KIE_1683

 Minh Hằng là một trong những 'chú lính chì' dũng cảm của khoa Nhi, viện K3 Tân Triều. 

Khát khao được ôm bụng mẹ ngủ ở nhà mình, thèm một bữa cơm ngon miệng cùng gia đình, thiết tha mong ngóng chuẩn bị sách vở cho năm học mới…

Những ước mơ giản đơn đó, các bệnh nhân tại Khoa Nhi, viện K3 Tân Triều phải mặc cả với chính căn bệnh quái ác đang sục sạo khắp cơ thể.

Căn bệnh hiểm nghèo ập đến bất ngờ như một ngả rẽ không mong chờ giữa khoảng thời gian cắp sách đến trường của các em.

Nó đã làm thay đổi toàn bộ ước mơ sẽ trở thành ai trong tương lai, cản trở những mong muốn cơ bản nhất của các bé là được tới trường đi học như những bạn bè cùng trang lứa.

Các em buộc phải đổi lộ trình trên con đường đã được định sẵn của một đứa bé tuổi ăn tuổi lớn tuổi đến trường, rẽ sang ngả đường mang tên chiến đấu với bệnh tật.

Một lộ trình chưa bao giờ có bất kì sự chuẩn bị nào về mặt tinh thần: Nằm viện điều trị.

KIE_1824-2

Các em chẳng có gì ngoài nụ cười hồn nhiên của lứa tuổi. 

Khi các bạn đến trường thì em nằm viện 

Những ngày này, trong khi các bạn cùng lớp, cùng trường hân hoan chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập để chào đón năm học mới thì khoảng gần 30 em đang điều trị ở Khoa Nhi này lại không thể đi học.

Ngồi dựa lưng vào tường, Mai Anh và Hữu Phúc đang cùng nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, chốc chốc quay sang trêu đùa nhau vui vẻ.

Vài ngày nữa, Phúc bước vào đợt truyền hoá chất thứ 6. Cậu bé gắp đũa đầy mỳ lém lỉnh: ‘Trước em mơ được trở thành công an nhưng giờ em chỉ muốn mau chóng khỏi bệnh thôi’.

KIE_1689

Các em biết mình bị đau chỗ này chỗ kia nhưng không đứa nào ý thức được sự nguy hiểm căn bệnh mình đang mang. 

Phúc hay bảo với vài bạn thuờng xuyên nhắn tin cho cậu trong đợt nằm viện này, cậu sắp được về nhà để đi học với nhau rồi.

Nhưng Phúc chưa biết, sau đợt truyền hoá chất tới đây, em phải tháo khớp chân để giữ được tính mạng. Vậy là, ước mơ của cậu bé 12 tuổi này thêm 1 lần bị đẩy đi rất xa.

Còn Mai Anh, cô gái bị u hạch đã phải gác lại việc học hành của mình 4 năm nay. Mỗi năm, Mai Anh phải nằm viện 6,7 tháng để điều trị. Điều này khiến cô bé 15 tuổi không đủ sức theo học.

Phòng kế bên, Minh Hằng (quê Thái Nguyên) đã bị cắt đi 1 bên chân từ năm 2015 vì bệnh ung thư xương. Sau phẫu thuật, bệnh tình tạm ổn, Hằng được về nhà, đi học trở lại.

Sau 1 năm tới lớp bình thường, bác sĩ phát hiện tế bào ung thư của Hằng đã di căn tới phổi, em phải tạm dừng việc học để nhập viện tiếp tục điều trị.

KIE_1736

Từng giọt nước mắt thi nhau roi nhưng Hoài Giang vẫn nhoẻn cười khi nói về ước mơ của mình. 

‘Mẹ ơi sao em bị bệnh mà các bạn học cùng em không bị?’, cô bé 7 tuổi vừa khóc vừa hỏi mẹ khi biết mình lại phải nằm viện. Cô bé đã từng muốn bỏ học vì bị bạn bè trêu chọc về việc di chuyển khác thường, giờ đây chỉ mong được tới lớp.

Bị cùng 1 bệnh giống Hằng, vào viện, ra viện, cùng bị di căn và gặp lại nhau tại đây, Hoài Giang (quê Thái Nguyên) lặng lẽ nằm trên gường ở góc phòng bên cuốn truyện đọc dở.

Từng giọt nước mắt nối tiếp nhau chảy từ khoé mắt khi Giang nhắc tới ước mơ của mình: ‘Em học giỏi văn, thích viết lắm, em nuôi ước mơ trở thành nhà báo từ năm lớp 10 nhưng chắc bây giờ… chắc em không thể tiếp tục được nữa’.

Bốn từ ‘không thể tiếp tục’, mãi cô bé mới nói ra thành lời.

Sau khi bị cắt chân từ năm 2015, với sự trợ giúp của chân giả, Giang vẫn tiếp tục việc học của mình. Hằng ngày, em bắt xe buýt đi 8-9 cây số tới trường. Có những hôm đến được lớp thấy mệt quá, em không muốn học nữa.

KIE_1661-2

Ánh Đào trở nên lầm lì từ khi bị bệnh. Cô bé không muốn anh trai hay bố vào viện với mình vì sợ 2 người nhìn thấy mái tóc dài đến thắt lưng của em giờ chỉ trọc lốc.  

‘Em có muốn về nhà đi học cùng các bạn không? Chắc là nhớ các bạn lắm đúng không?’, Ánh Đào (quê Ninh Bình) gật đầu 2 lần rồi xoa xoa khối u sưng phồng trên bắp tay phải đang lên cơn ngứa.

Nằm viện 3 tháng với 3 lần truyền hoá chất, bệnh tình xấu đi khiến cô bé 14 tuổi vốn vui vẻ trở nên lầm lì, khó tính, cả ngày chẳng nói câu nào với mẹ mình.

Năm học mới này, thay vì tới lớp ghi chép thời khoá biểu thì các em lại có cho mình cả một lịch trình các bước tiếp theo: làm sinh thiết, xét nghiệp, truyền hoá chất, phẫu thuật... 

Muốn về nằm trên giường nhà mình

Những mũi tiêm, những hoá chất được đưa vào thân thể… và những phản ứng phụ ói mửa, rụng tóc chỉ xảy ra trong chốc lát, nhưng sống cùng bệnh hiểm nghèo thì đó là cả một quá trình dài với các em.

Ngay cả khi căn bệnh đã tạm thời rút lui thì nó vẫn là một nỗi ám ảnh lớn trong tâm trí không ít em.

Ngồi trên giường chơi đồ hàng với các bạn cùng phòng, Minh Hiếu kể làu làu tên các bệnh viện mà cậu bé 8 tuổi này đã đi qua: Bạch Mai, Việt Đức và bây giờ là viện K3.

KIE_1706-2

 

‘Con chỉ muốn được về nhà, sờ bụng và ôm bụng mẹ lúc ngủ’, cậu bé bị ung thư xương lăn vào lòng người bố đang trông em ở viện. 

Khoảng 7 giờ tối, bé Nhi (quê Bắc Ninh) cùng mẹ của mình vào phòng nhận giường bệnh. Khi mẹ em vừa đặt đồ đạc xuống nền nhà, cô bé thành thạo lấy đồ ra khỏi balo, xếp vào vị trí trong khi mẹ em cầm giấy tờ xét nghiệm máu đi nộp.

Cô bé không chút sợ sệt với giường ga trắng hay nhút nhát với các bạn nằm cùng phòng. Có lẽ, việc mỗi tuần nằm viện 4 ngày đã khiến em quen với không gian và con người nơi đây.

KIE_1754

Phòng bệnh với các mẹ và các bé đã không còn xa lạ. 

‘Nốt ngày kia là chị được ra viện rồi đấy’, cái đầu trọc lốc làm lộ đường khâu dài của bé Thu Hương (quê Thái Nguyên) cứ lắc qua lắc lại khoe với các bạn. Cô bé 11 tuổi bị u não đếm từng ngày được về nhà sau mỗi đợt truyền hoá chất. 

Vùng vẫy trong vô vọng rồi những chiến binh mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo vẫn lấp lánh vui đùa cùng nhau, chờ ngày được về nằm thoải mái trên chiếc giường nhà mình.

Cây mơ ước 

Trong hành lang bệnh viện có dán một cây mơ ước, ở đó có những trái tim gỗ nho nhỏ để các em hoặc người thân của các em ghi ước mơ vào đó.

Có em ghi ước mơ trở thành 1 đầu bếp giỏi, ước mơ thành bác sĩ cứu người, bộ đội Hải quân được ra đảo Trường Sa… Cây ước mơ được dán lên bởi những ước mong thuần khiết của tuổi ăn, tuổi chơi. 

Nhiều hơn cả vẫn là mong được khoẻ mạnh, chiến thắng bệnh tật và được về nhà.

Nhưng phòng bệnh chắc chắn không phải là nơi các em muốn đặt cược ước mơ của mình, lại càng không mong muốn sẽ phải ở lại nơi này cùng câu nói: ‘Chưa biết bao giờ mới được ra viện’ của bố mẹ chúng. 

KIE_1830

Những ước mơ của các em được gắn trên 'cây điều ước' ngoài hành lang khoa. 

Từng ngày từng ngày một, các em vẫn đang cố gắng dùng hết tâm sức của mình để mặc cả với những ung thư xương, ung thư vỏ tuyến thượng thận, u não, u hạch… trong sự hồn nhiên. 

Từ những ước mơ lớn lao mà chỉ 15 năm, 20 năm sau mới giúp các em trả lời được là nó có thành thật được hay không, giờ đây, bó mình trong phòng bệnh với những tiêm truyền, các em chỉ có một khao khát.

Bởi thế, ước mơ của các em thì muôn màu, nhưng các em vẫn chưa hiểu được tương lai trước mắt vẫn đang là một màu xám ngắt... 

Tú Anh - Kiều Dương

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính