Ngồi dựa lưng vào tường với gương mặt gợi lên sự mỏi mệt, đau đớn của một người vừa trải qua 6 lần truyền hoá chất và 1 lần phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, chị Bình (ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) thều thào tâm sự câu chuyện của mình.
Tháng 3/2017, thấy bị mất kinh nguyệt kèm đau bụng, chị Thanh Bình đi khám ở bệnh viện và nhận tin dữ từ bác sỹ.
Chán nản, buồn rầu là những gì hai vợ chồng chị trải qua ngay sau khi được bác sỹ thông báo chị bị ung thư cổ tử cung. Hàng loạt suy nghĩ, tính toán kéo đến trong sự hoang mang, tuyệt vọng của hai vợ chồng.
Điều đầu tiên hai vợ chồng lo sợ là lấy tiền đâu ra để chữa trị khi mà bây giờ vẫn còn đang phải chạy ăn từng bữa.
Trước ý định bỏ cuộc, không điều trị nữa, phó mặc cuộc đời của chị Bình, chồng chị chính là người ở bên, liên tục động viên tinh thần để chị bớt âu lo, yên tâm điều trị.
Anh Như (chồng chị Bình) nhất quyết bằng mọi giá phải chạy chữa cho vợ đến cùng vì vợ còn trẻ, còn hai đứa con, dù có sống thêm được 1-2 năm cũng quyết tâm điều trị.
11 năm lấy chồng là quãng thời gian khó khăn nhưng cũng tràn đầy niềm hạnh phúc với gia đình nhỏ của chị.
Chị có một người chồng biết quan tâm, lo lắng, có hai đứa con đáng yêu. Với người có tiền sử bị bệnh thận như chị, không còn điều gì may mắn hơn.
Sức khoẻ chị vốn yêu nên chị không làm được công việc nặng, hay ốm đau. Vì vậy, chị chỉ ở nhà chăm sóc gia đình.
Năm ngoái, do ảnh hưởng của bệnh thận, chị Bình phải điều trị ở bệnh viện Bạch Mai mất 6 tháng. Anh Như nhớ lại, khi đó không có tiền để nằm viện nên anh chị cứ đi khám lấy thuốc về nhà điều trị dần cũng đỡ.
Kinh tế gia đình đặt lên đôi vai người chồng có thu nhập bấp bênh. Công việc phụ xe của chồng chị không ổn định, nay được một cuốc, mai ở nhà, thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 2-3 triệu đồng, khiến sinh hoạt gia đình có 4 người vô cùng khó khăn.
Hai vợ chồng cấy được sào lúa nên cơm gạo không phải lo, rau thì nhà trồng được, không thì đi xin hàng xóm, họ hàng nên cũng đỡ phần nào.
Toàn bộ số tiền kiếm được anh chị dồn cả vào hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học với hy vọng những đứa con của mình sẽ có một tương lai sáng lạn, khá hơn bố mẹ.
Gia đình hai bên nội ngoại của vợ chồng chị cũng không có gì, anh chị em đều làm nông nghiệp. Ngoài giúp đỡ những công việc năng, thi thoảng, anh chị nhận được sự trợ cấp số tiền 1-2 trăm nghìn đồng từ anh chị em trong gia đình.
Khoản tiền ít ỏi được cho đó, vợ chồng chị gom góp để dồn tiền đóng học cho con. Nhà trường biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị nên ưu tiên cho anh chị đóng góp các khoản muộn hơn một chút.
Chị đi viện, chồng đi theo, không có ai ở nhà chăm sóc con cái, anh chị gửi hai con sang nhà chị gái.
Một đứa 5 tuổi, một đứa học lớp 4, không đứa nào biết về bệnh tật của mẹ và hiểu được những khó khăn chúng đang và sẽ phải trải qua trong tương lai.
Sau mỗi đợt truyền hoá chất, chị được về nhà với hai đứa nhỏ. Căn nhà nhỏ được bố mẹ chồng dành dụm xây cho trước khi ông bà mất rộn lên tiếng cười sum vầy độ tuần lễ, rồi anh chị lại phải khăn gói tới viện điều trị tiếp.
Những tháng ngày nằm viện, ngoài nỗi lo bệnh tật, tiền bạc để chạy chữa thì hơn cả là nỗi nhớ nhung hai đứa con của mình. Có những đêm, chị đau không ngủ được, nước mắt cứ giàn ra khi nghĩ về hai đứa con của mình.
Những cuộc điện thoại cho con từ viện cũng không làm vơi đi nỗi nhớ, nỗi lo thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ.
Có chị gái lên thăm, anh Như tranh thủ chạy xe về nhà thăm hai đứa con, từ trưa chặt đến lưng chiều, vài tiếng đồng hồ rồi anh lại sấp ngửa vào viện ngay với chị.
Những ngày nằm viện, chồng là người kề cận chăm sóc chị. Chính tình yêu thương của chồng mà chị có thêm tự tin bước vào mỗi lần truyền hoá chất mỏi mệt và lần phẫu thuật đau đớn.
‘Nhìn thấy vợ đau đớn, tôi thương lắm, chỉ đỡ đần được vợ con phần nào. Nhớ con thật đấy nhưng ở viện không có ai trông nom vợ, chăm sóc cho vợ cả’, anh Như tâm sự.
Anh Như cũng muốn đi làm kiếm tiền trang trải nhưng vợ yếu, nằm viện, không có ai bên cạnh nên đành ngậm ngùi.
Mùa tựu trường năm nay, hai đứa không được mẹ dẫn tới trường như mọi năm. Nằm ở viện, lòng chị bồn chồn, không biết hai đứa đi khai giảng năm học mới này có gì vui?
‘Chúng nó còn bé quá, nói bênh của mẹ cho chúng biết thì tội lắm. Về nhà chị toàn phải quàng khăn che phần đầu không còn tóc, chị sợ các con nhìn thấy’, người phụ nữ sinh năm 1984 nghẹn ngào.
Chị chỉ mong bệnh tình thuyên giảm để được về nhà, sống cùng với các con, để chúng còn có mẹ, đỡ khổ.
6 lần truyền hoá chất, vợ chồng anh chị tự xoay xở từ mọi nguồn có thể, vay người này một ít, người kia một ít, vay ngân hàng… để có tiền chi trả viện phí. Đến lần phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để giữ được tính mạng cho chị, tài sản của vợ chồng đã kiệt quệ.
Trước tình hình đó, phòng Công tác xã hội, bệnh viện Phụ sản Trung ương, nơi chị điều trị đã kêu gọi được các nhà hảo tâm ủng hộ đủ số tiền chi trả cho cuộc phẫu thuật đó.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước của chị Bình còn rất gian nan và cần số tiền không nhỏ điều trị bệnh tật.
Có lúc túng quẫn, nhìn vào khoản viện phí phải trả, chị nghĩ quẩn quanh, hay là mặc kệ bệnh tật để dành tiền học phí cho con. Nhưng chỉ tưởng tượng tới cảnh phải xa bầy con nước mắt lại trào...
Mọi đóng góp giúp đỡ, quý độc giả gửi tới:
Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, số 43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội với đầu đề: Tặng bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh Bình, sinh năm 1984, quê huyện Thanh Oai, Hà Nội, bị ung thư buồng trứng.
Tú Anh - Kiều DươngBạn đang xem bài viết Người đàn bà đắn đo nộp viện phí chữa bệnh hay dành dụm học phí cho con tại chuyên mục Bên hành lang Bệnh viện của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].