Ngày Quốc tế Người cao tuổi, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 1990, diễn ra vào ngày 1 tháng 10 hàng năm, với mục tiêu khuyến khích chính phủ và nhân dân các nước chú ý giải quyết những vấn đề của người cao tuổi, đồng thời tôn vinh những đóng góp của họ cho gia đình và xã hội. Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội”, chúng ta được nhắc nhở về tầm quan trọng của lối sống tích cực đối với sức khỏe của người cao niên.
Để duy trì sức khỏe tốt, tăng tuổi thọ, bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo người cao tuổi cần lưu ý 5 điều dưới đây.
1. Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ rau và trái cây, uống đủ nước, hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường, muối và chất béo
- Những món ăn dành cho người cao tuổi nên được chú ý từ khâu lựa chọn thực phẩm đến chế biến do khác biệt về đặc điểm cơ thể và nhu cầu dinh dưỡng.
- Người cao tuổi nên duy trì chế độ ăn uống điều độ, tránh ăn quá no, đặc biệt buổi tối trước khi đi ngủ và khi có bệnh ở hệ tim mạch. Kể cả những ngày lễ tết cũng không nên ăn quá mức bình thường.
- Chế biến các món ăn hỗn hợp có nhiều gia vị kích thích ăn ngon miệng nên làm thức ăn mềm, nấu nhừ (chú ý tới món canh) vì tuyến nước bọt và hàm răng của người cao tuổi hoạt động kém, khó nhai và nuốt thức ăn.
- Ðảm bảo uống đủ nước: nước trắng hoặc nước chè. Hạn chế uống nước ngọt. Người cao tuổi hay quên và có thể mất cảm giác khát. Cho nên, cần gây thành thói quen uống nước hàng ngày, ví dụ sáng uống hai cốc, trưa hai cốc, chiều hai cốc. Tránh uống nhiều nước buổi tối.
- Chú ý các thức ăn nguồn thực vật vì nếu biết chọn lựa, chế biến khéo sẽ tạo ra các món ãn ngon, bổ, dễ tiêu, giá rẻ.
- Trong mọi trường hợp, cần đảm bảo vệ sinh trong chế biến, nấu nướng món ăn và giữ gìn vệ sinh ăn uống. Thức ăn, nước uống là nguồn gây bệnh.
Cần đảm bảo cho người cao tuổi được ăn uống thoải mái, có được nguồn vui trong bữa ãn hàng ngày. Nguồn vui được tạo ra do sự chăm sóc, tình cảm của người thân trong gia đình khi chế biến các món ăn mà người già yêu thích. Nguồn vui còn do bản thân người già biết cách giữ gìn ăn uống điều độ. Từ đó giúp người cao tuổi luôn luôn thanh thản, thoải mái, ăn ngon, ngủ sâu, tiêu hóa hấp thu tốt.
2. Vận động thể lực thường xuyên
Đối với người cao tuổi, việc vận động, tập luyện thể dục thường xuyên vừa giúp tăng cường sức khỏe, tránh sự thoái hóa và phòng ngừa bệnh tật. Nhưng vận động thế nào cho phù hợp với tuổi già? Phải lượng sức mình mà tập luyện theo mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cần chú ý rằng những người khoẻ mạnh không giống nhau, có thể chia theo nhóm tuổi, giới tính, tình hình luyện tập trước đó. Mức hoạt động khi luyện tập sẽ cao hơn đối với những người tương đối trẻ và thấp hơn đối với người nhiều tuổi. Có thể chia ra những người có trình độ tập luyện thể lực tốt, những người có trình độ tập luyện vừa phải và những người không tập luyện.
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mình mà người cao tuổi lựa chọn các bài tập phù hợp như: đi bộ, yoga, thái cực quyền, bơi lội…
3. Duy trì giờ giấc sinh hoạt đều đặn giúp có giấc ngủ tốt hơn
Thời gian ngủ là được nghỉ ngơi, hồi phục lại sức khỏe, ổn định lại sau một ngày hoạt động mệt nhọc. Đa phần người cao tuổi có rối loạn về giấc ngủ. Mất ngủ ở người già có nhiều nguyên nhân:
- Do những chuyện riêng tư phải suy nghĩ nhiều.
- Do nhiều bệnh tật cùng lúc xảy ra.
- Do bản thân tế bào não vừa già hoá vừa mất dần đi theo tuổi
Để đảm bảo giấc ngủ tốt, người cao tuổi nên tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Ngủ và dậy vào những giờ nhất định.
- Tránh xem truyện, ti vi quá khuya.
- Chuẩn bị tốt chỗ ngủ: thoáng mát, khi mùa rét phải đủ ấm.
- Tránh suy nghĩ căng thẳng trước khi ngủ. Tránh ngủ ngày nhiều, mỗi buổi trưa chỉ ngủ từ 1-1,5 giờ.
- Cần phải điều trị các bệnh gây đi tiểu nhiều như tăng huyết áp, u tiền liệt tuyến, đái tháo đường.
- Hít thở sâu 10 phút trước khi ngủ có thể giúp giấc ngủ ngon hơn.
4. Hạn chế hoặc không sử dụng thuốc lá và rượu bia
Thường xuyên uống rượu, bia không chỉ gây nên các căn bệnh sức khỏe sinh lý đến các bộ phận trong cơ thể mà còn đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Nhất là với những người già nghiện rượu sẽ gây hại cho hệ thần kinh như trí nhớ suy giảm, ảo giác, lú lẫn, trầm cảm…
Chất chính trong thuốc lá là nicotine, một chất hóa học gây nghiện. Nicotine tác động đến cả não và cơ thể, thúc đẩy giải phóng chất dẫn truyền thần kinh adrenaline và làm tăng nhịp tim, nhịp thở, thậm chí cả tăng huyết áp. Nicotine còn ảnh hưởng đến não bằng cách kích hoạt chất dẫn truyền thần kinh dopamine, giúp tạo cảm giác thỏa mãn, dễ chịu. Đây chính là cơ chế quan trọng dẫn đến đặc tính gây nghiện của thuốc lá. Ngoài gây nghiện, nicotine cũng gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe như lo lắng, chóng mặt, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, ói mửa hoặc run. Dùng thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, ung thư miệng và nhiều bệnh về đường hô hấp khác.
Với những tác hại mà rượu, bia và thuốc lá đem đến cho sức khỏe, tốt nhất người lớn tuổi nên hạn chế tối đa thói quen này và thay vào đó duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học để tốt cho thể chất và tinh thần.
5. Khám sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng định kỳ
Người cao tuổi, nhất là những người có bệnh nền cần duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe, đưa ra những tư vấn phù hợp, điều chỉnh liều lượng thuốc và có chỉ định điều trị bệnh kịp thời.
Bạn đang xem bài viết Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10/2024: 5 lưu ý đối với người cao tuổi để duy trì sức khỏe tốt, tăng tuổi thọ tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].