Ranh giới giữa sự tự tin và cái tôi rất mong manh. Bạn có thể tự hào về thành quả của mình và tự tin vì mình giỏi ở lĩnh vực nào đó; nhưng nếu bạn tự cho rằng mình tài giỏi hơn tất cả mọi người thì lại là một câu chuyện khác.
Cái tôi có thể cản trở thành công của bạn. Nếu bạn thực sự giỏi hơn người khác thì hả hê vì tài năng của mình chỉ làm bạn tốn thời gian và năng lượng.
Thay vào đó, bạn nên giúp những người khác tiến bộ hơn để cả nhóm có thể đạt thành công.
1. Những dấu hiệu của cái tôi
Người có cái tôi quá lớn luôn tìm được thứ gì đó để phàn nàn, trong khi lẽ ra họ nên dành năng lượng đó cho công việc cần thiết. Họ thường đổ lỗi cho những người khác vì những hạn chế của cả nhóm thay vì nhìn lại xem họ có thể làm gì tốt hơn hoặc làm gì để giúp mọi người cùng phát triển.
Vì hay đổ lỗi lên người khác nên những người có cái tôi cao hay tranh cãi thường xuyên, dẫn đến rạn nứt tình cảm đồng nghiệp và không thể làm việc cùng nhau.
Họ hay đổ lỗi cho người khác, nhưng luôn có lý do biện minh cho bản thân nếu họ làm việc nào đó không tốt.
Họ không chịu lắng nghe những lời phê bình mang tính xây dựng và cho rằng người ta đang soi mói mình. Rõ ràng thái độ này sẽ khiến họ không thể tiến bộ.
Đáng ngạc nhiên là khi chỉ còn một mình, những người này lại hay phê phán bản thân. Họ ngại liều lĩnh hay bước ra khỏi vùng an toàn vì họ sợ bị chê cười.
Điều này xuất phát suy nghĩ của họ rằng người khác luôn để ý và đánh giá họ. Suy nghĩ này một phần cũng vì họ chính là người đối xử với người khác theo cách đó.
Trong mắt họ, họ không bao giờ làm gì sai. Nếu người khác làm gì sai thì nhất định phải xin lỗi, còn khi họ làm gì sai thì họ tin rằng những người khác sẽ cho qua chuyện.
Người có cái tôi lớn thường không kiên nhẫn nếu mất nhiều thời gian hơn một chút để làm gì hay hoàn thành nhiệm vụ gì. Họ cho rằng họ thông minh hơn người và làm việc hiệu quả hơn tất cả mọi người khác. Vì thế họ sẽ giận dữ nếu ai đó làm việc hiệu quả hơn họ.
Thay vì giúp đỡ người khác, họ chỉ phàn nàn kể lể mình phải mất bao thời gian để hoàn thành công việc.
Những người này rất giỏi phán xét. Họ không cần quan tâm hoàn cảnh, đời sống riêng tư hay những yếu tố khác của mọi người khi phân tích năng lực làm việc. Khi người khác thất bại, họ sẽ không nhìn vào cả quá trình làm việc của người đó mà chỉ nhìn vào sự thất bại để đánh giá.
2. Vượt qua cái tôi
Có thể chính bạn cũng đang không nhận ra mình là người có cái tôi quá lớn. Nếu bạn có đặc điểm nào giống như trên thì hãy thay đổi để thành người biết thông cảm với mọi người hơn, một người vì mọi người hơn.
Đừng lãng phí thời gian và năng lượng để chê bai người khác trong công việc. Nếu bạn thật sự giỏi hơn họ, hãy giúp họ tiến bộ.
Hãy chia sẻ những chiến thuật bạn đã áp dụng để tiến bộ. Đồng nghiệp sẽ trân trọng những điều ấy, và cả nhóm sẽ cùng tiến tới thành công.
Muốn giúp đỡ người khác thì, hãy chỉ ra những điều họ làm tốt. Dù có những lĩnh vực họ cần cải thiện nhưng đừng lải nhải mãi chuyện đó.
Chẳng ai thích bị phê bình cả, vậy nên nếu bạn định phê bình ai đó thì hãy chắc chắn đó là vì một lý do tích cực.
Bạn không nên phán xét bất kỳ ai khác ngoài bản thân mình. Đừng so sánh người khác với mình vì bạn không biết rõ tất cả về đời sống, hoàn cảnh của họ và cũng không ở trong hoàn cảnh của họ.
Hãy chỉ so sánh bạn với bạn của ngày hôm qua. Nếu bạn vẫn chưa tiến bộ thì bạn không có quyền phán xét bất cứ ai khác.