Giờ cơm chiều tại khoa Nhi, viện K3 Tân Triều mở ra bằng hình ảnh các ông bố bà mẹ thay phiên nhau đi mua đồ ăn, người ở lại phòng có khi trông tới 4-5 đứa một lúc.
Các con muốn ăn gì, bố mẹ chúng cũng đáp ứng nhưng khi nhìn thấy đồ ăn trước mặt lại lắc đầu nguầy nguậy hoặc chỉ ăn được vài ba miếng.
Đó là những vất vả đầu tiên mà bất kì ông bố bà mẹ nào ở đây cũng phải trải qua.
Dù đã chuẩn bị tâm lý cho những tháng ngày đồng hành với con ở viện nhưng có những tình huống bất ngờ ập đến, khiến các bậc cha mẹ hoang mang, rơi vào bế tắc.
Đổi ca chăm con
Con nằm viện, buộc phải có ít nhất 1 người luôn ở kề cận chúng. Điều đó đồng nghĩa với việc bố hoặc mẹ phải bỏ ngang công việc để theo con.
Nhiều cặp vợ chồng lựa chọn người nào thạo công việc ở nhà hơn thì người kia đi miết với con. Cũng có không ít đôi tìm cách thay phiên nhau đi viện với con.
Tuy gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ nhưng những ông bố chăm con cũng khéo léo, chu đáo không khác gì những bà mẹ.
Những ngày này, anh Quỳnh (bố của bé Thu Hương, bị u não) xuống viện chăm con thay cho chị nhà. Công việc 2 vợ chồng không bỏ được nên anh chị buộc phải đảo ca chăm con. Cứ 3,4 ngày, người này lại xuống viện trông con thay cho người kia về tiếp tục công việc của mình.
Khác với anh Quỳnh, bố bé Minh Hoàng (6 tuổi, bị u não) đã 1 mình đi chăm con nằm viện từ tháng 3 năm nay. Trước đây, Hoàng nằm 1 tháng ở bệnh viện Việt Đức, chị gái và mẹ trông.
Nhưng từ khi chuyển sang viện K, bố là người đi theo Hoàng suốt. Mẹ Hoàng ở nhà chăm anh bị liệt bẩm sinh nên mọi thứ ở viện bố Hoàng phải tự lo hết.
Hồi mới từ quê Nghệ An ra Hà Nội, anh lóng ngóng không biết mua đồ ăn thức uống ở đâu, nên toàn phải đi theo vài người nhà bệnh nhân cùng phòng. 6 tháng nằm viện cùng 5 lần 2 bố con dắt díu nhau về quê, anh cũng đã quen dần và thành thạo với sinh hoạt trong bệnh viện.
Nhà có 2 vợ chồng, con cái đang tuổi ăn tuổi học, mất 1 người ở viện cùng con, không làm ra tiền, kinh tế gia đình gánh gồng trên đôi vai người ở nhà. Thậm chí, có những đứa con đang học cấp 3 đã quyết định bỏ ngang, đi kiếm tiền lo chạy chữa bệnh cho em.
Cùng con ở viện đã 2 tháng, tất cả mọi khoản chi tiêu ở nhà và viện của gia đình chị Biên (quê Yên Bái) đều dựa vào thu nhập bấp bênh từ người chồng.
Ruộng nương của anh chị bị mất trắng, công trình phụ bị lật đổ sau đợt lũ quét ở Yên Bái vừa rồi. Chồng chị phải đi làm thuê ngày có ngày không với mức thu nhập 150.000 đồng/ngày công.
Bố mẹ làm ruộng, anh trai Đào (bệnh nhân bị ung thư xương) bỏ ngang việc học để đi làm kiếm tiền chữa trị cho em gái khi đang học lớp 11.
Mỗi lần Đào truyền hoá chất, nằm viện cũng phải mất khoảng 7 triệu đồng, bằng mức thu nhập mỗi tháng của cả nhà cộng lại.
Nén đau thương để có sức
Nhiều tháng trời đằng đẵng theo con, các ông bố bà mẹ vừa sốt ruột công việc ở quê lại vừa canh cánh nỗi lo bệnh tật của con nên nhiều lúc họ thấy nản chí, muốn buông xuôi là điều dễ hiểu.
Nhưng hơn ai hết, họ hiểu, nếu mình gục ngã lúc này chính là đẩy con mình thêm 1 bước gần với tử thần. Vì vậy, họ dùng hết sức mạnh tiềm tàng đứng vững bảo vệ con mình, từ những lời động viên, cười đùa xen giữa những đợt truyền hoá chất.
Đôi tay chị Luyến (quê Hải Phòng) liên tục chuyển động mát xa toàn thân cho đứa con 3 tháng tuổi của mình bỗng hẫng hụt, 1 bên chân của bé đã không còn nữa. Mắt ầng ậc nước, chị Luyến cười gượng ‘Cháu là thương binh hạng nặng đấy cô ạ. Trước khi lên bàn phẫu thuật, cháu được 5 cân, thế mà lúc cắt chân xong còn 4 cân’.
Những ngày đầu sau phẫu thuật, Bảo Nam khóc ngày khóc đêm, chị Luyến đã phải đi dọc hành lang bệnh viện, hết bế nằm lại bế vác nhưng không làm thế nào để cậu bé nín.
3 tháng con nằm viện là bấy nhiêu thời gian chị một mình ở nơi đất khách quê người. Chồng chị ở nhà đi làm kiếm tiền và chăm 2 đứa con.
‘Chị Chi nằm ở đây lâu nhất phòng, lên chức trưởng phòng rồi’, chị Luyến chỉ tay sang giường bên cạnh, có bé Thuỳ Chi đang được mẹ cho đứng tênh tênh.
Sau 6 lần truyền hoá chất, 5 lần gây mê cùng vài chục lần lấy ven không thành, bác sĩ tiên lượng cô bé 1 tuổi này chỉ còn 30% hy vọng. Dù vậy, chị Dịu (ở Thường Tín) vẫn lạc quan: ‘Cháu vừa đón sinh nhật trong viện được vài ngày, nhìn con cũng xót xa lắm nhưng mình phải cố gắng thôi chứ bây giờ cũng chẳng còn cách nào khác’.
Phía bên kia là chị Vân (quê Bắc Ninh) đang xoa bên tay băng trắng để cố định kim luồn, chị đã đi theo con được 2,5 tháng, bé Minh Thư bị u vỏ tuyến thượng thận.
Từ đầu năm, tai hoạ liên tiếp đổ xuống gia đình chị Vân. Chồng bị gãy xương vai, bé Thư bị u vỏ tuyến thượng thận nằm viện được 2,5 tháng, chị mang bầu hơn 5 tháng, đi trông bé Thư nên phải bỏ đứa con trong bụng khi mang bầu 6 tháng.
Gạt đau thương, chị và chồng tập trung sức lực, tiền bạc để lo chữa bệnh cho Thư.
Giọt nước mắt ‘để dành’
Không bà mẹ, ông bố nào có thể kìm nén được cảm xúc của mình khi chia sẻ câu chuyện về đứa con đang phải cắm dịch, truyền hoá chất, tay băng trắng...
Những cơ thể con trẻ chẳng còn nguyên vẹn khiến họ khóc thầm mỗi đêm.
Đi theo con nằm ở Bệnh viện K3 Tân Triều từ tháng 3/2017, anh Phúc Chinh (quê Ninh Bình) nín lặng nhìn Hữu Phúc ăn ngon lành bát canh nấu cùng thịt vừa mua ở cổng viện.
Ngày mai, cậu bé 12 tuổi này bước vào đợt truyền hoá chất thứ 6 nên bố động viên ăn uống thật nhiều để có sức khỏe tốt nhất chống chọi với sự hành hạ của hoá chất trong cơ thể.
Phúc không biết, chỉ vài ngày nữa thôi, sau đợt truyền hoá chất tới, căn bệnh ung thư xương sẽ cướp đi 1 bên chân của em.
Nhận được thông báo con trai không thể giữ lại 1 bên chân, anh Chinh không chịu nổi, cứ thi thoảng đi ra hành lang ghế chờ, để con trong phòng 1 mình chơi với các bạn vì sợ Phúc nhìn thấy những giọt nước mắt chực trào.
Anh Chinh tranh thủ hỏi những bệnh nhân đã bị tháo khớp chân về cảm giác của họ khi nghe tin dữ, để có phương án nói với Phúc thế nào cho bé bớt tổn thương nhất.
‘Có người khuyên nói trước với con nhưng cũng có người bảo không nói gì, nhưng nếu cứ để con vào phòng phẫu thuật xong xuôi rồi mới biết mình bị mất chân khi thì anh không đành’, anh Chinh lấn cấn.
Cũng giống như anh Chinh, chú Thư (quê Yên Bái) luôn đau đáu nỗi đau con trai của mình bị cắt chân. Bỏ qua những nhóm bệnh nhân và người nhà ngồi nói chuyện với nhau, chú ngồi lặng lẽ ở góc phòng chờ giữa giờ ăn tối.
Con trai chú bị ung thư xương, phải tháo khớp chân ở tuổi 29. Khi biết tin không giữ được chân, chú và con trai ngồi thẳng thắn nói chuyện với nhau.
Sau đó, cả 2 chỉ nhìn nhau không nói câu nào, ai cũng buồn, giờ nhắc lại mắt chú vẫn rười rượi dù vẫn cười lịch sự.
Trải qua cảm giác đớn đau khi con gái bị cắt mất 1 bên chân vì bị ung thư xương từ năm 2015, chị Thuỷ (quê Thái Nguyên) tiếp tục hành trình ở nằm hành lang viện chăm con khi bé Minh Hằng mới phát hiện bị di căn lên phổi.
Nhìn Hằng chống nạng đi từ giường bệnh đến chỗ rửa tay, chị Hằng vẫn chưa hết hoang mang khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn 2 năm trước.
Hằng khi đó mới 5 tuổi nên anh chị quyết định không nói gì cho cô bé biết về việc em bị mất 1 bên chân.
Chị không ngờ, sau khi bình phục, Hằng thủ thỉ với mẹ: ‘Mẹ ơi con bị bệnh nên phải cắt chân đi cho khỏi bệnh. Khi nào con lớn thì con lắp chân giả, con vẫn đi được bằng 2 chân’.
Những quãng ngắn vài ngày giữa các đợt truyền hoá chất của con không đủ để các ông bố bà mẹ ngơi nghỉ những âu lo, tính toán chạy vạy.
Trong quãng thời gian ít ỏi đó, các bố mẹ chưa kịp bắt nhịp trở lại cuộc sống không mùi thuốc khử trùng bệnh viện thì đã phải ngay lập tức quay lại ăn cơm viện cùng con.
Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, có lẽ, với các ông bố bà mẹ, không nỗi đau nào lớn bằng những nhức nhối khi hằng ngày chứng kiến sức khoẻ con mình yếu đi với phác đồ điều trị tăng đều theo mỗi giai đoạn.
Các ông bố bà mẹ đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, làm những công việc khác nhau với những mục tiêu cuộc sống chẳng ai giống ai.
Nhưng khi theo con vào Khoa Nhi, Bệnh viện K3 Tân Triều, họ đều giống nhau.
Hằng ngày, đều đặn theo dõi những biến chuyển của con, đều có những hoang mang, lo sợ đứa con có thể sẽ rời bỏ mình mà đi bất cứ lúc nào và cùng chung ước vọng bọn trẻ sẽ khoẻ lên và sống được xa hơn.
Tú Anh - Kiều DươngBạn đang xem bài viết Vì con tại chuyên mục Bên hành lang Bệnh viện của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].