Độc đáo quy trình làm hương se tay ở làng hương 300 tuổi

Khánh Linh
Dù ngày này công nghệ đã trở nên hiện đại với rất nhiều loại máy móc nhưng tại thôn Cao, nhiều người dân vẫn giữ gìn được truyền thống se hương bằng tay đã có từ hàng trăm năm nay.

Cách Hà Nội khoảng 40km, thôn Cao xã Bảo Khê, Thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) là một làng nghề nổi tiếng với nghề làm hương. Nơi đây được xem cái nôi của nghề làm hương của Việt Nam. 

Theo lời kể của nhiều cụ cao niên trong làng, từ thời xưa, một cụ bà trong làng đi buôn bán và học được nghề làm hương, khi trở về đã truyền dạy lại cho người dân địa phương.

Vì vậy, ngày 22/8 âm lịch hằng năm, ngày cụ mất, được coi là ngày giỗ tổ của làng, cũng như là ngày tưởng nhớ công ơn lớn lao của cụ tổ đã truyền nghề cho dân làng, là người khai sinh cho nghề làm hương Thôn Cao. 

Ngày nay không chỉ Thôn Cao mà trên khắp dải đất hình chữ S Việt Nam có rất nhiều làng nghề sản xuất hương. Tuy nhiên Thôn Cao vẫn là làng nghề hiếm hoi giữ gìn được truyền thống se hương bằng tay đã có từ hàng trăm năm nay.

Thôn Cao là làng nghề hiếm hoi giữ gìn được truyền thống se hương bằng tay đã có từ hàng trăm năm nay.

Thôn Cao là làng nghề hiếm hoi giữ gìn được truyền thống se hương bằng tay đã có từ hàng trăm năm nay.

Hương se tay là loại hương đặc biệt của thôn Cao. Se tay công phu hơn se máy rất nhiều. Cùng một loại hương nhưng se tay và se máy cũng có nhiều điểm khác biệt. Để làm ra được một mẻ hương se tay cần trải qua nhiều công đoạn. 

Đầu tiên là chuẩn bị tăm hương. Tăm hương được làm từ tre, được người dân thông Cao nhập từ thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Phần tăm hương này sẽ được nhuộm màu ở chân, phần màu này không chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp của nén hương mà còn đánh dấu phần bột hương được sử dụng trên nén hương. 

Tăm hương cũng có nhiều loại khác nhau.Nếu làm bằng máy là que tròn còn những gia đình làm thủ công bằng tay là que vuông. Ngay cả kích thước que cũng có nhiều loại, loại nhỏ to, dài ngắn được sản xuất tuỳ vào yêu cầu của khách hàng. 

Bước tiếp theo là phát thuốc làm bột hương cũng là giai đoạn quan trọng nhất. Thuốc ở đây gồm những nguyên liệu từ những vị thuốc bắc quen thuộc. Ở thôn Cao có một yêu cầu đặc biệt thuốc làm hương phải là thảo mộc, là những nguyên liệu từ thiên nhiên không được phụ gia, hoá chất. Những thảo mộc này sẽ cần phải cân đo, đong đếm tỉ mỉ. 

Bột hương được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thảo mộc.

Bột hương được làm hoàn toàn từ nguyên liệu thảo mộc.

Những nguyên liệu thuốc sau khi được chẻ nhỏ sẽ được đưa vào máy nghiền và nghiền đi nghiền lại nhiều lần để đảm bảo bột thật mịn.

Sản phẩm khi làm được nén hương có mùi thơm đặc trưng theo bí quyết riêng của từng hộ gia đình mà nguyên liệu chính là tổng thể của 36 vị thuốc Bắc. Tùy thuộc vào đơn thuốc Bắc, có hộ cắt đơn đủ 36 vị, có hộ cắt đơn thuốc dưới 36 vị, tùy thuộc vào sản phẩm khách hàng đặt theo giá thành.

Mỗi hộ sản xuất sẽ có một công thức pha chế thảo mộc riêng chính vì vậy mùi hương của mỗi nơi sẽ được quyết định ở giai đoạn này. Chính vì mỗi nhà cũng có một mùi thơm tự nhiên đặc trưng riêng, không ai giống ai.

Phát thuốc xong sẽ đến giai đoạn đánh keo. Giai đoạn này người thợ trộn bội hương với nước và đánh lại thành một khối nhìn giống như cục đất sét.

Đã có được keo thuốc và que hoàn chỉnh, người thợ sẽ bước vào giai đoạn xe hương. Từng chiếc tăm hương gỗ sẽ được se cùng với phần keo thuốc đã chuẩn bị sao cho hai phần này dính liền thành một thể thống nhất, ra được một nén hương hoàn chỉnh.

Phần hương được se xong sẽ được mang ra phơi cho khô rồi đóng gói thành phẩm thành gói, hộp, hòm tùy theo nhu cầu của khách hàng. Loại giấy và ni lông đóng gói cũng cần phải lựa chọn cẩn thận để đảm bảo bảo quản hương tốt không bị ẩm mốc.

Hương se xong được phơi cẩn thận.

Hương se xong được phơi cẩn thận.

Việc làm hương se tay yêu cầu sự chỉn chu trong từng công đoạn từ khi làm cho đến khi phơi bởi nếu nếu phát thuốc mà lẫn tạp chất hay bụi bẩn không sạch sẽ hay khi phơi ở không sạch sẽ bị lẫn tạp chất thì hương sẽ cháy chậm và còn bị tắt.

Và đây là điều kiêng kỵ bởi hương chính là lòng thành mà mỗi người dâng lên tổ tiên. Hương tắt là điềm báo không may mắn chính vì vậy sẽ khiến khách hàng không hài lòng và mất uy tín. Chính vì vậy mọi quy trình yêu cầu phải làm tỉ mỉ, sạch sẽ, gọn gàng.

Cũng do sự cầu kỳ và chỉn chu đó nên se tay và se máy cũng có nhiều điểm khác biệt. Se máy một ngày có thể làm ra được 4-5 vạn nhưng se tay phải đến 4-5 ngày mới sản xuất được một vạn. Tiền thuê nhân công để làm ra 2 loại hương cũng khác nhau. Se tay phải trả công 500.000 một vạn hương còn se máy chỉ 70.000 một vạn thôi. Cũng chính vì thế mà giá thành của hương se tay cũng đắt hơn so với se máy. 

Dù trải qua 300 năm với rất nhiều thay đổi nhưng chỉ có một điều không thay đổi đó là sự chỉn chu, tỉ mỉ và lòng yêu nghề của người dân Thôn Cao. Họ quyết tâm chung thuỷ với nghề và giữ gìn nghề truyền thống tổ tiên để lại.

Tôi mong cả làng sẽ chung thuỷ, sẽ gắn bó với nghề làm hương này. Nhưng làm phải chất lượng, phải uy tín, lương thiện thì mới phát giữ gìn và phát triển nghề truyền thống mà tổ tiên để lại. Đó là mong ước lớn nhất và duy nhất của tôi”, cụ Ứng Thị Thể, người dân Thôn Cao chia sẻ.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính