Đưa múi bưởi cho cô Sáu, cô Thít vuốt mái tóc đen đã bị rụng, còn thưa thớt của người đồng hương, ‘Tóc cô vẫn còn dài, chứ đầu tôi tóc rụng hết sạch, mọc lại thành đầu đinh, chả dám đi đâu’.
Ước muốn tóc tốt để chụp hình chân dung làm ảnh thờ
Hai người đàn bà đến từ huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá đều chỉ nằm viện một mình ở nơi đất khách quê người, chia sẻ với nhau từ cái nhỏ nhất.
Cô Thít nhớ lại, sau đợt truyền hoá chất lần đầu tiên, về nhà, cô chùm cái khăn lên đầu, chỉ dám he hé dần cho 2 đứa con đang tuổi đi học của mình biết rồi cô vỡ oà ôm thằng nhỏ khi nó cứ sà vào lòng mẹ, lật cái khăn choàng đầu ra.
Dần dần, con cái và chồng cũng quen dần với hình ảnh mái đầu trụi tóc của cô.
Cả xóm không ai có cái đầu trọc lốc như cô, kể cả những người đàn ông. Vì vậy, ra đường ai cũng nhìn. Mọi người chỉ trỏ, đàm tiếu, cô tủi thân và không dám ra khỏi nhà. Hoạ hoằn lắm phải đi đâu thì người phụ nữ 42 tuổi này đội cái mũ vải che gần hết khuôn mặt.
Có hôm đang nằm, chị gái sang chơi, không kịp quàng khăn che đầu, cô Thít rơi nước mắt khi chị gái cô nói: ‘Dì đội cái mũ vào không chị nhìn sợ lắm’.
Cô nghĩ, đến chị gái mình còn sợ hãi mình như thế nữa là người ngoài. Vì vậy, khoảng thời gian giãn cách giữa các đợt truyền hoá chất, cô Thít chỉ quanh quẩn ở nhà với 2 đứa con.
Tranh thủ những ngày ở quê, cô Thít ra quán chụp ảnh để làm các thủ tục, giấy tờ, khi nhận ảnh trả lại thì cô chỉ muốn xỉu ra đấy. Cô không tin người trong tấm ảnh phông xanh kia lại là mình với mái tóc trụi.
Gạt nước mắt nhận phên ảnh thẻ, cô Thít lầm lũi đi về, chuẩn bị cho những đợt truyền hoá chất sắp tới.
Ước mơ của cô Thít giản đơn, cô chỉ ước tóc mình tốt để chụp tấm hình chân dung, khi khuất đi còn có cái ảnh mà dùng.
Nhìn sang cái đầu đinh của cô Thít, cô Sáu nghẹn ngào khi mường tượng được tương lai của mình, mái đầu đang bị rụng tóc dần rồi cũng sẽ đến lúc trụi hẳn.
Cô Thít đang trong những ngày đợi truyền hoá chất đợt thứ 3, còn cô Sáu là lần thứ 2.
Khác với cô Thít, người phụ nữ tuổi 40 này tâm sự: ‘Đầu cô trọc cả đời cũng được, không sao cả, chỉ mong bệnh tình của mình thuyên giảm, về nhà chứ không phải nằm viện nữa’.
Mái tóc giả là một điều xa xỉ
Căn bệnh ung thư khiến không ít gia đình rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí khánh kiệt tài sản. Họ phải chạy ăn từng bữa, cả gia đình dồn toàn lực cho việc điều trị bệnh tật, tài chính gia đình lao đao.
Với họ, mong muốn sở hữu bộ tóc giả chỉ nằm trong suy nghĩ.
Cô Thít bị ung thư máu, phải nằm viện triền miên, chồng bị viêm phổi cấp, kinh tế gia đình vốn đã eo hẹp nay càng khó khăn hơn. Cô Thít ‘ghen tỵ’ với những người cũng bị rụng tóc như mình nhưng họ có tóc giả để che đi cái đầu trọc, ra đường không ai biết mình đang mang bệnh.
‘Nhìn họ có tóc giả đội mà cô thèm quá, nhưng phải bỏ ra tận 300.000 đồng mới mua được nên cô nghĩ thôi, tiền ăn tiền điều trị rồi tiền về quê mình còn chẳng có, mơ ước gì bộ tóc giả’, cô Thít thổ lộ.
Cô Sáu thêm vào: ‘Ai có tiền thì mua tóc giả, không thì phải chịu thôi’.
Nằm ở phòng bên cạnh, bác Hằng (quê Nam Định) là người duy nhất trong phòng chít khăn thành hình mỏ quạ, che đi mái tóc ngắn 2 phân của mình. Người đàn bà 52 tuổi này ước ao một mái tóc giả nhưng gia đình khó khăn, lại nuôi 3 con học đại học, không có tiền.
Mái tóc chị Bình (ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị rụng dần sau 6 lần truyền hoá chất để điều trị căn bệnh ung thư buồng trứng. Thi thoảng, chị Bình lại tiện đưa tay lên vuốt tóc mình nhưng giờ đây nó chỉ là vài sợ lơ thơ. Chị hẫng hụt.
Những ngày đầu tóc rụng ít rồi rụng thành cụm, chị không dám nhìn mình trong gương. Chị khóc suốt vì tiếc ‘mái tóc thề’ của mình. Nằm ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị xót xa cho cả chị và chồng của mình.
Sau ca phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để giữ được tính mạng, người đàn bà sinh năm 1984 này phải tiếp tục chiến đấu với những đợt truyền hoá chất tiếp theo. ‘Chắc chị chẳng còn giữ lại được sợi tóc nào nữa, gia đình lại khó khăn nên chẳng bao giờ chị nghĩ mình có tóc giả để đội’, chị Bình buồn bã khi hình dung về tương lai.
Nhập viện trong tình trạng cấp cứu, bác sỹ chẩn đoán Phương Anh (quê Hưng Yên) bị ung thư máu. Cô bé 18 tuổi này bàng hoàng khi một sáng thức giấc sau đợt truyền hoá chất đầu tiên, mái tóc của em đã rụng hết sạch.
Lúc đó, Phương Anh sợ hãi, sợ tóc mình sẽ không mọc lại được nữa. Với một cô gái coi mái tóc dài, óng ả là niềm tự hào của bản thân thì mỗi lần vo đám tóc rụng là một lần tim gan thắt lại. Phương Anh chỉ biết khóc.
Đợt truyền hoá chất lần 2, cô bé bị bệnh ung thư máu mừng rỡ vì tóc không bị rụng do không hợp thuốc. Tuy nhiên, tóc lại bị tiếp tục rụng dần, thành đầu đinh như hiện tại do tác dụng phụ của các đợt truyền hoá chất tiếp theo.
Thương con, chị Phương (mẹ của Phương Anh) mua cho em hai bộ tóc giả, một ngắn, một dài để khi về quê, em có thể đi chơi với bạn bè và thăm họ hàng mà không bị những ánh mắt xa lạ dòm ngó.
Những ước mơ bỏ lại
Cùng hoàn cảnh với Phương Anh, bé Ngoan (quê Nam Định) lớn lên trong thiếu vắng sự yêu thương của người cha.
Bố Phương Anh bỏ đi, để 3 mẹ con em loay hoay chăm nhau còn bố Ngoan thì mất từ khi em bé.
Hai cô gái với mái tóc 2 phân của mình, mỗi người ngồi mỗi góc hành lang bệnh. Phương Anh nghịch điện thoại bên mẹ của em. Ngoan ngồi đọc cuốn truyện tranh doremon đem từ nhà đi, chậm rãi uống ngụm trà nóng.
Nhưng hai em đều chung ước mơ thiếu nữ: tóc dài trở lại.
Cùng chung ước mơ với Phương Anh và Ngoan, Minh Hằng (quê Thái Nguyên) cũng đang phải chiến đấu với bệnh ung thư xương đã di căn đến phổi.
Tóc Hằng được em nuôi dài thướt tha. Mỗi lần đi ra ngoài hay đi học, mái tóc của em đều được mẹ buộc lên gọn gàng hoặc tết đuôi sam tinh nghịch. Cô bé rất yêu mái tóc của mình.
‘Mẹ ơi! Em không muốn bị rụng tóc đâu. Sau này em chết, mẹ có nhớ em không?’. Hằng hay nói với mẹ như vậy khi những cơn đau và tác dụng phụ trong mỗi lần truyền hoá chất hành hạ em.
Nhưng cô gái 7 tuổi vẫn líu lo động viên mẹ: ‘Khi nào em khỏi bệnh, tóc em sẽ lại dài như trước, mẹ lại buộc tóc cho em nha mẹ!’
Những ‘mái tóc thề’ của một nửa thế giới bị căn bệnh ung thư cướp đi không thương tiếc.
Với người bình thường, họ có quyền lựa chọn để tóc dài hay ngắn, kiểu tóc nào hợp với khuôn mặt của mình. Có thể hôm nay để dài, mai cắt ngắn rồi một thời gian sau tóc dài ra nhanh chóng.
Nhưng ở một nơi nào đó, trong cộng đồng những người phụ nữ bị ung thư thì việc giữ lại được mái tóc là cả hành trình đớn đau trong gian nan thử thách.
Tóc mọc và dài ra là cả một trời mơ ước với những người bị ung thư, đặc biệt là với các em nhỏ và những cô gái đang tuổi trưởng thành mắc căn bệnh quái ác này.
Trong hành trình chiến đấu với ung thư, họ vẫn tiếp tục dùng hết sức lực của mình để chiến thắng căn bệnh này, dù với nhiều người, đó chỉ là hy vọng mong manh.
Và ước mong một ngày lại được thấy mình trong gương, nhẹ nhàng chải đầu, duyên dáng buông lơi mái tóc chưa một lần tắt trong họ.
Tú Anh - Kiều DươngBạn đang xem bài viết Về đâu một mái tóc thề ngày xưa? tại chuyên mục Bên hành lang Bệnh viện của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].