Với triệu chứng ho, sốt, đau họng… khiến không ít người nhầm lẫn bệnh bạch hầu với viêm họng thông thường, viêm amidan. Vậy làm thế nào để phân biệt được bệnh bạch hầu với viêm họng, viêm amidan?
Theo ThS.BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, những triệu trứng ban đầu của bệnh bạch hầu thường khá giống với viêm họng thông thường, viêm amidan…
Chính vì vậy mà người mắc rất khó phân biệt được bệnh và đã có không ít trường hợp người bệnh nhầm lẫn giữa bạch hầu với các triệu chứng cảm cúm, viêm họng, viêm amidan thông thường.
Sự nhầm lẫn này rất dễ gây ra tình trạng đến viện điều trị muộn, lây nhiễm chéo trong gia đình, khu dân cư hay tệ hơn nữa là bùng phát dịch trong cộng đồng.
Các dấu hiệu để phân biệt bệnh bạch hầu với viêm họng thông thường, viêm amidan:
- Bạch hầu thể ở mũi trước sẽ sốt nhẹ, chảy nước mũi đục, nước mũi có thể hơi lẫn máu, nhìn vào trong lỗ mũi có thể thấy các giả mạc ở vách ngăn mũi. Cùng là sốt nhẹ nhưng với người bị viêm họng hay viêm amidan thì thường nhanh chóng chuyển sang sốt cao.
- Bạch hầu thể hầu họng có thể nhìn thấy trong họng của người mắc bạch hầu biểu hiện họng đỏ, sưng, vùng họng phía trước amidan có giả mạc màu vàng xám hoặc trắng ngà. Khi cố tình bóc tách giả mạc thì sẽ thấy rất dai và dễ chảy máu.
Trong khi đó, viêm họng thông thường, sưng amidan thường gây khó chịu ở khu vực cổ họng, khiến người bệnh khô môi và lưỡi, khoang miệng có mùi khó chịu, mất giọng, rát họng và có cảm giác đau rát khi nuốt thức ăn rắn.
Bệnh nhân viêm họng hay viêm amidan nếu có xuất hiện giả mạc thì cũng lấy ra rất dễ dàng và giả mạc này cũng không dày hay sẫm màu như giả mạc ở người bệnh bạch hầu.
- Bạch hầu thể thanh quản sẽ khiến người bệnh có tiếng ho ông ổng, khàn tiếng, thậm chí giai đoạn nặng hơn sẽ xuất hiện thở rít, khó thở…
- Khi mắc bệnh bạch hầu ở họng sẽ có phản ứng sưng hạch ở dưới hàm làm cổ to, bạnh ra. Còn bệnh nhân viêm họng hoặc viêm amidan lại sưng thành các hạch quanh cổ, dưới tai hoặc ở góc hàm.
Đặc biệt, người dân cần lưu ý đến giả mạc xuất hiện dày, bám chắc ở vùng họng, bởi đây là một trong những triệu chứng riêng của bệnh bạch hầu.
Bệnh bạch hầu (Diptheria) là gì?
Bệnh bạch hầu (diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria gây ra.
Ở Việt Nam, khoảng 5 năm nay, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk…