Trong nhiều thập kỷ, văn hóa làm việc ở Nhật Bản gắn liền với những giờ làm việc căng thẳng, tăng ca liên tục và hy sinh bản thân vì công việc.
Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi. Giới trẻ Nhật Bản hiện làm việc ít giờ hơn so với bất kỳ giai đoạn nào kể từ đầu thế kỷ 21.
Trong báo cáo “Kinh tế thực của Nhật Bản” công bố vào tháng 11/2024, chuyên gia Takashi Sakamoto tại Viện Nghiên cứu Lao động Recruit Work, cho biết số giờ làm việc hàng năm tại nước này đã giảm 11,6% - từ 1.839 giờ vào năm 2000 xuống còn 1.626 giờ vào năm 2022, tương đương với nhiều quốc gia châu Âu.
Mức giảm rõ rệt nhất ở nam giới độ tuổi 20, khi họ làm việc trung bình 46,4 giờ mỗi tuần vào năm 2000 nhưng chỉ còn 38,1 giờ vào năm 2023.
Ông Makoto Watanabe, giáo sư truyền thông đại chúng tại Đại học Hokkaido Bunkyo, nhận định: “Giới trẻ ngày càng không muốn hy sinh bản thân vì một công ty. Và tôi cho rằng đó là quyết định khá sáng suốt”.
Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi chuyển giao thế hệ. Không giống như cha mẹ họ, những người chấp nhận làm việc nhiều giờ để đổi lấy tăng trưởng kinh tế và sự ổn định việc làm, giới trẻ Nhật Bản ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đồng thời từ chối các điều kiện làm việc khắc nghiệt.
"Vào những năm 1970 và 1980, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng. Người lao động càng làm việc nhiều thì thu nhập càng cao", ông Watanabe chia sẻ với This Week in Asia. "Và nếu kiếm được nhiều tiền, điều đó khiến người lao động cảm thấy công sức bỏ ra trở nên xứng đáng. Nhưng bây giờ không còn như vậy nữa".
Ông nói thêm: "Thái độ của giới trẻ ngày nay là nếu làm quá nhiều, đồng nghĩa họ đang bị bóc lột".
Tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản cũng mang lại cho những nhân viên trẻ lợi thế, đó là quyền đàm phàn.
Các công ty đang khát nhân tài đến nỗi họ chào mời sinh viên đại học trước khi họ tốt ghiệp với hy vọng tuyển dụng họ trước khi tốt nghiệp.
Với những nhân viên cảm thấy bị làm việc quá sức hoặc không được đánh giá cao, việc tìm một công việc mới giờ đây trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
"Giới trẻ sẽ không chấp nhận tình trạng bóc lột đó và họ sẽ rời đi, vì họ biết rằng với sự thiếu hụt nhân viên có trình độ, họ có thể nhanh chóng tìm được một công việc mới", Watanabe chia sẻ.
Sự thay đổi này cũng được thể hiện qua mức lương. Mặc dù làm việc ít giờ hơn, tiền lương của những người ở độ tuổi 20 tăng 25% kể từ năm 2000, theo báo cáo của Sakamoto. Đồng thời, ngày càng ít công ty yêu cầu nhân viên làm thêm giờ không lương, một vấn đề tồn tại lâu dài tại các công ty ở Nhật Bản.
Nhà xã hội học Izumi Tsuji tại Đại học Chuo ở Tokyo, cho biết mục tiêu của những lao động trẻ là sự ổn định, chứ không phải tham vọng.
"Giới trẻ ngày nay cảm thấy khó có thể mơ về tương lai, vì vậy họ chỉ muốn có sự ổn định trong cuộc sống hàng ngày. Họ chỉ muốn kiếm đủ tiền để trang trải và được sống với tâm trạng thoải mái… họ tạm gác lại những hoài bão lớn lao của mình", ông Tsuji nói.
Điều này mang lại hy vọng tình trạng Karoshi - thuật ngữ chỉ trường hợp tử vong do làm việc quá sức - có thể sẽ giảm dần.
Theo các báo cáo của chính phủ Nhật Bản, 2.968 người đã tử vong do tự tử liên quan đến làm việc quá sức trong năm 2022, tăng so với con số 1.935 của năm trước đó.
Số liệu chính thức năm 2023 ghi nhận 54 trường hợp tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến làm việc quá sức, chẳng hạn như đột quỵ và đau tim, mặc dù các chuyên gia tin rằng con số thực tế cao hơn nhiều.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Giới trẻ Nhật Bản quay lưng với 'văn hóa làm việc kiệt sức' tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].