Làm mẹ là một hành trình gian nan nhưng chan chứa nhiều điều tuyệt vời. Thế nhưng, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được những trải nghiệm đó.
Hành lang chờ tại Khoa Hiếm muộn – Bệnh viện Phụ sản Trung ương hiện lên gương mặt âu lo và dáng hình lặng lẽ của những người vợ đang ngóng chờ sinh linh bé nhỏ của mình.
Họ đang nuôi hy vọng được vui đùa với con trong tương lai gần sau mỗi lần tới đây và chờ tin vui trong mỗi lần tái khám.
Họ lặng lẽ ngồi một mình hoặc có chồng ngồi cạnh, cùng chung ước muốn có con.
Gian nan
Ngồi lặng lẽ một mình tại Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị Thanh Hương chờ tới lượt khám với tâm trạng muộn phiền.
Lần tiểu phẫu thời sinh viên đã khiến tử cung chị bị tổn thương, dẫn tới khó mang thai.
Sự mệt mỏi và lắng lo hiển hiện qua gương mặt của những người đến khám.
Cưới nhau 5 năm là bấy nhiêu thời gian chị Hương và chồng mong ngóng được nghe gọi ‘mẹ’, ‘bố’ từ con mình. Sự mệt mỏi và lo lắng xen lẫn hy vọng đeo bám 2 vợ chồng chị.
Mỗi lần nghe ai đó chia sẻ trải nghiệm mang bầu, sinh con, chị lại suy nghĩ và trằn trọc khi đêm về. Nhìn những đứa trẻ hàng xóm chơi đùa cùng bố mẹ chúng, chị lại càng khao khát một tổ ấm có tiếng cười con trẻ. Cứ nghĩ đến sự hiếm muộn của mình, chị tủi thân khóc 1 mình.
‘Một, hai năm đầu tôi còn giữ được sự lạc quan. Càng về sau thì hy vọng của tôi càng vơi đi. Tuy vậy, tôi vẫn sẽ cố gắng cho đến lúc nào không thể tiếp tục được nữa.
Nhiều lúc phải tự động viên chính mình vượt qua, tự nhủ con cái là của trời cho. Chắc ông trời chưa cho mình nên chưa có, cứ lạc quan rồi thì may mắn sẽ mỉm cười với mình’, chị trải lòng.
Đã nhiều năm, những người phụ nữ này chạy chữa khắp nơi với hy vọng đến rồi lại thất vọng.
4 năm điều trị trong niềm hy vọng mong manh, đã có lúc chị nghĩ đến chuyện giải thoát để chồng chị đi tìm một hạnh phúc khác trọn vẹn hơn. Nhưng chính tình yêu thương vô bờ từ chồng mà chị không lỡ đưa cho anh ký vào tờ đơn xin ly dị.
‘Chồng càng động viên, thương yêu bao nhiêu thì tôi lại càng thấy có lỗi và thương chồng hơn. Thân làm vợ mà không thể sinh cho chồng một đứa con thì thấy mình vô dụng và bất hạnh lắm’, chị nghẹn ngào.
Cùng cảnh ngộ với chị Hương, Chị Thúy An (trú tại Từ Liêm - Hà Nội) cũng đang chạy chữa với hy vọng được có con.
Cưới nhau 5 năm, 4 lần mang thai trong đó 3 lần mang thai tự nhiên,1 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng may mắn đã không mỉm cười với vợ chồng chị khi tất cả đều không thành công.
Chị An không được may mắn như nhiều người khác khi hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả. Mỗi lần chạy chữa là một lần tốn kém khiến vợ chồng chị lâm vào cảnh túng thiếu.
Áp lực con cái làm cho cuộc sống vợ chồng chị nhiều lúc trở nên căng thẳng, cộng với sự soi xét, thúc giục của gia đình khiến cho chị càng thêm mỏi mệt. Thậm chí, chị và chồng còn không dám về quê vì mỗi lần mọi người trong gia đình, họ hang lại hỏi xoáy chuyện con cái.
Giống chị Hương và bao người đàn bà bị hiếm muộn, chị An đã có lúc muốn chia tay để giải thoát cho chồng.
‘Tôi bế tắc và tuyệt vọng hoàn toàn sau lần thất bại thứ 4. Nghĩ sao ông trời lại bất công với mình như vậy. Bây giờ mình cũng không dám chắc là có đủ sức khỏe để tiếp tục nuôi hy vọng nữa không. Chỉ biết rằng vì muốn làm mẹ và khao khát có một đứa con nên mình sẽ cố gắng đến cùng’, chị An bộc bạch.
Vỡ oà hạnh phúc
Sau 6 năm chờ đợi trong mòn mỏi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (quê Nghệ An) vỡ oà trong niềm hạnh phúc chào đón đứa con trai đầu lòng.
Nhớ lại quá trình gian khó 6 năm của mình, chị Hoa tâm sự, cưới nhau được 5 năm mà vẫn không thể có con dù đi khám ở đâu họ cũng đều kết luận sức khoẻ của cả 2 vợ chồng bình thường. Mọi người xung quanh cứ nghĩ anh chị đang kế hoạch nhưng thực ra không phải vậy.
Niềm vui ngập tràn khi đứa con mong ngóng bấy lâu đã đến với người mẹ.
Những lời đàm tiếu, những ánh mắt dò xét khiến chị quyết tâm khăn gói vào Nam với hy vọng gặp thầy gặp thuốc. Nhưng rồi chị lại quay về trong sự thất vọng tràn trề.
Trước những khó khăn đó, đã có lúc chị Hoa như muốn gục ngã. Nhưng rồi, bản năng được làm mẹ trong người con người chị lại thôi thúc chị phải kiên cường chiến đấu.
Mặc dù biết trong mình không có bệnh nhưng chị vẫn ‘vái tứ phương’ với hy vọng trời thương cho mình một đứa con. Mỗi khi nghe tin có ai đó có thể chữa chạy hay ở đâu có loại thuốc tốt thì dù xa mấy chị cũng tìm đến. Với đủ các loại thuốc từ đông, tây, nam, duyên làm mẹ vẫn chưa đến với chị.
Chạy chữa đến năm thứ 6, khi đang ở bên bờ vực tuyệt vọng và có ý định phó mặc cho duyên số thì tin vui đến với chị. Ngày biết tin có bầu, chị chỉ biết ôm lấy chồng rồi khóc òa lên trong niềm hạnh phúc tột cùng.
‘Thầm cảm ơn ông trời đã không phụ lòng, sau bao nhiêu năm cũng đã mang con đến cho vợ chồng tôi. Giờ tôi chỉ cầu mong có sức khỏe tốt để tập trung chăm lo cho con, dù khó khăn thế nào tôi cũng sẽ cố gắng giành những gì tốt nhất cho con’, chị Hoa chia sẻ.
May mắn hơn nhiều người, sau gần 3 năm chạy chữa, giấc mơ làm mẹ đã gọi tên chị Hồ Thị Thủy (quê Hải Dương)
Mặc dù không phải chịu áp lực nhiều từ những người xung quanh, nhưng khi nhìn bạn bè con bồng con bế, chị không tránh khỏi chạnh lòng.
Được chồng và những người thân trong gia đình động viên, chị lại càng có động lực cố gắng.
Có những ngày chồng đi công công tác, chị phải một mình lặn lội bắt xe từ Hải Dương lên Hà Nội để chữa trị. Nhiều lần vì phòng khám quá đông nên phải khám vào buổi tối càng khiến cho chị thêm vất vả hơn.
Khó khăn là vậy, nhưng với sự mong chờ về một đứa con, sự khao khát được làm mẹ đã thôi thúc chị vượt qua tất cả.
Ôm đứa con vào lòng chị không dấu được những giọt nước mắt đầy mãn nguyện: ‘Con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ, nhưng với những người khó sinh con như tôi thì tài sản đó lại giá trị hơn gấp ngàn lần’.
Có con, làm mẹ là khao khát lớn nhất của người phụ nữ. Trên con đường đi đến thiên chức cao cả đó, không ít người phụ nữ gặp khó khăn, thậm chí có người đã phải đầu hàng chấp nhận số phận.
Nơi chắp cánh ước mơ làm mẹ
Nơi đây đã chắp cánh ước mơ làm mẹ của biết bao người.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia - Bệnh viện Phụ sản Trung ương với nhiệm vụ khám, chẩn đoán, điều trị, tư vấn và thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng vô sinh và sinh con theo phương pháp khoa học, chẩn đoán di truyền.
Là nơi chắp cánh cho ước mơ làm mẹ của nhiều người phụ nữ.
Các bác sĩ ở đây cũng không thể nhớ chính xác đã thực hiện thành công bao nhiêu ca, nhưng một điều chắc chắn là con số ấy đã lên tới hàng ngàn.
Trung bình mỗi tháng trung tâm đón nhận và điều trị cho hàng trăm ca bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn.
Tỷ lệ thành công cập nhật theo từng tháng đạt từ 60% - 67%, tỷ lệ có thai lâm sàng (có tim thai) đạt từ 52% -55% và thai diễn tiến (có thai trên 12 tuần) là 47-50%.
Bạn đang xem bài viết Giấc mơ làm mẹ của những người hiếm muộn tại chuyên mục Bên hành lang Bệnh viện của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].