hoặc hút thuốc.

Bài liên quan

Ngay khi thông tin được đăng tải, không ít người Việt Nam cũng phải bận tâm vì nước ta là nước xuất khẩu chè chủ yếu và rất nhiều người dân có sở thích thưởng trà. Trong đó, khu vực miền Bắc thường có khí hậu lạnh, rất nhiều nam giới đang giữ, duy trì thói quen uống trà nóng để làm ấm cơ thể.

Để làm rõ về vấn đề này, PV Gia Đình Mới có trao đổi với GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Giảng viên Đại học New South Wales tại Australia 

PV: Từ những con số, thông tin và nghiên cứu “uống trà quá nóng gây ung thư”, trong khi nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, trà xanh có chất chống ung thư. Giáo sư có nhận định sao về những ý kiến đó ạ?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thấy phần lớn những tựa đề báo chí Anh ngữ đều không chính xác. Ví dụ như tờ Time chạy một tựa đề rằng "Drinking hot tea could raise your cancer risk" (Uống trà nóng có thể tăng nguy cơ ung thư cho bạn) là một tựa đề dễ gây hiểu lầm.

Trong thực tế, kết quả của nghiên cứu Trung Quốc mới công bố trên tập san Annals of Internal Medicine cho thấy uống trà nóng không làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Nhiều người nghĩ rằng trà xanh có khả năng chống ung thư. Tôi cũng muốn nghĩ như thế. Nhưng trong thực tế thì chứng cứ khoa học chưa dứt khoát. Chúng ta có nhiều chứng cứ cho thấy ở những nước có thói quen uống trà xanh thường có tỉ lệ ung thư thấp, nhưng điều đó không đủ để nói rằng trà xanh giúp giảm ung thư. Tuy nhiên, với chứng cứ khoa học, chúng ta có thể nói rằng trà xanh không tăng nguy cơ ung thư.

GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan, Úc

PV: Liên quan về việc uống trà quá nóng và uống rượu bia, hút thuốc, theo giáo sư, một người chỉ uống trà nóng có khả năng ung thư không hay phải cộng cùng các yếu tố còn lại?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Nghiên cứu trên 450,000 người Trung Quốc mà tôi đề cập trên cho thấy ở nam giới, những người uống trà rất nóng (xin nhấn mạnh là "rất nóng") có nguy cơ ung thư thực quản tăng gần gấp 2 lần so với người uống trà ở nhiệt độ ấm; nhưng ở nữ giới thì không có sự khác biệt về nguy cơ ung thư giữa người uống trà rất nóng và người uống trà ấm.

Nghiên cứu trên còn có một kết quả khác rất đáng chú ý. Đó là ở những người uống rượu bia trên 15 g/ngày (khoảng 1 lon bia 5% alcohol) và hút thuốc lá, uống trà rất nóng tăng nguy cơ ung thư thực quản gấp 5 lần so với uống trà ấm.

Nói cách khác, uống trà không có ảnh hưởng đến ung thư, chỉ có nhiệt độ nước trà rất nóng cộng với hút thuốc lá và rượu bia mới làm tăng nguy cơ ung thư. "Rất nóng" ở đây là trên 65 độ C.

PV: Có 1 vài bác sĩ cho rằng, tế bào thực quản rất mỏng, nếu dùng đồ ăn nhiệt độ cao sẽ gây bỏng, tổn thương thực quản. Giáo sư nhận định thế nào về ý kiến trên?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Đó là một thực tế sinh học rất dễ cảm nhận. Thật ra, mối liên quan giữa nhiệt độ thức ăn và thức uống với ung thư thực quản đã được quan sát từ hơn 80 năm qua. Nghiên cứu mới nhất chỉ cung cấp thêm chứng cứ khoa học cho giả thuyết cổ điển đó.

Câu hỏi đặt ra là thức uống và thực phẩm ở nhiệt độ nào là an toàn, là "tối ưu"? Đã có thí nghiệm khoa học và kết quả cho thấy nhiệt độ tối ưu (khi uống) là 57.8 độ C. Nhiệt độ nấu có thể là 100 độ C hay cao hơn, nhưng nhiệt độ khi uống chỉ nên khoảng 58 đến 60 độ C.

PV: Ngoài ra với những người thích ăn đồ sinh nhiệt, cay nóng như ớt, rượu mạnh… có ảnh hưởng gì tới cơ thể không ạ?

GS Nguyễn Văn Tuấn: Tất cả thực phẩm và thức uống đều có ảnh hưởng đến sức khoẻ, chỉ có vấn đề là ảnh hưởng "tiêu cực" hay "tích cực" mà thôi. Những loại rau quả như ớt và gừng đều được xem là có lợi sức khoẻ - với điều kiện là dùng với liều lượng vừa phải.

Thật ra, có nghiên cứu khoa học trên chuột cho thấy ớt và gừng có hiệu quả giảm ung thư. Rượu bia, kể cả rượu mạnh, nếu dùng ở liều lượng thấp, có thể có lợi cho sức khoẻ, nhưng ở liều lượng cao thì chỉ tăng nguy cơ các bệnh mãn tính.

Tuy nhiên, tôi phải thêm một cái bị chú ở đây là chứng cứ khoa học về ảnh hưởng của ớt, gừng và rượu đến sức khoẻ cũng chưa phải là thuyết phục.

Mối liên quan giữa nhiệt độ thức uống và thực phẩm (chứ không phải thức uống và thực phẩm) và ung thư có cơ sở khoa học, nên kết quả nghiên cứu mà tôi đề cập là phù hợp với giả thuyết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu rằng nhiệt độ rất nóng ở đây là trên 65 độ C, nhưng trong thực tế, những tách cà phê và trà xanh chúng ta uống thường dưới nhiệt độ đó.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, TS. BS Vũ Khánh Vân – Nguyên Chủ nhiệm khoa A9, Viện Y học cổ truyền Quân đội cho rằng, ko phải uống trà là nguyên nhân gây ung thư thực quản mà do nhiệt độ quá nóng làm tổn thương niêm mạc thực quản. Bên cạnh đó, rượu bia làm tổn thương vi khuẩn có lợi, thuốc lá gây co mạch khiến sức đề kháng kém và ung thư phát triển.

Bài liên quan

Trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Annals of Internal Medicine ngày 5/2, uống trà nóng hoặc rất nóng liên quan đến nguy cơ ung thư thực quản cao gấp 2-5 lần đối với người hút thuốc hoặc uống rượu hàng ngày. 

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu của gần 500.000 người lớn ở Trung Quốc trong giai đoạn 9 năm rưỡi. Người uống trà hàng tuần được yêu cầu mô tả nhiệt độ trà theo các mức: ấm, nóng hay rất nóng. Trong số đó, có tổng cộng 1.700 người mắc ung thư thực quản.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, bản thân việc uống trà nóng hay rất nóng không trực tiếp gây ra ung thư. Tuy nhiên, đối với những người hút thuốc hay uống rượu, vốn đã có nguy cơ ung thư thực quản, uống trà nóng hay rất nóng sẽ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn.

Theo người đứng đầu nghiên cứu, GS.TS Jun Lv – Khoa Dịch tễ học và Sinh thống kê tại trường Đại học Bắc Kinh, uống trà nóng chỉ góp phần gây ung thư khi kết hợp với hút thuốc hoặc uống rượu quá mức.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan