Công ty Sản xuất máy móc Three Brothers, có trụ sở tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, ban hành "Quy định quản lý việc sử dụng nhà vệ sinh", nhằm duy trì trật tự, nâng cao hiệu suất và điều chỉnh thái độ làm việc.

Công ty này đã tham khảo tài liệu y học Hoàng Đế Nội Kinh, cho rằng quy định trên được đặt ra vì sức khỏe của nhân viên.
Biên soạn cách đây hơn 2.000 năm, Hoàng Đế Nội Kinh được coi là tài liệu sớm nhất và quan trọng nhất về y học cổ truyền Trung Quốc (TCM), thường được gọi là “khởi nguồn của y học” tại Trung Quốc, cung cấp những lý thuyết nền tảng cho TCM.
Theo quy định của công ty, nhân viên được phép sử dụng nhà vệ sinh trước 8 giờ sáng và các khung giờ "10h30 - 10h40", "12h - 13h30", "15h30 - 15h40", "17h30 - 18h". Những nhân viên tăng ca có thể sử dụng nhà vệ sinh sau 21h.
Ngoài những khung giờ trên, nếu nhân viên có nhu cầu đi vệ sinh gấp, họ có thể sử dụng nhà vệ sinh nhưng giới hạn thời gian trong hai phút.
Công ty cũng áp đặt lệnh cấm nghiêm ngặt đối với việc sử dụng nhà vệ sinh vào một số thời điểm nhất định trong buổi sáng và buổi chiều, bao gồm cả ca làm thêm giờ.
Những nhân viên có “tình trạng sức khỏe đặc biệt” cần sử dụng nhà vệ sinh trong các khoảng thời gian bị hạn chế phải nộp đơn xin phê duyệt từ bộ phận hành chính, nhưng sẽ bị trừ lương cho thời gian họ sử dụng.
Công ty tuyên bố sẽ giám sát nhân viên thông qua camera an ninh và phạt 100 nhân dân tệ (khoảng 350.000 đồng) đối với những ai vi phạm.
Quy định này dự kiến áp dụng thử nghiệm đến cuối tháng 2, trước khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1/3.
Một nhân viên (không tiết lộ danh tính) đã xác nhận tính xác thực của quy định này với tờ Yangcheng Evening News.
Luật sư Chen Shixing của Công ty Luật Yiyue Quảng Đông cho rằng quy định trên vi phạm luật lao động khi gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của nhân viên.
Theo luật lao động ở Trung Quốc, bất kỳ thay đổi nào liên quan đến lương, giờ làm, thời gian nghỉ ngơi, ngày nghỉ hoặc quy trình an toàn đều phải được thảo luận tại các hội nghị có sự tham gia của toàn bộ nhân viên hoặc đại diện của họ để đạt được sự đồng thuận.
Luật sư Chen nhấn mạnh người lao động có quyền phản đối và báo cáo những quy định ảnh hưởng đến an toàn và phúc lợi của họ.
Công ty cũng vấp phải sự phản đối gay gắt kể từ khi chính sách sử dụng nhà vệ sinh của họ bị công khai.
“Thật vô đạo đức! Họ còn dám viện dẫn Hoàng Đế Nội Kinh. Trong khi văn bản đó lại khuyên không nên làm việc sau khi trời tối và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi đầy đủ. Phải chăng công ty đang cố tình phớt lờ điều này?”, một cư dân mạng phẫn nộ đặt câu hỏi.
“Bất kỳ ai có chút hiểu biết đều có thể thấy rằng đây là một quyết định tùy tiện của ban lãnh đạo công ty”, một bài xã luận trên Bắc Kinh Tân Văn cho hay. “Nó thể hiện một cách quản lý độc đoán, phản ánh phong cách lãnh đạo hà khắc đối với nhân viên”.
Trước làn sóng phản đối dữ dội từ nhân viên, công ty đã thông báo hủy bỏ quy định trên.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Công ty Trung Quốc áp quy định thời gian đi vệ sinh gây tranh cãi tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Tin liên quan
