Dưới lớp áo bé xíu kia, bên ngực trái, là những vết sẹo lăn dọc của những cô bé, cậu bé mới vài tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh.
Hành lang khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương buổi trưa im ắng, dẫn vào từng phòng bệnh nhi.
Trong từng căn phòng bệnh đó, là các em nhỏ mang trong mình căn bệnh tim bẩm sinh.
Có bé mới được vài chục ngày tuổi, đang chờ đủ cân nặng để phẫu thuật.
Nhiều bé đã mổ lần thứ 2, thứ 3 và có cả những em chuẩn bị được về với gia đình.
Từ lúc sinh ra chưa được về nhà
Như Quỳnh nằm gọn trong vòng tay chị Hoa, đón nhận dòng sữa ngọt ngào từ mẹ.
Dọc hành lang Khoa tim mạch, bệnh viện Nhi Trung ương lúc hơn 12 giờ trưa đó, có mỗi hai mẹ con chị.
Chị Hoa nhịp nhịp vỗ về đứa con thơ của mình bằng những lời thì thầm, ầu ơ ‘Mẹ thương con có hay chăng…’
Từ khi sinh ra, Như Quỳnh chưa một lần được về ngôi nhà của mình, nơi có bố mẹ và hai anh chị của con.
Chị Hoa bồng bế đứa con 3 tháng tuổi của mình hết từ bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh rồi lên tuyến trung ương.
Quỳnh mới phẫu thuật được 7 ngày, hôm qua, 28/9 là ngày con tròn 3 tháng tuổi với cân nặng là 3,5 kg.
Người mẹ sinh năm 1981 nhìn con xót xa: ‘Chẳng lúc nào tay chân cháu không phải băng trắng cả, lúc thì ở tay, lúc ở chân, lúc ở đầu’.
Hai anh chị của Quỳnh cũng chưa một lần được gặp em mình, một phần vì ở quê xa tận Nghệ An, mỗi lần đi lại cũng tốn kém, một phần bố mẹ muốn các em tập trung học hành.
Gia Khánh ở cùng phòng với Như Quỳnh. Từ khi mới 20 ngày tuổi, con đã phải nhập viện vì bệnh tim bẩm sinh.
Cậu bé ngửi mùi thuốc khử trùng nhiều hơn sữa mẹ này đã 2 lần lên bàn mổ.
11 tháng tuổi, Khánh trải qua 2 lần mổ tim, lần đầu tiên là khi con 1 tháng 20 ngày tuổi. Chưa đầy 10 tháng sau, Khánh tiếp tục chiến đấu trong phòng phẫu thuật với lần mổ thứ 2.
Khánh nằm ở khoa tim mạch này đã hơn 30 ngày.
Gia Khánh thích cười, con hay nô đùa với bố mẹ và cả những người cùng phòng. Đôi tay con luôn vươn về phía người đối diện, cười tít mắt.
Không ai ngờ, cậu bé quê Ninh Bình này đã 2 lần nằm trên bàn mổ với căn bệnh tim bẩm sinh thể phức tạp.
Lần đầu đưa con đi mổ tim, vợ chồng chị Thoa nói dối với cô con gái 4 tuổi của mình là đưa em Khánh đi chơi rồi về luôn.
Chị gái đợi Khánh lâu quá, thấy mẹ cứ nói đưa em đi chơi mãi nên dỗi nhất định không chịu nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại.
Bây giờ, chị gái đã biết Khánh có trái tim khiếm khuyết nên không trách bố mẹ nữa.
Lần nào nghe điện của bố mẹ cũng hỏi em có ngoan không mẹ, có quấy khóc nhiều không?
Cả Như Quỳnh và Bảo Khánh đều có những người anh, người chị ruột ngóng chờ các con từng ngày một, nhanh chóng khoẻ lên để về nhà chơi cùng.
Những lần ra viện hụt
Tiếng thở khò khè khó nhọc của Duy Tân đánh thức góc nhỏ hành lang bệnh viện, nơi bà nội đang bế vác con.
Phía sau đầu của Tân là một cái sẹo đang se miệng, di chứng của việc nằm thở máy trong một thời gian dài.
Chốc chốc, Tân ngóc đầu lên như kiếm tìm nguồn khí thở, con nhìn xung quanh rồi lại gục vào vai bà, mắt lim dim ngủ.
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bác sĩ chẩn đoán trái tim của Tân mang dị tật bẩm sinh, cần phải phẫu thuật để sửa chữa.
Sinh ra được 24 ngày tuổi, cậu bé còn đỏ hỏn đã phải lên bàn mổ. Khi được 3,5 tháng, con tiếp tục phải phẫu thuật lần nữa.
Bốn tháng sau lần mổ tim thứ 2, Tân vẫn còn yếu và cần đến sự hỗ trợ của máy thở. Cậu bé gần 8 tháng tuổi này mới rời máy thở được vài ngày.
Đáng nhẽ, Tân được ra viện rồi nhưng bị chướng bụng, đầy hơi, đi ngoài, gây khó thở nên phải tiếp tục nằm viện tiếp.
Vậy là, Duy Tân lại tiếp tục cuộc sống của mình bên giường bệnh với hàng tá loại thuốc được đưa vào người để chống chọi với bệnh tật và những lần nằm bẹp thở máy.
Mới nằm trong bụng mẹ được 35 tuần tuổi, Hoàng Đình An chào đời với cân nặng 2,1 kg.
Đón mặt trời được 20 ngày tuổi, trong một lần uống sữa, con lên cơn ho rồi bị trớ, tím tái toàn thân, không thở được.
‘Có biết con bị tim bẩm sinh hay không?’, tai chị Huyền như ù đi, chân tay bủn rủn khi nghe bác sĩ bước ra từ phòng cấp cứu hỏi.
Người mẹ sinh năm 1990 này không biết có bệnh tim bẩm sinh tồn tại trong đời.
Nên khi biết con mình của mình không may mắn mắc căn bệnh này, chị Huyền đã rất choáng.
Tranh thủ lúc An ngủ, chị Huyền vắt chút sữa cho đứa con mới được gần 2 tháng tuổi của mình.
Bác sĩ nói mẹ con chị có thể ra viện nhưng vài lần thử rút máy hỗ trợ thì nồng độ oxy trong máu dưới mức cho phép nên vẫn phải tiếp tục nằm viện theo dõi.
Ở phòng bên cạnh, chị Diệu đang xếp đồ vào hai cái balo đặt ở đầu giường bệnh. Kề đó, anh Thức đang xoa lưng cho đứa con nhỏ Bảo Anh của mình.
Ngay từ khi sinh ra, bác sĩ phát hiện Bảo Anh bị tim bẩm sinh, cần phải phẫu thuật.
Sau lần phẫu thuật vào năm 2015, Bảo Anh khoẻ mạnh và chơi đùa bình thường.
Tuy nhiên, trong lần tái khám thứ 5, bác sĩ chẩn đoán trái tim của con không ổn, cần phải phẫu thuật lần thứ 2.
Một năm sau chỉ định đó của bác sĩ, Bảo Anh lên bản mổ lần thứ 2. Hôm nay cô bé 27 tháng tuổi này được ra viện, lên trường trở về Thanh Hoá, nơi em sinh ra.
‘Con được ra viện, anh chị mừng lắm. Chỉ mong con mình khoẻ mạnh, trái tim phát triển bình thường’, chị Diệu vừa xoa bụng bầu 6 tháng của mình thổ lộ.
Hành trình sống những năm tháng tuổi thơ vui tươi, khoẻ mạnh, tránh xa những lần phẫu thuật của Bảo Anh bắt đầu từ hôm nay.
Còn với cô bé 35 ngày tuổi Thanh Trà thì mới chỉ là những ngày bắt đầu điều trị tại khoa Tim mạch, bệnh viện Nhi Trung ương.
Sinh ra được 20 ngày tuổi, bác sĩ chẩn đoán Trà bị tim bẩm sinh. Con nằm viện 15 ngày rồi chuyển thẳng lên bệnh viện tuyến trung ương.
Người mẹ trẻ sinh năm 1995 đút từng thìa sữa nhỏ cho đưa con đang bồng bế trên tay. Cứ sau mỗi lần con tóp tép, Diễm lại cho con thở bình oxy. Mỗi lần Trà ăn được 50 ml sữa mẹ.
‘Không biết khi nào con mới đủ cân nặng và sức khoẻ để mổ. Hai vợ chồng chỉ biết cố gắng chữa bệnh cho con, chứ thương lắm, con còn bé quá’, chị Diễm bộc bạch.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 đến 12.000 trẻ sơ sinh mắc chứng tim bẩm sinh cần được chẩn đoán và can thiệp sớm.
Trái tim của chừng ấy em nhỏ không được khỏe mạnh như những bạn cùng lứa.
Đồng nghĩa với việc từ khi sinh ra, cuộc sống của các em chỉ quanh quẩn bên giường bệnh, mùi thuốc khử trùng, những thiết bị hỗ trợ thở oxy và những cuộc phẫu thuật.