Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y dược Cơ sở 3, đau vai sau đột quỵ là một vấn đề thường gặp ở người bệnh liệt nửa người, đặc biệt trong giai đoạn liệt mềm, và thường xảy ra trong vòng 3 tuần sau đột quỵ.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thay đổi một phần hoặc toàn bộ sự liên kết giữa xương bả vai và xương cánh tay ở tất cả các hướng, xuất hiện sau khi đột quỵ và không do chấn thương.
Tại Việt Nam, theo thống kê hằng năm, số người bị mất sức lao động, tàn tật do đột quỵ chiếm trên 480.000 người trong đó khuyết tật về vận động chiếm tỉ lệ cao nhất: 51,9%. Trong đó, biến chứng thường gặp là đau vai sau đột quỵ (chiếm tỉ lệ từ 17% đến 81%).
Đau vai sau đột quỵ gây những cơn đau nhức khó chịu, làm cản trở quá trình phục hồi vận động, kéo dài thời gian hồi phục vận động, làm tăng mức độ tàn tật dẫn đến suy giảm chất lượng sống của người bệnh.
Những yếu tố nguy cơ gia tăng khả năng đau vai sau đột quỵ
– Tư thế sinh hoạt và luyện tập của người bệnh không thích hợp.
– Dịch chuyển người bệnh không đúng cách.
– Tập động tác ròng rọc trong vật lý trị liệu
Để hạn chế tình trạng này, cần phải bảo đảm tránh các tư thế sai
Những tình huống làm tăng nguy cơ đau vai ở người bệnh được ghi nhận trên lâm sàng:
Khi người bệnh nằm:
– Để người bệnh nằm nghiêng bên liệt sẽ đè ép khớp vai gây bán trật khớp.
– Không kê khăn hoặc gối mỏng bên dưới vai liệt sẽ làm khớp vai trật ra sau và xuống dưới theo trọng lực.
– Bên tay bị liệt không được kéo dãn và duỗi ngửa, lâu ngày sẽ co cứng, vặn xoắn vào trong theo diễn biến sinh lý bệnh sẽ làm bán trật khớp vai ra trước.
Khi người bệnh ngồi:
– Tay không được kê hoặc không được nâng đỡ sẽ làm khớp vai xệ xuống theo trọng lực.
– Việc đeo đai vai thường xuyên làm diễn tiến liệt cứng nhanh và nhiều dễ gây bán trật khớp vai.
– Tập động tác tập kéo ròng rọc khi ngồi không đúng cách cũng dễ gây trật khớp vai.
Khi người bệnh đứng hoặc đi:
– Không được giữ cố định khớp vai và bị kéo khớp vai khi di chuyển đứng lên ngồi xuống.
– Đứng chựng và đi sẽ làm dãn dây chằng quanh khớp hoặc trật khớp vai.
Điều trị và dự phòng đau vai sau đột quỵ
Điều trị đau vai sau đột quỵ
Theo Y học hiện đại, điều trị đau vai sau đột quỵ chủ yếu bằng các phương pháp dùng tân dược giảm đau chống viêm, hoặc các phương pháp tập vật lý trị liệu như đeo đai vai, tập thụ động có hỗ trợ giúp chống cứng khớp, kích thích điện thần kinh cơ vùng vai bên liệt.
Theo Y học cổ truyền, đã có nhiều bằng chứng cho thấy việc kết hợp điều trị bằng Y học cổ truyền có vai trò nhất định trong việc điều trị giảm đau hoặc phòng ngừa triệu chứng đau và các giới hạn vận động khớp vai do yếu cơ, co cứng cơ sau đột quỵ như kết hợp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt kết hợp sử dụng các bài thuốc giúp lưu thông khí huyết, kinh mạch nhằm phục hồi yếu liệt, chống đau khớp, tăng tuần hoàn ngoại vi toàn cơ thể…
Dự phòng đau vai sau đột quỵ
Bằng cách chú ý tránh các yếu tố nguy cơ như đã kể trên.
Ngoài ra phương pháp đơn giản thường được dùng là băng treo cánh tay.
Lợi ích của băng treo cánh tay trên người bệnh liệt nửa người là hỗ trợ, bảo vệ chống lại chấn thương, thường được sử dụng trên cánh tay liệt mềm, nhược điểm là dễ gây co cứng các mô mềm nếu không được hướng dẫn đúng cách.
Băng treo cánh tay cũng có thể dùng trong thời gian đi bộ đặc biệt là đi ở khoảng cách dài, với điều kiện người chăm sóc hoặc người bệnh có thể đeo băng treo cánh tay đúng cách.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y dược Cơ sở 3
Bạn đang xem bài viết Đau vai sau đột quỵ: Nguyên nhân, điều trị, cách dự phòng tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].