Người dân làng hương xạ thôn Cao: “Làm hương không bao giờ sợ mất nghề…”

Làm hương giúp người dân ở thôn Cao (tỉnh Hưng Yên) có cuộc sống ổn định, nhiều hộ gia đình giàu lên. Người dân thôn Cao tự tin, làm hương thì không sợ mất nghề vì ai cũng phải thắp hương mỗi ngày, nén hương luôn rất quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh, thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Cách thủ đô Hà Nội khoảng 40km, làng hương thôn Cao (xã Bảo Khê, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) là địa điểm nổi tiếng, thu hút khách du lịch tham quan.

Nơi đây nổi tiếng là làng nghề về làm hương xạ, có tuổi đời hàng trăm năm. Người dân thôn Cao từ nhỏ đã quen với mùi hương thơm quanh đường làng ngõ xóm, lớn lên theo ông bà, cha mẹ gìn giữ và phát huy nghề truyền thống.

Empty

Thế hệ tiếp nối ở làng hương thôn Cao không ai nhớ rõ nghề này bắt đầu khi nào, chỉ biết đã từ rất lâu. Chỉ biết rằng tổ nghề là cụ Đào Thị Khương, hàng trăm năm về trước đi buôn bán ở nước ngoài đã học nghề, sau đó về truyền dạy lại cho người dân trong làng.

Bà Đào Thị Quy, một người làm hương ở thôn Cao nay đã ở tuổi thất thập vẫn cần mẫn với nghề truyền thống. Bà Quy cho biết đã làm hương từ hồi bé, được các cụ và cha mẹ truyền nghề lại, trải qua 5-6 đời, trong làng hầu như nhà nào cũng như vậy.

“Ngày xưa mọi người se hương bằng tay, bây giờ có máy móc hỗ trợ hết rồi. Lúc trước các cụ hay gánh hương ra chợ bán lẻ, giờ toàn đi giao, gửi xe ô tô giao đến các nơi.

Empty

Tôi cũng từng gánh hương đi bán với cha mẹ, xuống tận Thái Bình làm thuê rồi đem hương đi bán. Gánh bằng hai cái sọt, ra chợ bán rồi dần dần có khách quen họ đặt nhiều” - Bà Quy kể lại.

Thôn Cao nằm sát đê tả ngạn sông Hồng, cảnh sắc yên bình thơ mộng. Trải qua hàng trăm năm, người dân thôn Cao vẫn giữ được làng nghề truyền thống, bí quyết làm hương chất lượng, có mùi thơm đặc trưng được tin dùng trên thị trường. 

Theo bà Quy, nguyên liệu để làm hương xạ ở thôn Cao gồm: xuyên quy, thảo mộc, quế, các loại thuốc bắc…như vậy hương mới thơm đặc trưng. Đặc biệt mỗi gia đình, dòng họ lại sáng tạo ra những mùi hương riêng với các loại thảo mộc, tạo nên sự độc đáo, đa dạng cho từng thương hiệu. Tăm để se hương được làm bằng cây nứa bánh tẻ, có độ dẻo dai. Tăm hương được chẻ nhỏ, ngâm, phơi, nhuộm màu đỏ ở chân, độ dài từ 35-40cm. 

8

Tại thôn Cao, ngoài làng nghề truyền thống cung cấp các sản phẩm về hương còn là điểm đến du lịch yêu thích của nhiều du khách. Cảnh quê thanh bình, màu sắc của những mảng sân phơi hương tạo nét đặc biệt thu hút. Trên cả nước có nhiều nơi làm hương, nhưng ở thôn Cao vẫn được xem là nơi phát tích của nghề làm hương.

Cũng từ ngành nghề này, kinh tế của nhiều hộ gia đình ở thôn Cao ổn định, nhiều người vươn lên làm giàu với nghề truyền thống.

“Làng này nhiều người giàu lên từ nghề làm hương lắm. Làm nghề này thì không sợ bị mất nghề vì ai cũng phải thắp hương mà. Từ đình, chùa, miếu mạo, cúng bái…rồi đến lễ, Tết, ngày rằm, mùng một…dịp nào cũng cần thắp nén nhang, không có thì không được.

Cũng có nhiều nơi làm nhái hương xạ thôn Cao, nhưng của người ta không thơm bằng của mình, vì vậy nên thương hiệu hương này vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng khách hàng nhiều năm qua” - Bà Quy chia sẻ.

IMG_0213

Không phải ngẫu nhiên mà hương xạ thôn Cao lại nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Hương tại đây có mùi thơm lâu, nhẹ thanh đặc trưng, được làm từ những nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm với bí quyết riêng. Khi nén hương thành phẩm có chất lượng tốt nhất gửi đến người tiêu dùng.

Phương Thảo

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính