Làng nghề nước mắm Ba Làng, nằm ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, đã tồn tại và phát triển suốt gần 400 năm. Đây là một trong những làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, với lịch sử lâu đời và phương pháp chế biến độc đáo.

Làng nghề nước mắm Ba Làng hình thành từ thế kỷ 17, khi những ngư dân địa phương bắt đầu khai thác và chế biến cá cơm thành nước mắm. Vị trí địa lý thuận lợi, vùng biển trong lành và nguồn cá cơm dồi dào là những yếu tố quan trọng thúc đẩy nghề làm nước mắm ở Ba Làng.
Trải qua hàng trăm năm, nghề nước mắm không chỉ là kế sinh nhai mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Những bí quyết chế biến và kỹ thuật ủ chượp được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ, tạo nên hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được.
Nước mắm Ba Làng nổi tiếng với vị đậm đà, thơm ngon, khác biệt hoàn toàn so với các loại nước mắm khác trên thị trường. Điều làm nên sự độc đáo ấy chính là quy trình chế biến công phu và tỉ mỉ, từ khâu chọn nguyên liệu, ủ chượp đến lọc và đóng chai, tất cả đều được thực hiện với sự tận tâm và tay nghề tinh hoa của người thợ làng nghề.
Quy trình chế biến
Cá cơm có 3 loại có thể làm mắm, nhưng đặc biệt hơn cả là cá cơm đen (trỏng than) với vị ngọt và béo đặc trưng. Đây là nguồn nguyên liệu để người xưa tạo nên nghề làm nước mắm Ba Làng nổi tiếng. Mùa cá cơm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch, cũng là mùa nắng đẹp để phơi mắm.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình Về quê làm giàu cùng ngư dân Ba Làng thu hoạch cá cơm.
Cá cơm phải được đánh bắt tươi sống và chọn lọc kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng cao nhất. Muối biển cũng phải là loại muối tinh khiết, không lẫn tạp chất để tránhnh hưởng đến màu sắc và hương vị của mắm cá.
Cá cơm sau khi được rửa sạch sẽ được ủ chượp với muối theo tỷ lệ truyền thống trong các chum, vại hoặc bể xi măng. Các bước trộn, ủ, ướp chượp, lọc cốt…, phải được thực hiện nghiêm ngặt, chỉ cần sai một khâu sẽ bị hỏng cả mẻ.
Sau 24 tháng bắt đầu rút nước nhỉ từ dưới đáy chum, vại. Với quy trình công phu và thời gian ủ lâu nên sẽ cho ra sản phẩm nước mắm Ba Làng đậm đặc, thơm đặc trưng mùi cá nhưng không có vị tanh, màu sóng sánh cánh gián, khi nếm độ đằm sẽ nằm ở đầu lưỡi.
Nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống sẽ không dùng hóa chất bảo quản, mà dùng chính độ mặn của nước mắm để bảo quản. Ngoài ra, độ đạm cao nhất có thể đạt được là 40%, chứ không cao như nước mắm công nghiệp.
Nước mắm Ba Làng thường được sử dụng trong nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam, từ các món chấm như bún chả, bánh cuốn, nem rán đến các món nấu như canh chua, kho cá, kho thịt. Hương vị đặc trưng của nước mắm Ba Làng không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn mà còn góp phần tạo nên sự độc đáo và phong phú cho ẩm thực Việt.
Trong những năm gần đây, các sản phẩm mắm và nước mắm Ba Làng luôn góp mặt trong các cuộc trưng bày, triển lãm sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Thậm chí, nhiều cơ sở nước mắm truyền thống mạnh dạn tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đây chính là cách quảng bá hiệu quả để đưa tên tuổi sản phẩm đến với đông đảo khách hàng phương xa.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Làng nghề mắm Ba Làng: 400 năm đậm đà hương vị Việt tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
