Buổi sáng ngày Tết Trung thu, cơn mưa nặng hạt ngang qua hành lang Khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt cho trẻ Bại não của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, mọi thứ vẫn diễn ra bình thường, các con ngồi hoặc nằm trên giường bệnh của mình, chờ các bác sĩ tới châm cứu.
Một ngày Rằm tháng Tám của các bé chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ diễn ra như bao ngày khác.
Chúng không biết tại sao phòng bệnh của mình lại bỗng dưng rực rỡ sắc màu như vậy, không cả hiểu vì sao lại nhận được nhiều quà nào bánh nào kẹo nào đồ chơi đến vậy.
Những bước đi chập chững đầu tiên của Tấn Tài khi 4 tuổi khiến bà nội con mừng lắm. Trung thu năm nay Tài đã đi được mươi bước, dù vẫn còn cần sự trợ giúp của bà nội.
Đáp lại sự kiên trì hơn một năm trời của hai bà cháu là những nhận biết đầu tiên của Tài về vài điều gần gũi xung quanh con. Mấy ngày trước, viện tổ chức Trung thu cho các bệnh nhi, Tài nhận được thưởng khi đoán trúng con gà trống sau câu hỏi của các cô chú: ‘Con gì có mào đỏ, gáy ò ó o’.
Tấn Tài đã điều trị tại đây lần này là đợt thứ 7.
‘Hai Trung thu nay cháu ở viện rồi, Trung thu sang năm cầu trời cháu được về nhà’, bà nội hạ giọng, nhìn Tấn Tài đang say mê chơi con búp bê mượn của bé Phương Thảo nằm giường bên cạnh.
Khác với Tấn Tài, đây là lần đầu tiên Anh Tuấn đón Trung thu ở viện. Mới nhập viện được gần 1 tháng, mẹ con chị Quyên cũng dần quen với nhịp sống ở nơi đây.
Cả ngày, Tuấn hết ngồi khoanh chân lại nằm. Cậu bé 6 tuổi này nghe kém, chỉ nhìn mọi người ra hiệu, khi hiểu khi không.
Những năm trước, Trung thu của Tuấn chỉ ngồi nhà, bố mẹ cũng không đưa con đi đâu cả.
Lặn lội từ Nha Trang đưa con ra ngoài này chữa bệnh, chị Cảnh đang chỉnh lại góc treo đồ chơi Trung thu cho con. Cô bé Khánh Hà mới nằm viện được 2 tuần lễ. Trung thu năm nay của Hà chỉ quẩn quanh trong phòng bệnh, ở hành lang bệnh viện chứ không được bố mẹ chở đi chơi hay tới nhà văn hoá tổ dân phố nhận quà như mọi năm.
Những mùa trăng tròn đã qua của những đứa trẻ bị bại não, chậm phát triển trí tuệ và ngôn ngữ là vài món đồ chỉ xuất hiện trong dịp Rằm tháng Tám nhưng chúng không biết và cũng không hiểu được ngày này là ngày của trẻ thơ.
Đến tuổi đi học, nhiều đứa chỉ ngồi được một chỗ, không thể chạy nhảy tung tăng, không thể đi rước đèn được cùng các bạn đồng lứa.
Dù là Tết Trung thu đầu tiên hay là thứ mấy, với những đứa trẻ bị bại não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ thì cũng đều như những ngày bình thường cả.
Cả tuần nay, phòng bệnh nào tại khoa cũng ngập tràn sắc màu Trung thu. Nhiều nhóm thiện nguyện, nhiều nhà hảo tâm đến với các con với phần quà là đèn ông sao, đèn lồng, quả cầu và cả đồ ăn, thức uống.
Hoàng Văn Anh đang ngồi thò 2 chân qua thanh chắn giường bệnh. Trên đầu cậu bé 10 tuổi bị bại não này là những chùm bóng bay do chính bố cậu và những bà mẹ cùng phòng bệnh trang trí cho các con.
Đây là đợt điều trị thứ 4 của Văn Anh tại đây. Cậu anh cả của khoa này chưa cầm nắm được vật gì một cách tự nhiên.
Những ngón tay cứ quắp chặt vào, bố đưa cho cái đèn ông sao thì phải kiên nhân gỡ từng ngón tay con ra rồi nhẹ nhàng đặt vật đó vào.
Rồi chỉ được vài chục giây, Văn Anh lại buông ngay ra, trở lại tư thế co quắp ngón tay, nhịp nhịp vỗ hai tay vào thành giường bệnh hoặc khua khoắng loạn xạ.
‘Cứ có đồ chơi, đồ ăn là chúng nó thích rồi chứ có biết Tết Trung thu là cái gì đâu’, anh Hoàng Văn Đôn vừa đưa đèn ông sao cho con vừa nói.
Trong số những đứa trẻ đó, chẳng có đứa nào có thể chìa tay ra xin quà từ mọi người. Đáp lại những câu nói của mẹ, của bà: ‘Cô cho quà con này, cảm ơn cô đi’, ‘Quay ra cảm ơn cô chú đi con’…, chỉ là những gương mặt nghênh nghênh đầy rớt dãi và ánh mắt khác thường.
Có những em có đôi bàn tay co quắp, người nhà phải cầm quà giúp rồi đặt ở đầu giường bệnh hay treo lên cửa sổ.
Cũng vì nhiều đứa không cầm nắm được những món đồ chơi Trung thu nên các phụ huynh hò nhau trang trí phòng bệnh.
Mỗi người một tay, các phụ huynh trang hoàng phòng bệnh cho các con vì muốn chúng cũng được tận hưởng không khí những ngày Trung thu, ngày của trẻ thơ như những đứa trẻ bình thường.
Những chiếc đèn ông sao được giăng lên lên thành hàng. Điểm trong đó là những chùm bóng bay, những quả cầu giấy được làm cầu kì và biết bao tình yêu thương con trẻ.
Những chiếc đèn lồng thì được đặt ngay trên giường, để các con đứa nào thích chơi thì với lấy, có người lớn bật giúp công tắc phát sáng và phát nhạc.
Hơn bao giờ hết, ước mong một ngày nào đó các con có thể lao vào phá cỗ Trung thu, đi rước đèn, trông trăng đêm Rằm tháng Tám như những đứa trẻ cùng tuổi luôn cháy bỏng.
Điều quý giá với những người bà, ông bố, bà mẹ, chỉ là những bước đi chập chững của con mình, những câu nói rõ nghĩa đầu tiên, cho dù chúng đã đến tuổi đi học tiểu học.
Có thể, mùa Trung thu tới, các con sẽ đi được những bước đi đầu tiên của cuộc đời và nói được tròn tiếng hoặc cũng có thể sẽ cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn hơn nữa.
Nhưng dù thế nào, tuổi thơ của các con cũng được ngập trong sắc màu đèn ông sao năm cánh, đèn kéo quân, đè lồng rực rỡ và có những mâm cỗ trông trăng với những con thú được làm từ bưởi, từ những quả dưa đỏ… và được tạo nên bằng rất nhiều tình yêu thương.
Ngoài kia, những đứa trẻ phát triển bình thường đang háo hức một đêm Rằm Trung thu phá cỗ với những người bạn cùng xóm làng, cùng tổ dân phố…
Còn trong này, các cô bé, cậu nhóc nhìn mọi thứ bằng ánh mắt không điểm dừng và u ớ những phát âm vô nghĩa.
Tối trông trăng nay nay, khúc nhạc Rằm Tháng Tám của các con cất lên rè rè qua cái loa nhỏ gắn trong những chiếc đèn lồng được tặng. Các con sẽ cùng người lớn xem hình ảnh buổi lễ Trung thu qua màn hình nhỏ.
Khuôn mặt ửng màu xanh, đỏ lấp lánh phát ra từ những chiếc đèn ông sao treo đầu giường bệnh của các con phản chiếu một sắc màu của tuổi thơ, của ngày Rằm tháng Tám.
‘Con có biết Trung thu là ngày gì không?’, Tuấn Tài phát âm từ ‘Không’ méo mó rồi cười hềnh hệch.