Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Hàn Quốc: Nhân viên văn phòng chật vật với chi phí ăn trưa

Chi phí ăn trưa ở Hàn Quốc tăng vọt, vượt xa mức tăng lương, buộc nhiều lao động phải chuyển sang các bữa ăn ở cửa hàng tiện lợi hoặc căng-tin công ty.

Theo tờ Korea Herald, tìm một bữa trưa giá rẻ ngày càng trở nên khó khăn đối với nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc. Chi phí ăn ngoài đã tăng vọt trong bốn năm qua, vượt xa mức tăng lương, khiến nhiều người lao động phải dựa vào các bữa ăn từ cửa hàng tiện lợi hoặc căng-tin công ty.

Lạm phát kéo dài trong nhiều tháng ảnh hưởng cả đến giá những món ăn phổ biến nhất ở Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)

Lạm phát kéo dài trong nhiều tháng ảnh hưởng cả đến giá những món ăn phổ biến nhất ở Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap)

Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc cho biết, một bát canh kimchi - món ăn trưa phổ biến ở Hàn Quốc - có giá trung bình 8.269 won (khoảng 146.000 đồng) tại Seoul tính đến tháng 12/2024, cao hơn 22,8% so với năm 2020. Giá món này thậm chí còn tăng mạnh hơn ở các thành phố như Daejeon, nơi giá đã tăng 52,3% trong bốn năm, lên 9.900 won (khoảng 175.000 đồng).

Giá một cuộn cơm gimbap ở Seoul - vốn được coi là một trong những lựa chọn tiết kiệm nhất - cũng tăng 32,7% trong cùng giai đoạn, lên mức 3.500 won (62.000 đồng).

Nhìn chung, chi phí ăn ngoài đã tăng đáng kể. Chỉ số giá thực phẩm phổ biến, bao gồm bữa ăn, cà phê và rượu, đã tăng 21,0% từ năm 2021 - 2024, cao gấp 1,5 lần so với mức lạm phát tiêu dùng chung là 14,2%. Mức tăng mạnh nhất diễn ra vào năm 2022 và 2023 do chi phí cung ứng thực phẩm tăng vọt.

Lương không theo kịp giá thực phẩm

Mức tăng lương ở Hàn Quốc không theo kịp đà leo thang của giá thực phẩm. Theo Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, mức lương trung bình hàng tháng của nhân viên tại các công ty có ít nhất một lao động đã tăng 14,9% từ năm 2021 - 2024, chỉ vừa đủ theo kịp lạm phát chung nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá thực phẩm.

Tình hình còn khó khăn hơn đối với lao động có thu nhập thấp, khi mức lương tối thiểu chỉ tăng 13,1% trong cùng giai đoạn, từ 8.720 won/giờ (155.000 đồng) năm 2021 lên 9.860 won (174.000 đồng) năm 2024.

Với giá bữa trưa ngày càng đắt đỏ, nhiều nhân viên văn phòng chuyển sang các lựa chọn rẻ hơn. Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường Embrain Trend Monitor thực hiện vào tháng 11 cho thấy 30,2% người lao động hiện mua bữa trưa tại cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị, tăng từ 22,0% vào năm 2021. Tỷ lệ sử dụng căng-tin công ty cũng tăng từ 49,6% lên 55,2% trong cùng kỳ.

Dữ liệu bán hàng từ các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn phản ánh sự thay đổi này.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 cho biết doanh số hộp cơm trưa năm 2024 cao gấp 3,2 lần so với các năm trước, trong khi doanh số cơm nắm tăng gần gấp ba. Chuỗi CU cũng ghi nhận doanh số cơm nắm hình tam giác tăng hơn gấp đôi.

Dù đã thắt chặt chi tiêu, chi phí thực phẩm vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong ngân sách hộ gia đình. Dữ liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc cho thấy trong ba quý đầu năm 2024, một hộ gia đình thành thị có từ hai người trở lên chi trung bình 14,4% ngân sách hàng tháng - khoảng 516.765 won (khoảng 9,1 triệu đồng) - cho thực phẩm.

Tỷ lệ chi tiêu cho ăn ngoài cũng tăng từ 12,4% năm 2020 lên 13,9% năm 2022, phản ánh thực tế rằng chi phí ăn ngoài đang tăng nhanh hơn so với lạm phát chung và mức tăng thu nhập.

Trong bối cảnh đó, phụ cấp bữa ăn đã trở thành một vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán lao động. Năm 2024, công nhân vệ sinh tại các trường đại học ở Seoul nhận được nhiều sự đồng cảm khi yêu cầu tăng phụ cấp bữa ăn hàng ngày từ 2.700 won lên 3.100 won (khoảng 47.000 lên 55.000 đồng)

Lời kêu gọi của nhóm công nhân rằng “2.700 won thậm chí không đủ để mua một cuộn cơm gimbap” thu hút sự quan tâm của nhiều người dân Hàn Quốc, góp phần giúp họ đạt được một thỏa thuận lao động thành công.

Vấn đề này cũng thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách. Cuối năm 2024, một ủy ban đặc biệt do phe đối lập lãnh đạo về bảo vệ tiền lương đã đề xuất nâng mức phụ cấp bữa ăn miễn thuế hàng tháng từ 200.000 won lên 300.000 won (3,5 triệu lên 5,3 triệu đồng) để giúp người lao động đối phó với chi phí thực phẩm tăng cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chỉ những tập đoàn lớn mới có khả năng cung cấp lợi ích này. Ông Kim Jong-jin, Giám đốc Viện Lao động Hàn Quốc, cho biết: “Những lao động có thu nhập thấp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá thực phẩm tăng cao. Chính phủ nên xem xét các chính sách ưu đãi thuế hoặc tăng lương tối thiểu để giúp họ theo kịp chi phí sinh hoạt”.

Anh Thịnh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính