Theo quan niệm lâu đời của người Việt, đêm giao thừa nên kiêng kỵ một số điều để tránh xui xẻo.
Quan niệm dân gian có nhiều điều kiêng kỵ vào đêm giao thừa để đón một năm mới tốt lành, an khang, may mắn, tránh những điều xui xẻo. Có những điều đã được lý giải nhưng cũng có những điều khá mơ hồ.
Theo nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (thuộc Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Tiềm năng con người), "tất cả những tục lệ đó đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam ta, việc thực hiện hoặc kiêng cữ đầy đủ cũng là một liệu pháp tâm lí giúp mọi người có thể yên tâm chào đón năm mới".
Lưu ý: Những thông tin dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Thực hiện kiêng cữ hay không còn tùy thuộc vào từng gia đình, từng người.
Dưới đây là những kiêng kỵ trong đêm giao thừa theo quan niệm dân gian.
Rất nhiều người có thói quen đi hái lộc đầu năm ở chùa, đền, miếu vào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Người ta cho rằng, hái lộc đầu năm để mong cho một năm mới nhiều tài lộc, may mắn, tuy nhiên trên thực tế đây lại được nhiều chuyên gia cho rằng nó là điều đại kỵ.
Một số ý kiến cho rằng, hái lộc đầu năm là đồng nghĩa với việc rước vong về nhà cư ngụ.
Do đó, vào khoảnh khắc giao thừa, tránh hái lộc đầu năm, một phần là bảo vệ cây cối, phần khác là tránh rước vong vào nhà.
Trong thời khắc đầu năm mới, người xưa rất kỵ các từ ngữ thể hiện sự thiếu hụt như “hết”, “thiếu” hay những từ phủ định như “không cần”, “không có”.
Bên cạnh đó, cần tránh nói về điềm xui như bệnh tật, mất mát, thua lỗ,…
Vào dịp đầu năm mới, người ta thường kiêng không làm vỡ bát đĩa, đặc biệt là gương.
Bởi quan niệm dân gian từ bao đời cho rằng, việc làm vỡ các đồ vật ngày đầu năm chính là hành động "phá vận", xua đuổi điểm may, tài lộc và đón nhiều điều xui đến với gia đình.
Vào đêm Giao thừa, các thành viên trong gia đình cũng không nên cãi nhau hay to tiếng với nhau.
Tết là dịp gia đình đoàn tụ, sum vầy, đừng biến không khí vào dịp đầu xuân trở nên buồn hơn bởi những hiểu lầm, xích mích.
Ngoài ra, Tết cũng là thời điểm không nên nói tục chửi bậy vì đó là những lời không hay, không phù hợp với không khí đón Tết, mừng năm mới.
Chính vì điều này mà năm mới người ta sẽ chỉ nói điều hay, nói năng nhẹ nhàng, tránh cãi, mắng nhau vào thời điểm đón giao thừa.
Theo quan niệm của dân gian, chỉ có những gia đình nghèo khổ, không có tài sản mới phải ăn cháo. Chính vì thế, vào bữa cơm đầu tiên của năm mới, mọi người không nên nấu cháo ăn mà thay vào đó là ăn những món khác.
Ngoài ra, sáng mùng 1 Tết còn được gọi là ngày “muôn thần tề tựu”, việc ăn cơm nóng, những món ăn trang trọng, đủ đầy cũng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.
* Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo