Theo công bố mới nhất từ trang xếp hạng hộ chiếu uy tín Henley Passport Index, Singapore trở lại vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng hàng quý về những hộ chiếu quyền lực nhất thế giới.
Người sở hữu cuốn hộ chiếu màu đỏ của đảo quốc sư tử được miễn thị thực (visa) khi đến 195 trong số 227 điểm đến toàn cầu, nhiều hơn công dân của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Nhật Bản xếp thứ hai với quyền đi lại miễn thị thực tới 193 điểm đến. Quốc gia này đã giành lại vị trí á quân nhờ khôi phục quyền miễn thị thực vào Trung Quốc.
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) gồm Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, Phần Lan, cùng với Hàn Quốc chia sẻ vị trí thứ 3, với 192 điểm đến không cần xin trước thị thực.
Vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng là minh chứng cho sức mạnh của khu vực Schengen không biên giới của EU, nơi đảm bảo quyền tự do đi lại cho hơn 425 triệu công dân EU. Khu vực này gồm 7 quốc gia gồm Áo, Đan Mạch, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển. Mỗi nước được miễn thị thực tới 191 điểm đến.
Xếp ở vị trí thứ 5 là 5 quốc gia, gồm Bỉ, New Zealand, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh, tất cả đều được miễn thị thực tới 190 điểm đến.
Phần còn lại của top 10, Australia và Hy Lạp đồng hạng ở vị trí số 6; trong khi Malta, Ba Lan và Canada ở vị trí số 7.
Vị trí thứ tám được chia sẻ bởi Cộng hòa Séc và Hungary. Mỹ và Estonia ở vị trí thứ 9. Vị trí thứ 10 là các nước Latvia, Litva, Slovenia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ở phía đối diện của bảng xếp hạng, ở vị trí thứ 106, Afghanistan vẫn bị xếp ở vị trí cuối cùng, chỉ được miễn thị thực tới 26 điểm đến, ít hơn hai điểm so với một năm trước. Syria đứng thứ 105 (với 27 điểm đến) và Iraq đứng thứ 104 (với 31 điểm đến).
Trong khi đó, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 91 với 51 điểm đến được miễn thị thực.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Quốc gia Đông Nam Á sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].