Nước mắm Ba Làng
Làng nghề nước mắm Ba Làng, nằm ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, đã tồn tại và phát triển suốt gần 400 năm. Đây là một trong những làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng của Việt Nam, với lịch sử lâu đời và phương pháp chế biến độc đáo.

Nước mắm Ba Làng nổi tiếng với hương vị đặc trưng, đậm đà, không lẫn với bất kỳ loại nước mắm nào khác trên thị trường. Điều làm nên sự khác biệt của nước mắm Ba Làng chính là quy trình chế biến công phu và tỉ mỉ, từ khâu chọn lựa nguyên liệu, ủ chượp đến quá trình lọc và đóng chai.
Có 3 loại cá cơm làm mắm, ặc biệt hơn cả là cá cơm đen (trỏng than) với vị ngọt và béo đặc trưng. Đây là nguồn nguyên liệu để người xưa tạo nên nghề làm nước mắm Ba Làng nổi tiếng.
Cá cơm phải được đánh bắt tươi sống và chọn lọc kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng cao nhất. Muối biển cũng phải là loại muối tinh khiết, không lẫn tạp chất để tránhnh hưởng đến màu sắc và hương vị của mắm cá.
Cá cơm sau khi được rửa sạch sẽ được ủ chượp với muối theo tỷ lệ truyền thống trong các chum, vại hoặc bể xi măng. Các bước trộn, ủ, ướp chượp, lọc cốt…, phải được thực hiện nghiêm ngặt, chỉ cần sai một khâu sẽ bị hỏng cả mẻ.
Sau 24 tháng bắt đầu rút nước nhỉ từ dưới đáy chum, vại. Với quy trình công phu và thời gian ủ lâu nên sẽ cho ra sản phẩm nước mắm Ba Làng đậm đặc, thơm đặc trưng mùi cá nhưng không có vị tanh, màu sóng sánh cánh gián, khi nếm độ đằm sẽ nằm ở đầu lưỡi.
Cũng vì nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống sẽ không dùng hóa chất bảo quản, mà dùng chính độ mặn của nước mắm để bảo quản.
Nem chua

Khi nhắc đến đặc sản Thanh Hóa không thể không kể tên món nem chua. Nem chua Thanh Hóa nổi bật với hương vị thơm ngon đặc trưng, là sự kết hợp hài hòa giữa vị chua nhẹ và độ ngọt thanh.
Món ăn này chín nhờ vào men lá chứ không thông qua đun nấu cũng như không sử dụng chất bảo quản. Chính vì vậy, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị chua vừa đủ của nem cùng với lớp vỏ giòn khiến bạn đã ăn là ghiền.
Ngoài hương vị nổi bật của nem chua, món ăn này còn gây ấn tượng với thực khách ở thời gian ủ nem. Vào mùa nóng, thời gian ủ nem rơi vào khoảng 8 – 12 tiếng, còn mùa lạnh là 24 – 36 tiếng.
Để biết nem đã chín chưa, người dân xứ Thanh thường nắn nhẹ chiếc nem, nếu thấy chắc tay thì nem đã chín. Với những thực khách lần đầu thưởng thức nem chua, có thể gỡ lớp lá chuối, sau đó ấn tay vào nem thấy nem không mềm là ăn được.
Nghề làm nem chua ở thành phố Thanh Hóa đã bắt đầu hình thành và phát triển từ những năm 1970. Ban đầu, chỉ có khoảng 4 – 5 cơ sở sản xuất, nhưng theo nhu cầu thị trường ngày càng tăng, nhiều cơ sở sản xuất nem chua đã phát triển khắp các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn, Như Thanh, Quảng Xương… góp phần giúp đặc sản xứ Thanh đến gần hơn với du khách bốn phương.
Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ làng Mía, thuộc địa phận xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi làng này được hình thành cách đây khoảng gần 600 năm, có vị trí thuận lợi, liền kề dòng sông chu màu mỡ trù phú. Tới nay, nghề làm bánh gai ở làng Mía vẫn còn tồn tại, có hơn một nửa hộ dân vẫn còn theo nghề.
Bánh có vị thơm ngon của lá gai, gạo nếp, dầu chuối, đậu xanh, vị ngọt của mật mía, vị béo ngậy của thịt, mùi thơm của vừng và lá chuối khô.
Theo lời kể của những người dân làng Mía ở Thọ Xuân, trước đây loại bánh gai này được dâng lên tiến vua và chỉ được làm vào những ngày Lễ, Tết, dịp quan trọng. Nhưng về sau này, nhu cầu của người mua ngày càng cao, vì vậy làng nghề sản xuất quanh năm để đáp ứng cho những cơ sở bán đặc sản hoặc phục vụ khách du lịch mua về làm quà.
Bánh lá răng bừa Xuân Lập

Bánh lá răng bừa Xuân Lập là một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Theo sử sách, sau khi đánh tan giặc Tống, đất nước thái bình, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, Vua Lê Đại Hành lại đích thân xuống đồng cày ruộng để mở đầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất.
Để tỏ lòng biết ơn vua, người dân nơi đây đã dành những hạt gạo ngon nhất để làm nên một loại bánh với hương vị riêng dâng lên vua. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, trộn với nhân bằng thịt lợn rồi gói bằng lá chuối tươi (chuối hạt) đã được hơ mềm qua lửa.
Sau khi gói, chiếc bánh răng bừa có hình thon nhỏ bằng ngón tay cái người lớn, chiều dài khoảng 20 cm rồi đem luộc hoặc hấp. Hương vị của bánh là sự kết hợp của mùi hương từ thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hành phi, hạt tiêu...
Tục lệ làm bánh răng bừa dâng vua được người dân làng Trung Lập giữ mãi về sau. Hiện nay, toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh răng bừa (170 hộ thường xuyên và 70 hộ không thường xuyên), tạo việc làm cho hơn 300 lao động với thu nhập bình quân 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp cưới hỏi, lễ hội, tết cổ truyền....
Mía tím Kim Tân

Thật không quá lời khi nói mía tím Kim Tân là sản vật “trời ban” cho vùng đất Thạch Thành. Chỉ vùng đất này mới trồng được những cây mía có thân vừa tròn đều, vàng óng lấm tấm sắc mật, ngọt độc đáo, thơm quyến rũ đủ để cho bao du khách gần xa phải say lòng và khoái khẩu...
Chất đất đỏ màu mỡ của vùng đồi Thạch Thành giúp cây mía sinh trưởng tốt và tích tụ mật ngọt thơm. Thân mía không cao như mía dưới vùng đồng bằng, ước chừng đến đầu người; mình tròn lẳn như cổ tay người con gái ở tuổi đương xuân. Lóng mía thưa mắt. Mía ăn thật giòn, mềm và ngọt. Mặt ngoài lóng mía có màu tím biếc nhìn đã thấy ưa.
Tương truyền, xưa kia Vua Quang Trung đem quân ra Bắc đánh quân Thanh đã cho quân lính nghỉ ngơi tại vùng đất Thạch Thành. Người dân lấy mía ra thiết đãi nhà vua và nghĩa quân.
Nhà vua ăn thì thấy mía rất thơm ngon nên lấy tên của vùng đất Kim Tân đặt cho loại mía này. Khi đại phá quân Thanh thành công, Vua Quang Trung đã có chiếu dụ tổ chức hội Mía tại Phố Cát (nay là thị trấn Vân Du).
Ốc mút Bến Ngự

Nói đến ốc thì không riêng gì Thanh Hóa mà rất nhiều địa phương có những món ăn được chế biến từ ốc, nhưng ốc mút ở Thanh Hóa có điểm khác biệt so với những nơi khác.
Ốc mút là loại ốc len được bắt từ những vùng ven biển Thanh Hóa, sau khi mua về được ngâm cùng nước vo gạo và ớt để loại bỏ bùn và cát, sau đó rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chế biến. Khi luộc ốc, nêm nếm gia vị đậm đà cùng với xả và ớt để tạo mùi thơm. Món ốc mút khi ăn dùng kìm để cắt phần đuôi của con ốc, hút lấy ruột ở phần miệng ốc.
Một điểm khác biệt để phân biệt ốc Thanh Hóa và những nơi khác nằm ở loại nước chấm đặc sánh gọi là chẻo. Chẻo vàng thơm được nấu từ bột năng, mẻ, nghệ, khi ăn rắc lên một chút rau mùi thơm lên trên.
Đặc biệt, ở TP Thanh Hóa có một con đường tên Bến Ngự với khoảng hơn 10 quán chỉ chuyên phục vụ các món ốc nên người dân quen miệng gọi là “ốc Bến Ngự”.
Do đầu phố là ngôi chùa Thanh Hà nổi tiếng nên nhiều người khi đến đây ăn ốc quen gọi là ốc Thanh Hà hay ốc chùa Thanh Hà.
Bánh khoái

Bánh khoái là một một trong những món đặc sản Thanh Hóa được người dân nơi đây và thực khách gần xa yêu mến. Bánh khoái Thanh Hóa là một món quà vặt dân dã với cách làm đơn giản.
Lớp vỏ bánh được làm từ bột gạo tẻ, pha với nước để tạo thành hỗn hợp bột tráng bánh. Phần nhân bánh bao gồm những con tép tươi roi rói, một ít rau cần và bắp cải xắt mỏng.
Bánh được tráng trên chảo gang nóng, khi bánh đã giòn đều thì mang ra đĩa, thưởng thức cùng với nước mắm và một ít dưa chua. Chỉ với một vài nguyên liệu đơn giản nhưng món bánh khoái đã khiến bao thực khách vấn vương ngay lần đầu nếm thử.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Những đặc sản nổi tiếng, đậm đà hương vị xứ Thanh tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
